Trẻ sơ sinh tắc ruột do phân su

GD&TĐ - Một trong những 'tai bay vạ gió' ngay khi cất tiếng khóc chào đời đó là tắc ruột do phân su.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đây là một bệnh lý thường gặp trong lĩnh vực nhi khoa sơ sinh tại các bệnh viện lớn.

Do mắc bệnh xơ nang hóa

Tắc ruột do phân su là tình trạng phân su bị kết dính vào lớp niêm mạc ruột của trẻ ra đời chưa quá 30 ngày (giai đoạn sơ sinh). Đoạn ruột bị tắc thường là đoạn cuối hồi tràng. Sự kết dính này xảy ra là do các chất nhầy được sản xuất quá mức và đổ vào trong lòng ruột từ các tuyến ngoại tiết như gan, tụy và phế quản…

Các nghiên cứu cho thấy, hầu hết trẻ sơ sinh bị tắc ruột do phân su đều mắc bệnh xơ nang hóa, làm cho chất nhầy trong cơ thể dày lên hơn bình thường. Do vậy, gia tăng nguy cơ phân su bị “dán” chặt lại tại khu vực hồi tràng và gây ra hiện tượng tắc nghẽn sự lưu thông trong lòng ruột.

Một số trường hợp khu vực tắc không xảy ra ở hồi tràng (ruột non) mà xảy ra ở khu vực ruột già (ruột kết). Đặc điểm bệnh lý này thường gặp ở những đứa trẻ sơ sinh mắc hội chứng đại tràng trái nhỏ mang tính bẩm sinh.

Một điều đáng lưu ý là hội chứng đại tràng trái nhỏ thường gặp ở những đứa trẻ sơ sinh có người mẹ mắc bệnh đái tháo đường hay bị tiểu đường trong thai kỳ.

Phát hiện muộn có thể tử vong

Thông thường, một đứa trẻ sơ sinh sẽ “ị” lần đầu tiên trong vòng 24 giờ sau khi cất tiếng khóc chào đời. Nếu vượt cột mốc giới hạn về thời gian này mà trẻ vẫn cứ… im re thì nghi ngờ bị tắc ruột do phân su.

Lúc này, trẻ bắt đầu có các biểu hiện như chướng bụng, nôn, trong chất nôn có thể thấy màu xanh của mật. Sờ nắn bụng trẻ có thể cảm giác được quai ruột ở bên trong. Các trường hợp phát hiện muộn trẻ bị viêm phúc mạc do biến chứng thủng ruột và có thể tử vong vì bị suy hô hấp.

- Biến chứng của tắc ruột do phân su ở trẻ sơ sinh: Khoảng 50% trường hợp có ruột quay nửa chừng gây hẹp lòng ruột hoặc tạo ra các búi thắt cản trở máu lưu thông ở ruột gây hoại tử ruột và kết quả là thủng ruột và các chất có trong lòng ruột tràn ra ngoài gây viêm phúc mạc ruột tạo nên một bối cảnh bệnh rất nặng nề cho trẻ và khó khăn trong điều trị cũng như chăm sóc trẻ.

Việc điều trị trẻ sơ sinh tắc ruột do phân su phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý của trẻ. Hướng điều trị có 2 cách sau:

- Không can thiệp phẫu thuật: Điều trị không cần can thiệp phẫu thuật ở trẻ sơ sinh tắc ruột do phân su được gọi là điều trị bảo tồn. Cách điều trị này thực hiện ở trẻ tắc ruột không có biến chứng.

Các nhà chuyên môn sẽ “thông đường” cho ruột trẻ bằng cách bơm vào đại tràng của trẻ một dung dịch lỏng (có tên Gastrografin) và quan sát dưới màn hình để xem dung dịch bơm vào đã đến đoạn ruột non có chứa phân su gây “nghẽn đường” hay chưa. Sau đó tiến hành thụt rửa.

- Can thiệp phẫu thuật: Được chỉ định cho những trường hợp điều trị bảo tồn thất bại và các trường hợp tắc ruột gây xoắn ruột hoặc thủng ruột.

Ảnh minh họa/INT.

Ảnh minh họa/INT.

Bệnh liên quan

Cùng với tắc ruột do phân su thì phình đại tràng cũng là nguyên nhân gây tắc ruột thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh. Bệnh phình đại tràng xảy ra là do một đoạn ruột trong quá trình thai nhi phát triển vì một lý do nào đó bị khiếm khuyết hệ thống hạch thần kinh trên thành ruột.

Do đó, thức ăn khi đi qua không được nhận biết để phát tín hiệu tạo ra nhu động ruột, đẩy phân đi. Sự ù ứ của phân làm cho đại tràng ngày càng phình to và tạo ra tình trạng táo bón kéo dài ở trẻ.

Các biểu hiện thường gặp: Bụng chướng, chậm đi cầu phân su (thường sau 24 giờ).

Trẻ thường xuyên lâm vào tình trạng táo bón không khác gì những người bệnh cao tuổi mắc chứng táo bón mạn tính. Trẻ chậm phát triển, bú kém. Qua giai đoạn sơ sinh trẻ bị suy dinh dưỡng, bụng chướng thường xuyên và nôn mửa nhiều. Trẻ đi cầu thường cần sự hỗ trợ của thuốc bơm hậu môn kích thích đại tiện.

Nếu có các biểu hiện nghi ngờ đó, trẻ cần được đi khám sớm để xác định chẩn đoán và điều trị sớm. Phương pháp điều trị hữu hiệu và duy nhất hiện nay đối với bệnh phình đại tràng là phẫu thuật cắt bỏ đoạn đại tràng không có hạch thần kinh và nối lại sự lưu thông.

Ảnh minh họa/INT.

Ảnh minh họa/INT.

Ở các bệnh viện lớn, trẻ sơ sinh mắc bệnh phình đại tràng được giải quyết sớm bằng phẫu thuật nội soi. Phương pháp này có ưu điểm tránh được vết rạch trên bụng và mang tính thẫm mỹ cao nhất là ở các bé gái sau này.

Thời điểm chọn lựa để phẫu thuật căn cứ vào biến chứng, mức độ nặng nhẹ của bệnh và thể trạng chung của trẻ. Trong thời gian chờ phẫu thuật và chăm sóc lâu dài sau quá trình điều trị, trẻ cần được ăn uống hợp lý, chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng, ăn nhiều trái cây và thức ăn có xơ, uống nhiều nước và nhất là tập thói quen đại tiện vào một giờ nhất định cho trẻ để tránh tình trạng lưu giữ phân lâu trong đại tràng và tạo ra tình trạng táo bón.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.