Trẻ học tiếng Anh càng sớm càng tốt

GD&TĐ - Theo nghiên cứu của các chuyên gia giáo dục và tâm lý cho biết, cho trẻ đi học càng sớm càng tốt. Vì thế, việc học ngoại ngữ cũng vậy, nếu cho trẻ làm quen với ngoại ngữ sớm, lớn lên trẻ có thể nói trôi chảy hai ngoại ngữ đó là: tiếng mẹ đẻ và một ngoại ngữ khác như tiếng Anh. Với hy vọng con mình nói được tiếng Anh càng sớm càng tốt, nhiều phụ huynh đã cho con đi học từ khi còn đang tập nói.  

Trẻ học tiếng Anh càng sớm càng tốt

Học theo chế độ nhập tâm và bắt chước

ThS. Đinh Thị Thu Hằng – Trường Cao đẳng Trung ương Nha Trang cho biết: Hiện nay tại nhiều nước trên thế giới, ngoại ngữ là môn học bắt buộc chỉ khi trẻ đã qua 10, 12 tuổi. Còn ở nước ta hiện nay trẻ được quy định học ngoại ngữ như môn học bắt buộc là từ lớp 3 của cấp Tiểu học.

Tôi cho rằng chúng ta cần phải phân biệt rõ hoạt động học của trẻ ở trường MN với hoạt động học ở các cấp học cao hơn. Học ở trẻ MN chưa phải hoạt động học đúng nghĩa (với cấu trúc đầy đủ của hoạt động học này). Trẻ MN thực sự học trong khi chơi. Trẻ lĩnh hội tri thức tiền khoa học qua vui chơi theo phương châm “chơi mà học, học bằng chơi”. Đây là cơ sở quan trọng để tiếp cận mọi vấn đề liên quan đến việc tổ chức hoạt động học tập cho trẻ ở trường MN. Học tiếng Anh đối với trẻ MN chỉ là: làm quen với tiếng Anh.

Hơn nữa, trẻ MN học theo chế độ nhập tâm và bắt chước. Vì vậy, theo tôi trong quá trình cho trẻ làm quen với tiếng Anh, cần phải đảm bảo các nguyên tắc: Chơi hơn học, học mà không học; Hoạt động trực quan là vô cùng quan trọng; Nghe nói nhiều, phản xạ là chủ yếu; Vui vẻ, tự nhiên, thoải mái là cần thiết.

Học tiếng Anh giống như một cuộc dạo chơi trong khu vườn mới lạ của âm thanh

Theo TS. Đặng Lộc Thọ - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cho biết: Từ những kết quả nghiên cứu về sự phát triển não bộ của trẻ đã khẳng định các giai đoạn phát triển của trẻ là thuận lợi cho sự lĩnh hội ngôn ngữ. Đứa trẻ khỏe mạnh sinh ra với 100 tỷ tế bào thân kinh, mỗi tế bào thần kinh lại tạo ra 20.000 khớp nối thần kinh, những tỷ lệ tế bào thần kinh này tạo ra các khớp nối hay bị chết đi phụ thuộc vào môi trường sống của trẻ.

Môi trường sống phong phú là môi trường có nhiều kích thích cảm giác sẽ tạo thuận lợi cho sự phát triển của não bộ. Khi nghiên cứu về các giai đoạn phát triển của não bộ đã chứng tỏ rằng, học ngoại ngữ ở lứa tuổi nhỏ dễ dàng hơn, vì đến 12 tuổi các “cửa sổ” học tập của não đóng lại một phần, các kiến trúc nền tảng của não tương đối hoàn chỉnh. Các nghiên cứu khoa học đã chứng tỏ: trẻ mẫu giáo có khả năng học ngoại ngữ và trẻ “song ngữ” có ưu thế hơn về nhận thức, văn hóa và tài chính; trẻ “song ngữ” thường ý thức được và nhạy cảm hơn với các cấu trúc ngôn ngữ, khả năng này được chuyển dịch sang các kỹ năng đọc viết ban đầu và các kỹ năng phi ngôn ngữ.

Trẻ MN được cho là có thể tiếp thu hay “nhặt lấy” ngôn ngữ thứ hai mà không cần mấy đến sự cố gắng hay sự giảng dạy một cách có hệ thống. Tuy nhiên, để trẻ thuần thục một ngôn ngữ nào đấy đòi hỏi một quá trình kéo dài nhiều năm. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy lứa tuổi MN không phải lúc nào cũng là điều kiện đủ để hình thành năng lực song ngữ một cách tự nhiên, vô thức. Việc dạy ngôn ngữ thứ hai nếu chỉ dựa vào điều kiện thuận lợi của lứa tuổi là không hoàn toàn đúng, cần phải dựa trên cơ sở của nguyên tắc khoa học.

Việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh ở trường MN không mang ý nghĩa bắt buộc mà nó giống như một cuộc dạo chơi trong khu vườn mới lạ của âm thanh. Vì thế việc làm quen với tiếng Anh sớm sẽ giúp cho trẻ có khả năng hấp thụ ngôn ngữ một cách tự nhiên, thay vì phải học một cách bắt buộc, gò bó như khi trẻ lớn hơn hay người lớn vẫn thường làm, Trẻ học qua chơi, qua bài hát, bài thơ, câu chuyện nhẹ nhàng… những hoạt động luôn tạo ra cho trẻ những cảm xúc tích cực. Điều này sẽ giúp cho trẻ một cách tự nhiên giống như khi trẻ học ngôn ngữ mẹ đẻ.

Vì thế, trẻ MN hoàn toàn có khả năng làm quen thêm ngôn ngữ thứ hai ngoài tiếng mẹ đẻ, hoạt động cho trẻ làm quen tiếng Anh trong trường MN có tác động tích cực đến các lĩnh vực phát triển của trẻ (như: ngôn ngữ mẹ đẻ, vận động, tình cảm, nhận thức và kỹ năng xã hội). Việc cho trẻ tiếp cận với tiếng Anh ngay từ lứa tuổi mẫu giáo là cần thiết, nhằm đẩy mạnh học tập và tăng khả năng giao tiếp.

Cần cân nhắc độ thích hợp khi cho trẻ MN làm quen với tiếng Anh

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng – Chuyên gia về giảng dạy tiếng Anh hàng đầu Việt Nam: Trong nhiều năm nay, phụ huynh đầu tư cao và quan tâm lớn đến tiếng Anh của trẻ tiền học đường cũng như trẻ tiểu học. Nhiều phụ huynh cho con đi học thêm vào thứ Bảy và Chủ nhật, học với thầy cô Việt Nam, học với “thầy Tây”, nhưng đa số phàn nàn rằng con minh không nói được tiếng Anh.

Với tham vọng của phụ huynh muốn con mình nói được tiếng Anh càng sớm càng tốt, nhiều người đã cho con đi học từ khi còn chưa nói sõi. Vậy thì câu hỏi của chúng ta cần trả lời là: Nói được tiếng Anh đến đâu? Nếu đặt vấn đề trẻ nhỏ phải sử dụng được tiếng Anh một cách tự tin khi giao tiếp thì tính khả thi sẽ rất thấp do nhiều yếu tố: Nếu đặt vấn đề trẻ nhỏ có thể giao tiếp được trong phạm vi rất hạn chế về từ vựng (chẳng hạn dùng được vài ba chục từ), về mẫu câu (chẳng hạn dăm ba mẫu câu) và phát âm đúng (có trọng âm) thì mục đích này có tính khả thi cao.

Có ba yếu tố quan trọng nhất làm nên chất lượng đào tạo, đó là: giáo trình (giáo trình có thích hợp với từng lứa tuổi của trẻ không), người thầy (năng lực về sử dụng tiếng Anh và trình độ về kỹ thuật dạy học), và người trò (mục đích, động cơ học tập). Vì vậy, theo tôi khi đưa tiếng Anh vào cho trẻ MN làm quen, chúng ta cần cân nhắc độ thích hợp: thích hợp lứa tuổi, thích hợp môi trường, thích hợp khả năng tiếp thu của trẻ, thích hợp điều kiện học tập của từng địa phương và đặc biệt là thích hợp về kỹ thuật cho trẻ tiếp cận với ngoại ngữ.

Bởi vì, nói đến dạy, chúng ta không thể bỏ qua yếu tố quyết định sự thành công, đó là người thầy. Ngoài những tố chất về đạo đức, yêu trẻ người thầy cần được đào tạo chuyên về dạy trẻ vì chúng ta không thể áp đặt lối dạy người lớn hoặc trẻ ở lứa tuổi cao hơn vào trẻ MN.

 

Ông Marshall Presnick – Giám đốc Học vụ Language Link cho biết: Không thể phủ nhận rằng việc học bất cứ một thứ ngôn ngữ nào đó càng sớm sẽ càng thuận lợi. Độ tuổi 4-6 tuổi, trẻ có khả năng ghi nhớ tự nhiên và “nhập tâm” một ngoại ngữ mới nhanh đến kỳ diệu và khác hoàn toàn với cách tư duy của người lớn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.