Triển khai Đề án hợp tác phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Lào 2011-2020

Triển khai Đề án hợp tác phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Lào 2011-2020

(GD&TĐ) - Sáng nay (14/12), tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Đề án hợp tác phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Lào giai đoạn 2011-2020. Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga và đại diện Đại sứ quán CHDCND Lào tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: gdtd.vn
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: gdtd.vn

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, kể từ năm 1992, khi Nghị định thư giữa 2 Chính phủ Việt Nam – Lào về hợp tác đào tạo cán bộ Lào tại Việt Nam được ký kết, Việt Nam luôn dành khoảng gần 50% tổng số vốn viện trợ không hoàn lại cho Lào để phục vụ công tác đào tạo.

Trong 10 năm trở lại đây, mỗi năm số lượng lưu học sinh Lào được gửi sang đào tạo tại Việt Nam theo Hiệp định duy trì từ 550 đến 650 người, gần đây lên tới 1000 người.

Tính đến cuối tháng 11/2011, số lưu học sinh Lào hiện đang học tập ở Việt Nam là hơn 5.507 người. Nhiều lưu học sinh Lào sau khi trở về nước đã phát huy được năng lực của mình, trở thành cán bộ giữ các cương vị quan trọng trong các cơ quan, bộ, ngành ở Trung ương và địa phương.

Song song với công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho Lào, 2 bên không ngừng mở rộng sự hợp tác giúp đỡ lẫn nhau với nhiều chương trình hợp tác như xây dựng cơ sở vật chất trường học, biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, hỗ trợ chuyên gia và hợp tác nghiên cứu khoa học. 

cxcxxc
Chủ tọa hội nghị triển khai Đề án hợp tác phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Lào giai đoạn 2011-2020. Ảnh: gdtd.vn

Theo phòng Văn hóa – Giáo dục ĐSQ Việt Nam tại Lào, đến thời điểm hiện nay, tổng số LHS Việt Nam đang học tập tại Lào là 495, trong đó có 182 thuộc diện Hiệp định, 187 diện kết nghĩa giữa các địa phương và các Bộ ngành, 96 đối tượng thuộc diện tự túc và các doanh nghiệp và 30 đối tượng thuộc đề án 165 của Ban tổ chức Trung ương. Phần lớn sinh viên xác định được mục tiêu, nhiệm vụ học tập, đã chủ động, tự giác trong học tập. Tỷ lệ sinh viên đạt kết quả học tập khá giỏi trên 60%, nhiều sinh viên đạt xuất sắc.

Tuy nhiên, theo đánh giá của đoàn kiểm tra liên ngành Lào về chất lượng đào tạo, vẫn có tới 90% số lưu học sinh chỉ đạt trình độ trung bình hoặc kém, việc sắp xếp ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Lào. Nguyên nhân chính dẫn đến kết quả của lưu học sinh Lào còn yếu là do trình độ tiếng Việt còn hạn chế, học sinh Lào chưa có đủ tài liệu, từ điển Việt – Lào, Lào – Việt để phục vụ cho học tập và nghiên cứu.

Để khắc phục những tồn tại trên, Chính phủ 2 bên đã thống nhất xây dựng Đề án Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt – Lào trong lĩnh vực giáo dục phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020, được Chính phủ phê duyệt ngày 22/4/2011.

Theo đó, sẽ mở rộng hình thức đào tạo theo nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp Lào, tăng số lượng học bổng theo Hiệp định lên 10% trong tổng số 650 suất mỗi năm, có đào tạo dài hạn, ngắn hạn và đào tạo lại, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị, quản lý, khoa học; tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp của Lào trong giai đoạn 2009-2012;  tăng cường dạy tiếng Việt tại các trường phổ thông trong hệ thống giáo dục của Lào; đổi mới phương pháp tuyển sinh và đào tạo dự bị đại học; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi dưỡng giáo viên cho các trường hữu nghị Việt – Lào; đào tạo, bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ cho những giáo viên trước khi sang giảng dạy tiếng Việt tại Lào…

Trước thực tế một số những khó khăn nảy sinh trong thực tế tổ chức đào tạo các LHS Lào, đại diện các sở GD&ĐT, các trường ĐH có tiếp nhận LHS Lào đã kiến nghị cần tiếp tục bổ sung cơ sở vật chất phục vụ đào tạo cho nhà trường; những LHS Lào khi sang Việt Nam học tập cần được lựa chọn bằng thi tuyển kết hợp xét tuyển; nghiên cứu điều chỉnh học bổng cho các LHS Lào để phù hợp với điều kiện thực tế; đơn giản hóa quy trình, thủ tục tiếp nhận LHS Lào; cho ban hành chương trình khung, giáo trình về đào tạo tiếng Việt cho LHS nước ngoài thống nhất trên toàn quốc; căn cứ vào thực tế để chỉnh sửa cho phù hợp về quy chế đào tạo người Lào học tập tại Việt Nam để phù hợp với quy chế đào tạo theo hình thức tín chỉ…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã khẳng định, mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Lào là tài sản vô giá của hai nước, trong đó, hợp tác về giáo dục đào tạo đã đang và sẽ là một trong những nội dung quan trọng nhất, có ý nghĩa chiến lược để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai nước.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp GD cho ông Vông-pha-chanh, Tham tán VH-GD của ĐSQ Lào. Ảnh: gdtd.vn
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp GD cho ông Vông-pha-chanh, Tham tán VH-GD của ĐSQ Lào. Ảnh: gdtd.vn

Đánh giá lại kết quả kết quả hợp tác về giáo dục đào tạo Việt Nam – Lào trong thời gian qua, Bộ trưởng ghi nhận những kết quả tích cực như việc đón nhận LHS Lào sang Việt Nam học tập không ngừng tăng về quy mô, cơ cấu ngành nghề được mở rộng, nguồn tuyển phong phú, đáng chú  ý là số lượng đào tạo sau ĐH ngày càng tăng. Bên cạnh đó, theo sự chỉ đạo của lãnh đạo hai bên, đã xây dựng một số cơ sở giáo dục ở các địa phương trên đất nước Lào. Một số trường ĐH ở Việt Nam đã chủ động sang Lào phối hợp với các trường ĐH của Lào mở lớp đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ…Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng bày tỏ một số vấn đề liên quan đến chương trình học, vấn đề quản lý và chất lượng đào tạo, trình độ tiếng Việt của các LHS Lào…

Bộ trưởng đề nghị đề xuất một số chính sách nhằm điều chỉnh những bất cập liên quan đến vấn đề LHS Lào và việc cử giáo viên Việt Nam sang Lào; có thể kéo dài thời gian học tiếng của LHS Lào; yêu cầu các LHS Lào không chỉ có trình độ tiếng Việt đáp ứng yêu cầu mà tiến tới phải có cả trình độ tiếng Anh, tiếng Pháp đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế. Bộ trưởng yêu cầu các trường ĐH nghiên cứu thành lập khoa dự bị để không chỉ giải quyết vấn đề LHS Lào mà cả vấn đề học sinh dân tộc; đồng thời lưu tâm hơn nữa đế vấn đề chất lượng, tổ chức quản lý…

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ