Trẻ vô tâm, lỗi tại ai?

Trẻ vô tâm, lỗi tại ai?

(GD&TĐ) - Người xưa có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ” để giáo dục con cái nhưng dường như gia đình hiện đại lại không coi trọng điều này. Nhiều phụ huynh vì cưng chiều con nên đáp ứng tất cả những yêu cầu của con một cách vô điều kiện. Chính điều này đã tạo cho trẻ ỷ lại vào cha mẹ, chỉ biết đòi hỏi mà không biết chia sẻ, quan tâm và có trách nhiệm với người thân, với bạn bè.

Những chuyện phổ biến trong giới trẻ

Đã nhiều lần, chị Bắc hàng xóm than phiền con gái không hiểu sao sống ích kỷ, sống chỉ biết mình. Rằm tháng riêng vừa rồi anh chị ý định về quê thăm bà nội ốm. Chị chuẩn bị khá nhiều đồ và nhờ con gái chị giúp một tay thì nhận được lời đề nghị: “Mẹ ơi con có thể không về quê được không? Ở quê vừa rất buồn không có internet  mà bà nội già và lẫn rồi. Với lại ngày mai con định đi xem ca nhạc ca sĩ Hàn biểu diễn ở Việt Nam, con không muốn về đâu mẹ ạ”. Chị Bắc thẩn thờ trước những câu nói rất thờ ơ của con gái. Đúng là con gái chị luôn được bao bọc và hưởng thụ như nhiều đứa trẻ con nhà giàu khác. Chị luôn tạo điều kiện cho con được ăn học và hoạt động vui chơi thoái mái. Nhưng cũng chính vì chiều chuộng mà có lúc chị buồn vì con gái không nhớ đến ngày sinh của bố mẹ mà chỉ nhớ đến ngày sinh thần tượng. Bất giác chị thấy lo lắng và tự hỏi không biết đó là sự phát triển tự nhiên của con cái hay chính do cách giáo dục chưa đúng mực của gia đình khiến con gái 14 tuổi “vô tâm” đến vậy?

Hành động và thái độ vô tâm của con trẻ không phải là hiếm trong cuộc sống hàng ngày. Không hiếm để thấy một trẻ nhỏ đi qua người ăn mày hay những cảnh đời bất hạnh với ánh mắt kì thị, thái độ khinh thường. Hôm rồi, tôi đang lưu thông trên đường, một cậu học sinh mang phù hiệu lớp 12 chạy xe va vào tôi làm xe ngã, thế mà cậu vẫn thản nhiên ngồi trên xe giương mắt nhìn. Bực quá, tôi nói: “Con có lỗi, ít ra phải biết xin lỗi và giúp cô dựng xe lên chứ!”. Cậu bé không nói gì rồi phóng đi như có ai đuổi.

Nguyên nhân từ đâu?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô cảm của giới trẻ, nhưng tựu chung, cái gốc chính là cách sống của giới trẻ ngày nay, và cách giáo dục từ trong gia đình cho đến nhà trường và ngoài xã hội. Ngày nay xã hội phát triển cùng với những tiến bộ khoa học kĩ thuật, trẻ nhỏ sớm được tiếp xúc với các loại hình giải trí mang tính chất bạo lực hay thế giới ảo làm cho trẻ chai lỳ cảm xúc. Thói quen bó hẹp giao tiếp, chỉ giao lưu với những người ảo trên mạng game online. Những cảnh bạo lực từ đấm đá đến chém giết man rợ, đầy rẫy trong các trò chơi điện tử, trên ti vi, trong truyện tranh; những thú vui giải trí được giới trẻ yêu thích sẽ dẫn tới thờ ơ hay lãnh đạm với những việc xảy ra xung quanh, đó là một hệ quả không tránh khỏi. Hơn nữa, nhiều phụ huynh vì cưng chiều con nên đáp ứng tất cả những yêu cầu vô lối của con một cách vô điều kiện. Thế nhưng, họ lại không dạy con phải biết chia sẻ, quan tâm và có trách nhiệm với người thân, với bạn bè. Một đứa trẻ chỉ biết "nhận" chứ không biết "cho" sẽ nghèo nàn về cảm xúc, vô tâm trước đòi hỏi của tình người, và bàng quan trước nỗi đau của kẻ khác.

Theo Tiến sĩ tâm lý giáo dục Đinh Đoàn: “Nếu người lớn có trách nhiệm và quan tâm hơn tới con cái, hành động và cư xử đúng đắn hơn để làm tấm gương cho các em thì sự vô cảm có lẽ đã không lan nhanh và mạnh như thế”.

Để con cái không bị chai lì về mặt cảm xúc hay quá vô tâm với cuộc sống gây nên những hậu quả đáng tiếc, cha mẹ là một phần quyết định trong việc định hướng suy nghĩ và hướng trẻ đến những việc làm tốt. Con cái vô tâm là một phần trách nhiệm lớn từ phía gia đình.  

Nguyên Hưng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ