Người bệnh cần đi khám để được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và chỉ định thuốc thích hợp. Bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ lợi hại và chọn lựa thuốc phù hợp, an toàn cho phụ nữ có thai.
Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng táo bón ở phụ nữ mang thai như do hormon thai kỳ là progesterone gây giãn và làm giảm hoạt động của nhu động ruột, do thuốc (bổ sung viên sắt trong thai kỳ), do hạn chế vận động, mệt mỏi.
Hơn nữa, quá trình phát triển của thai nhi cũng làm gia tăng áp lực lên khung xương chậu, gây sung huyết, làm tình trạng táo bón gia tăng. Các yếu tố làm trầm trọng hơn tình trạng táo bón: nghén, đã từng bị táo bón trước đó, mắc hội chứng ruột kích thích...
Chỉ sử dụng thuốc nhuận tràng khi người bệnh đã cố gắng thay đổi chế độ ăn, lối sống nhưng vẫn không có hiệu quả. Khi sử dụng các thuốc nhuận tràng điều quan trọng là người bệnh cần phải uống nhiều nước để tăng hiệu quả của thuốc đồng thời tránh bị táo bón dội ngược.
Nhóm thuốc nhuận tràng ưu tiên sử dụng là nhuận tràng cơ học (cellulose, agar-agar, hemicellulose...) và nhuận tràng thẩm thấu (muối natri, muối magie, glycerin, sorbitol).
Hạn chế sử dụng thuốc nhuận tràng làm trơn (dầu paraffin), nhuận tràng làm mềm phân (muối docusate) và không được sử dụng (chống chỉ định) với thuốc nhuận tràng kích thích (dầu thầu dầu) do làm tăng co bóp tử cung gây sẩy thai hoặc sinh non.
Cũng không dùng các thuốc như bisacodyl, picosulfate cho phụ nữ có thai. Cần lưu ý, khi bị táo bón phụ nữ có thai cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc.
Để cải thiện tình trạng táo bón trong thai kỳ, các bà mẹ nên có chế độ ăn cân bằng, bổ sung nhiều chất xơ như đậu, cám, ngũ cốc, trái cây tươi và rau xanh.
Cần uống nhiều nước và tránh những đồ uống có chứa chất kích thích; Tập thể dục nhẹ nhàng, thường xuyên. Dành thời gian và tập thói quen đi tiêu đều đặn.