Triển khai công tác chuẩn bị ứng cử đại biểu QH, đại biểu HĐND các cấp

Triển khai công tác chuẩn bị ứng cử đại biểu QH, đại biểu HĐND các cấp

(GD&TĐ)-Ngày hôm nay (21/2), các tỉnh: Hà Nam, Tây Ninh, Phú Yên, An Giang, Bạc Liêu, Đồng Nai, Gia Lai đã triển khai công tác chuẩn bị ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND các cấp.

Tỉnh uỷ Hà Nam tổ chức Hội nghị quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị, các quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 với sự tham gia của 140 cán bộ chủ chốt trong tỉnh.

Trên tinh thần Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam xây dựng kế hoạch triển khai công tác bầu cử trên địa bàn, trong đó nhấn mạnh đến mục đích xây dựng, củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì nhân dân.

Ngay sau hội nghị, các cấp uỷ, tổ chức đảng tiếp tục tập trung quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Chỉ thị số 50 của Bộ Chính trị, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và các văn bản của Trung ương, địa phương tới cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.

Tỉnh ủy Tây Ninh đã tổ chức hội nghị triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đến đội ngũ cán bộ, lãnh đạo trong tỉnh.

Các đại biểu được quán triệt các văn bản, hướng dẫn của Trung ương cùng với Thông tri của Ban thường vụ Tỉnh ủy về công tác bầu cử; hướng dẫn công tác nhân sự Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

sff
Các đại biểu được quán triệt các văn bản, hướng dẫn công tác bầu cử

Theo đó, người được giới thiệu phải có năng lực và điều kiện để thực hiện nhiệm vụ; thường xuyên liên hệ chặt chẽ, lắng nghe và tôn trọng ý kiến nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân yêu mến và tín nhiệm.

Việc lựa chọn đại biểu phải coi trọng tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; có cơ cấu hợp lý về số lượng đại biểu là người dân tộc thiều số, đại biểu nữ, đại biểu không phải đảng viên, đại biểu đang trong công tác ở các cơ quan xây dựng Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân….

Tỉnh ủy cũng chỉ đạo các ban, ngành phải đảm bảo an ninh trật tự chính trị, trật tự xã hội trong thời gian trước, trong và sau bầu cử; ngăn chặn mọi âm mưu lợi dụng bầu cử để chống phá, phá hoại bầu cử, nhất là khu vực biên giới…

Trước đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh có quyết định thành lập Ủy ban bầu cử gồm 29 thành viên do ông Lê Minh Trọng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh làm Chủ tịch.

Ngày 21/2, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch Mặt trận Tổ quốc tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Các đại biểu được nghe hướng dẫn việc các cấp Mặt trận thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các buớc đồng bộ 6 nội dung công tác Mặt trận tham gia bầu cử, trọng tâm là nắm vững nội dung các bước trong quy trình hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người có đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Tỉnh thành lập Ban chỉ đạo triển khai bầu cử, Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 do đồng chí Nguyễn Văn Út, Phó Bí thư Thừờng trực tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh làm Trưởng ban kiêm Chủ tịch Ủy ban bầu cử.

Thường trực HĐND tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2004 – 2011 đã thống nhất về số lượng, cơ cấu đại biểu đại diện các tổ chức, cơ quan, đơn vị, dự kiến chỉ tiêu, cơ cấu phấn đấu đối với thành phần đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2011 – 2016.

Theo quy định của pháp luật về bầu cử, tỉnh Phú Yên được bầu 50 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Trong đó, đại biểu phụ nữ phấn đấu có 15 người; đại biểu trẻ từ 35 tuổi trở xuống có 8 người; đại biểu là người dân tộc thiểu số có 3 người và đại biểu là người các tôn giáo có 2 người.

Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 02-HD/BTCTU về công tác nhân sự đại biểu HĐND TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu, các xã, thị trấn và 4 phường (TX Sông Cầu) nhiệm kỳ 2011-2016  trong đó quy định:  về cơ cấu đại biểu trẻ dưới 35 tuổi, phấn đấu đạt tỉ lệ chung không dưới 15%; về cơ cấu đại biểu là phụ nữ, định hướng đạt tỉ lệ chung khoảng 30% trở lên; về đại biểu là người ngoài Đảng, phấn đấu đạt tỉ lệ chung không dưới 10%.

Về thành phần, đảm bảo tỉ lệ cân đối giữa những người được giới thiệu ứng cử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên và những người ứng cử đại diện cho các đơn vị hành chính cấp dưới, người ứng cử đại diện cho cộng đồng dân cư thôn, buôn, khu phố hoặc những người tiêu biểu thuộc các lĩnh vực đời sống xã hội, các thành phần kinh tế. Giảm tỉ lệ người của các cơ quan hành chính Nhà nước ứng cử đại biểu HĐND các cấp.

Đảm bảo thành công cho kỳ bầu cử vào tháng 5 tới, Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh An Giang đã thông qua dự kiến cơ cấu thành phần số lượng ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2011 - 2016 và chỉ đạo thành lập các ban giúp việc.

Tỉnh An Giang thống nhất số lượng ứng cử viên đưa ra hiệp thương lần thứ nhất đối với đại biểu Quốc hội là 25, Hiệp thương lần thứ 2 là 20 và danh sách niêm yết là 18 ứng cử viên. Đối với đại biểu Hội đồng nhân dân lần thứ nhất là 195, đến lần thứ hai còn 119 và danh sách niêm yết là 113 ứng cử viên. Tỉnh cũng thành lập Uỷ ban bầu cử gồm 27 thành viên và 4 tiểu ban giúp việc.

Hôm nay, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Chỉ thị về việc phát động đợt thi đua đặc biệt, thực hiện thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011-2016.

Đến nay, Đồng Nai đã thành lập 11 Ủy ban bầu cử cấp huyện, 171 Ủy ban bầu cử cấp phường, xã và dự kiến sẽ bầu 11 đại biểu Quốc hội và 81 đại biểu HĐND tỉnh.

Cũng trong sáng 21/2, tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị cán bộ toàn tỉnh triển khai chỉ thị của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử Quốc hội khóa 13 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016.

Hội nghị đã quán triệt Chỉ thị 50 của Bộ chính trị, Chỉ thị 192 của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn về công tác nhân sự đại biểu, quy trình các bước hiệp thương lựa chọn người ứng cử đại biểu Quốc hội, hướng dẫn cơ cấu thành phần, số lượng đại biểu HĐND các cấp  và Chỉ thị của UBND tỉnh Gia Lai về triển khai các hoạt động tổ chức bầu cử các cấp.

Ông Hà Sơn Nhin, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban bầu cử của tỉnh Gia Lai cho biết, UBND tỉnh Gia Lai đã thành lập Ủy ban Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 13 và bầu cử đại biểu HĐND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2011-2016, với 25 thành viên.

Ủy ban Bầu cử tỉnh cũng đã họp phiên thứ nhất để quán triệt nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phân công nhiệm vụ các thành viên, dự thảo kế hoạch, kinh phí về tổ chức cuộc bầu cử.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức tuyên truyền sâu rộng kịp thời trong cán bộ công nhân viên chức - lao động, lực lượng vũ trang và người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, những nội dung về Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử Đại biểu Hội đồng Nhân dân… để nâng cao ý thức làm chủ, tinh thần tự giác cho công dân, cơ quan, tổ chức, đảm bảo cuộc bầu cử thực sự dân chủ, an toàn, tiết kiệm, đúng pháp luật.

Nguyên Phương-Ngọc Hoa-Hùng Sơn-Xuân Hương

 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ