Trẻ nên xưng hô thế nào với người lớn xung quanh?

GD&TĐ - “Trẻ nên gọi những người lớn xung quanh theo cách nào?” luôn là câu hỏi nhận về nhiều ý kiến trái chiều.

Việc một số trẻ có xu hướng giao tiếp như những người trưởng thành cũng là vấn đề gây tranh cãi. Ảnh: INT.
Việc một số trẻ có xu hướng giao tiếp như những người trưởng thành cũng là vấn đề gây tranh cãi. Ảnh: INT.

Theo một số chuyên gia, phụ huynh cần hỏi những người lớn khác rằng, họ muốn được trẻ gọi thế nào. Điều đó không chỉ thể hiện sự tôn trọng, mà còn dạy cho trẻ sự tự tin.

Sự tôn trọng nằm ở hành vi và thái độ

Khi trẻ em đạt đến một độ tuổi nhất định, chúng được kỳ vọng sẽ gọi người lớn bằng những cái tên khác ngoài “mẹ của người này” và “bố của người kia”.

Ở trường, các quy tắc rất rõ ràng. Giáo viên sẽ chỉ định ngay từ ngày đầu tiên rằng, học sinh nên gọi mình là gì. Khi đó, trẻ sẽ tuân thủ quy tắc. Tuy nhiên, ngoài trường học, khi nhắc tới cha mẹ của bạn bè và bạn bè của phụ huynh, các quy tắc về việc trẻ em nên gọi người lớn thế nào lại hoàn toàn không rõ ràng.

Trong một nhóm Facebook gồm 30.000 thành viên dành cho các bà mẹ, chương trình truyền hình “Good Morning America” từng đặt ra câu hỏi rằng, liệu trẻ em có nên gọi người lớn bằng tên riêng hay không.

Có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Tuy nhiên, có một xu hướng là: Việc trẻ gọi người lớn bằng họ chắc chắn đang suy giảm. Ví dụ, các lựa chọn thay thế phổ biến cho một người tên là Mary Jones sẽ là: Cô/bác Mary (tùy thuộc vào cả văn hóa và mức độ gần gũi với gia đình).

Một số người hướng dẫn con mình gọi người lớn bằng tên riêng. Họ cho rằng, cách gọi như vậy không liên quan gì đến mức độ tôn trọng.

“Cá nhân tôi, tôi lớn lên với việc gọi bạn bè của cha mẹ bằng tên riêng của họ. Tôi cũng đồng ý để con trai mình làm như vậy. Với tôi, sự tôn trọng không nằm ở tên gọi, mà là trong hành vi và thái độ của trẻ”, phụ huynh Jessica Borow Zuckerman cho biết.

Trong khi đó, phụ huynh Lyn Fay cho rằng, việc trẻ gọi giáo viên hoặc người lớn bằng tên riêng không ảnh hưởng đến mức độ tôn trọng của con.

“Trên thực tế, tôi nghĩ rằng, việc sử dụng tên riêng khiến con tôi cảm thấy an toàn và thoải mái hơn với giáo viên cũng như môi trường xung quanh. Khi tôi lớn lên ở Ohio, mẹ nhất quyết bắt chúng tôi gọi người lớn là ông/bà. Là một phụ huynh ở thành phố New York, bạn bè của con tôi gọi tôi bằng tên riêng... Giáo viên/hiệu trưởng trường học cũng gọi tôi bằng tên riêng (ví dụ: Susie, Doreen, Amy)”, nữ phụ huynh chia sẻ.

Phụ huynh này kể, một năm trước, gia đình cô chuyển đến vùng ngoại ô phía Bắc Washington. Mọi người ở đó đều gọi phụ huynh này là “bà Fay”.

“Thành thật mà nói, tôi không thích điều đó chút nào và một nửa thời gian tôi không trả lời ngay. Bởi, tôi không nhận ra rằng có người đang nói chuyện với mình! Mọi người sử dụng danh xưng để thể hiện sự tôn trọng. Tuy nhiên, với tôi, sự trang trọng đó thật lạnh lùng và vô cảm. Tôi không nghĩ rằng, việc con tôi gọi giáo viên/cấp trên/người lớn bằng tên riêng của họ ảnh hưởng đến mức độ tôn trọng của chúng”, phụ huynh Fay nhận định.

Cũng theo cô, sự tôn trọng được thể hiện tốt nhất bằng việc gọi ai đó bằng bất cứ cách nào mà họ thích. “Vì vậy, tôi ước bạn bè của con tôi gọi tôi là Lyn! Đến thời điểm này, tôi thậm chí còn thích được mọi người gọi là “mẹ của Margot” hoặc “mẹ của Edward”, nhưng cách gọi “thưa bà” khiến tôi không vui”, cô Fay bày tỏ.

Trên thực tế, có nhiều người trả lời rằng, họ thích được gọi bằng bất cứ cách nào khác ngoài cụm từ “thưa bà”. Một phụ huynh khác cho biết, việc có người gọi là “bà” sẽ khiến cô không vui.

cach-xung-ho-cua-tre-voi-nguoi-lon-xung-quanh-2.jpg
Theo các chuyên gia, không nên để tình trạng hôn nhân của một người quyết định mức độ trang trọng mà trẻ xưng hô với người đó. Ảnh: INT.

Các chuyên gia nói gì?

Lizzie Post, đồng Chủ tịch của Viện Emily Post và là chuyên gia về nghi thức xã giao đã nói với “Good Morning America” rằng, trẻ em nên gọi mọi người bằng cách mà người lớn muốn được gọi.

“Mặc định là sự trang trọng luôn phù hợp cho đến khi trẻ được yêu cầu gọi cách khác. Vì vậy, nếu không chắc chắn, hãy sử dụng cách gọi “cô Jones”. Nếu sau đó, “cô Jones” nói, “hãy gọi tôi là Cara”, trẻ có thể trả lời: “Tất nhiên rồi, cháu cảm ơn””, bà Post cho biết.

Cũng theo chuyên gia này, việc chuyển từ ít trang trọng sang trang trọng hơn sẽ có thể gây khó xử. “Cách mọi chuyện phát triển sẽ là “hãy gọi tôi bằng tên riêng”, nhưng không phải ai cũng như vậy. Nhìn chằm chằm một cách không trang trọng rồi được yêu cầu trang trọng hơn khiến người đó có vẻ như đang xa lánh bạn”, bà Post nhận định.

Do đó, phụ huynh cần hỏi những người lớn khác rằng, họ muốn được trẻ gọi thế nào. Điều đó không chỉ thể hiện sự tôn trọng, mà còn dạy cho trẻ sự tự tin.

“Trẻ em ăn nhiều loại thực phẩm không cần dùng đến nĩa và dao. Tuy nhiên, chúng ta vẫn dạy trẻ cách sử dụng những đồ dùng đó. Theo cách đó, khi gặp phải tình huống đòi hỏi phải dùng đến nĩa và dao, trẻ sẽ biết phải làm gì”, bà Post chia sẻ.

Các chuyên gia cho biết, không nên để tình trạng hôn nhân của một người quyết định mức độ trang trọng mà trẻ xưng hô với người đó. Chuyên gia Post nhớ lại tình huống khi một đứa trẻ gọi cô là “Lizzie”. Tuy nhiên, với người bạn đã kết hôn mà cô Post đi cùng, thì trẻ lại gọi là “bà Jones”. “Hãy cố gắng chỉ ra sự bình đẳng về mặt tuổi chứ không phải hôn nhân và các mối quan hệ”, bà Post nhấn mạnh.

Cũng về vấn đề này, các độc giả nine.com.au đã đặt câu hỏi: “Trẻ em có nên gọi cha mẹ của bạn bè mình bằng tên riêng không?”. Kết quả cho thấy, 59% số người được hỏi cho biết trẻ em không nên gọi cha mẹ của bạn bè bằng tên riêng. Ngược lại, 41% số người được hỏi cho biết, trẻ em có thể gọi cha mẹ của bạn bè bằng tên riêng.

Nhìn chung, độc giả có vẻ đồng ý rằng, theo truyền thống, tốt nhất là luôn mặc định rằng, cha mẹ có thể muốn được gọi một cách trang trọng là “ông Smith” hoặc “bà Smith”. Nếu phụ huynh đó muốn được gọi bằng tên riêng, thì họ có thể cho trẻ biết sau đó.

“Tôi luôn yêu cầu con mình gọi cha mẹ của bạn bè là “ông/bà” trừ khi phụ huynh kia từ chối. Trẻ không thể cho rằng, mọi người đều có cùng quan điểm về mức độ trang trọng/không trang trọng”, một độc giả nine.com.au cho biết.

cach-xung-ho-cua-tre-voi-nguoi-lon-xung-quanh-1-9126.jpg
Nhiều người cho biết, trẻ em không nên gọi cha mẹ của bạn bè bằng tên riêng. Ảnh: INT

“Trẻ em cần học cách tôn trọng. Đó là một nghệ thuật đã mai một trong thời đại ngày nay. Việc trẻ em gọi cha mẹ của người khác bằng tên riêng là một trong những tình huống kỳ lạ không nên được khuyến khích”, một độc giả khác bình luận. Những người khác lại có cái nhìn đa chiều hơn và tin rằng, điều này cũng phụ thuộc vào tình hình và độ tuổi của trẻ. “Điều này nên được thảo luận giữa những người lớn để đảm bảo mọi người đều hài lòng với cách gọi trước khi nó diễn ra”, một người bình luận.

Không chỉ về cách gọi người lớn, việc một số trẻ có xu hướng giao tiếp như những người trưởng thành cũng là vấn đề gây tranh cãi.

Theo ông Jake Ernst - nhà tâm lý trị liệu tại Mỹ, đây là những đứa trẻ thể hiện sự trưởng thành và có thẩm quyền vượt xa tuổi của mình. Trẻ diễn đạt suy nghĩ và cảm xúc của mình theo cách thường khiến người lớn phải kinh ngạc. Những đứa trẻ này thường được gọi là “già trước tuổi” hoặc “trưởng thành so với tuổi”. Trẻ cũng có thể được gọi là “phát triển sớm”, hoặc thậm chí có thể gặp khó khăn trong việc hòa nhập với những người cùng tuổi.

“Trẻ em ngày nay đang lớn lên trong một môi trường rất khác so với các thế hệ trước. Sự gia tăng nhanh chóng của thông tin và sự tiếp xúc với các khái niệm của người lớn thông qua Internet đã dẫn đến một hiện tượng đáng lo ngại.

Trẻ em có thể nắm bắt các ý tưởng phức tạp về mặt trí tuệ và diễn đạt chúng một cách trôi chảy. Song, trẻ lại thiếu sự trưởng thành về mặt cảm xúc và kinh nghiệm sống để điều hướng một cách hiệu quả. Kết quả là gì? Một nhóm trẻ em trưởng thành biết nhiều về việc trở thành người lớn, nhưng không có thực hành hoặc kỹ năng để đối phó với tuổi trưởng thành sắp tới của mình”, chuyên gia nhận định.

Nhà trị liệu Jake Ernst cho biết đã trực tiếp quan sát hậu quả của tình trạng mất kết nối này giữa sự phát triển nhận thức và phát triển cảm xúc - xã hội. Ngày càng có nhiều trẻ em có thể sử dụng ngôn ngữ cảm xúc, nhưng không có trải nghiệm cảm nhận để kết nối với nó. Những đứa trẻ này có thể nói về trải nghiệm của mình bằng cách sử dụng các từ cảm xúc, nhưng không có kỹ năng điều chỉnh cảm xúc để giúp trẻ vượt qua nó.

Theo một cách nào đó, điều này đã dẫn đến một nhóm trẻ em có thể hiểu về mặt trí tuệ rằng, con người có cảm xúc, nhưng vẫn chưa đạt được các mốc phát triển về mặt xã hội và cảm xúc của mình.

“Điều này đã dẫn đến một khoảng cách giữa sự phát triển nhận thức - hành vi và sự phát triển xã hội - cảm xúc. Nói cách khác, có một nhóm trẻ em có vẻ ngoài như người lớn thu nhỏ. Chúng nói chuyện và hành xử như người lớn, nhưng dường như thiếu khả năng phát triển cho phép bản thân điều chỉnh cảm xúc lớn của mình và biến sự đau khổ thành việc ra quyết định. Chúng suy nghĩ, nói chuyện và hành động như người lớn, nhưng không có sự tinh tế trong giao tiếp xã hội hoặc kỹ năng điều chỉnh cảm xúc của người lớn”, chuyên gia Jake Ernst cho biết.

Theo Honey; Abc news; MswJake

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ