(GD&TĐ) - Trong bối cảnh xã hội đang biến đổi hiện nay, vị thành niên có suy nghĩ và định hướng như thế nào về cuộc sống tương lai? Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày kết quả nghiên cứu trên 345 học sinh tại 2 trường THPT thuộc địa bàn nội thành và 2 trường THPT thuộc vùng nông thôn của thành phố Hà Nội để chúng ta phần nào biết được suy nghĩ của các em.
Cuộc sống đô thị có sức hút mạnh mẽ với lứa tuổi vị thành niên |
Trước hết, chúng tôi hỏi mong muốn của các em học sinh về địa bàn sinh sống trong tương lai, kết quả trả lời cho thấy, trên 80% học sinh thành phố và nông thôn đều mong muốn sống tại khu vực đô thị hoặc vùng ngoại ô của đô thị.
Cụ thể, đối với học sinh đang sống ở thành phố, có 85,2% được hỏi trả lời rằng thích sống ở trung tâm thành phố và 10,5% thích sống ở khu vực ngoại ô, 4,3% thích sống ở vùng nông thôn trong tương lai. Còn đối với các em hiện đang sống ở khu vực nông thôn cho biết, trong tương lai các em thích sống ở khu vực đô thị chiếm 48,8%; sống ở khu vực ngoại ô là 34,3% và chỉ có 16,9% sẽtiếp tục sống ở khu vực nông thôn. Như vậy, cuộc sống đô thị có sức cuốn hút mạnh mẽ giới trẻ.
Đặc biệt đối với các em gái, có tới 75,1% trả lời thích sống ở đô thị và chỉ có 5,4% nói sẽ sống ở khu vực nông thôn. Trong khi đó, số em trai trả lời sẽ sống ở nông thôn gấp hơn 3 lần số em gái (17,4% so với 5,4%).
Chúng tôi hỏi chuyện một số em đang sống khu vực nông thôn về lý do muốn sống ở đô thị trong tương lai, một em trai nói «em muốn sống ở thành phố để em có cơ hội thăng tiến trong công việc», hoặc một em gái tâm sự «em muốn sống ở thành phố thời trẻ còn sẽ sống ở nông thôn khi về già».
Lý do chính khiến các em mong muốn sống ở khu vực đô thị là các em có thể tìm kiếm được việc làm dễ dàng hơn, các em có nhiều điều kiện để tiếp tục học tập nâng cao trình độ của mình để tạo ra cơ hội thăng tiến trong công việc. Mặt khác, các dịch vụ và hệ thống an sinh xã hội ở đô thị sẵn có và chất lượng tốt hơn; cuộc sống phố xá nhộn nhịp, sôi động hơn… cũng là những nhân tố thu hút giới trẻ rời nông thôn ra thành thị.
Ngoài việc tìm hiểu dự định về địa bàn sinh sống trong tương lai, chúng tôi còn tìm hiểu dự định của học sinh về lối sống sau này. Kết quả cho thấy, 14% học sinh thành phố và 5,0% học sinh nông thôn cho biết thích cuộc sống độc thân.
Như vậy, xu hướng sống độc thân của giới trẻ ở đô thị cao gần gấp 3 lần so với khu vực nông thôn. Đây là một điều đáng lưu ý cho những người làm công tác nghiên cứu và giáo dục, bởi đối với người Việt Nam, gia đình có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc duy trì nòi giống.
Tuy nhiên, kết quả thu được đã cho thấy có những thay đổi nhất định trong định hướng lối sống tương lai của trẻ vị thành niên. Điều đó cho thấy, một bộ phận giới trẻ ngày này hướng tới «cái tôi», cái tự do cá nhân nhiều hơn. Xét theo khía cạnh giới tính, số học sinh nữ cho biết dự định sống độc thân nhiều hơn so với học sinh nam (10,2% so với 8,3%).
Điều này cho thấy, suy nghĩ, cách nhìn của vị thành niên về giá trị của gia đình đã có sự thay đổi. Các em nữ cũng tìm kiếm tự do cho mình nhiều hơn bằng việc kết hôn muộn, hoặc sống độc thân để khẳng định mình trong công việc. Chúng ta thấy những trường hợp phụ nữ sống độc thân hiện nay không phải là hiếm.
Trên đây là kết quả nghiên cứu bước đầu về xu hướng lối sống tương lai của vị thành niên tuổi trung học phổ thông. Xu hướng lối sống của các em còn có thể thay đổi cùng với thời gian, nhưng nó cũng cho chúng ta thấy được phần nào sự thay đổi trong quan niệm, suy nghĩ của giới trẻ về giá trị sống hiện nay.
Do đó, rất cần có những nghiên cứu sâu rộng hơn về định hướng lối sống của vị thành niên lứa tuổi trung học phổ thông để làm cơ sở xây dựng những hoạt động giáo dục phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí và định hướng giá trị của các em.
TS Hoàng Gia Trang
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam