Bác sĩ Eng Soh Ping - Chuyên gia phẫu thuật tai mũi họng (Bệnh viện Mount Elizabeth, Singapore) - cho biết trẻ em có thể bị bệnh tai, mũi và họng như người lớn.
Bệnh khá phổ biến và để lại nhiều hệ lụy, vì vậy không nên xem nhẹ. Các triệu chứng của bệnh thường làm trẻ khó chịu, quấy khóc hoặc giảm thính lực, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý.
Tình trạng rối loạn tai mũi họng thường gặp nhất là mất thính lực. Giống như người lớn, thính lực của một đứa trẻ có thể bị suy yếu do một trong 3 thành phần của hệ thống thính lực bao gồm tai ngoài, màng nhĩ - tai giữa, tai trong.
Điếc tai ngoài
Một số phụ huynh có thói quen làm sạch tai của con bằng tăm bông. Thao tác vệ sinh không đúng cách có thể dẫn đến đẩy ráy tai vào sâu và lấp các rãnh hẹp của tai thay vì làm sạch.
Một số trường hợp trẻ tự ý đưa vật lạ như hạt trái cây hoặc sỏi vào tai cũng gây tắc nghẽn dẫn đến điếc tai ngoài.
Do đó phụ huynh được khuyên đưa trẻ đến bác sĩ để được vệ sinh tai định kỳ, tránh được nguy cơ chấn thương, chảy máu hoặc rách màng nhĩ.
Điếc và nhiễm trùng tai giữa
Chất dịch hoặc mủ đôi khi tập trung ở tai giữa (tại vị trí những xương nhỏ trong tai), ảnh hưởng đến sự dẫn truyền âm thanh trong tai. Bên cạnh đó, khi trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên sẽ dễ bị sốt và không thể chịu đựng những cơn đau ở tai.
Trong trường hợp này, phương pháp điều trị nội khoa là tối ưu, có thể bao gồm sử dụng thuốc kháng sinh và thông mũi. Phẫu thuật cần được xem xét nếu tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
Khi đó bác sĩ sẽ phải mổ một đường trên màng nhĩ để rút mủ, sau đó đưa ống thông hơi vào làm thông thoáng khoảng trống ở tai giữa.
Nếu xét thấy chất dịch là nguyên nhân gây điếc mà không kèm theo nhiễm trùng, bác sĩ chỉ cần đưa một một ống thông vào sẽ giúp bé phục hồi thính lực.
Điếc tai trong
Bệnh điếc tai trong thường do bẩm sinh. Việc điều trị đòi hỏi phải phục hồi khả năng nghe và nói của trẻ nhờ máy trợ thính. Dù vậy thiết bị trợ giúp không phát huy tác dụng đối với bệnh điếc sâu.
Trong trường hợp này bác sĩ có thể phẫu thuật cấy thiết bị thính lực chẳng hạn như ốc tai. Kỹ thuật này nếu được thực hiện sớm sẽ giúp trẻ em phát triển và hòa nhập bình thường.
Chảy máu cam
Chảy máu cam là cơn ác mộng của nhiều người. Đặc biệt ở trẻ, chảy máu thường phát sinh từ một khu vực ở vách ngăn (vách ngăn sụn giữa lỗ mũi) gọi là little’s area. Đó là điểm hợp lưu của nhiều mao mạch trong mũi.
Ở một số bé, vùng này có thể bị tổn thương lặp đi lặp lại do mũi thường xuyên cọ xát nếu trẻ bị ngứa mũi và viêm mũi dị ứng. Ngoài ra những bé thường xuyên móc mũi sẽ dẫn đến trầy vách ngăn gây rách lớp da lót và vỡ các mao mạch, dẫn đến chảy máu.
Để sơ cứu khi bị chảy máu cam, bạn có thể sử dụng ngón tay cái và ngón trỏ để kẹp mũi, đóng lỗ mũi lại và thở bằng miệng. Giữ chặt tay từ 5 đến 10 phút, áp lực cơ học này sẽ tác động đến điểm chảy máu trên vách ngăn mũi, giúp máu ngừng chảy ra.
Lúc này không nên ăn chất lỏng hoặc thực phẩm quá nóng bởi nhiệt độ cao sẽ gây giãn mao mạch và chảy máu trở lại. Tránh hoạt động nặng và tư thế cúi đầu.
Để phòng chảy máu, cha mẹ nên quan sát tránh để trẻ móc mũi. Nếu trẻ bị chảy máu lặp đi lặp lại, bác sĩ có thể làm chỗ chảy máu bằng nitrat bạc hoặc đốt điện để đốt các mạch máu.
Cá biệt, một số bé có thể bị chảy máu nhiều do các rối loạn chảy máu hoặc bệnh về mũi như viêm xoang, khối u. Khi đó cha mẹ nên đưa bé đi làm xét nghiệm máu và nội soi mũi để xác định nguyên nhân tìm hướng điều trị.
Đau họng mãn tính
Amiđan giữ nhiệm vụ như một chức năng miễn dịch giúp lọc vi khuẩn và virus để chúng không đi vào đường tiêu hóa. Ở một số trẻ em, tình trạng nhiễm trùng amiđan xảy ra khá sớm. Khi đó trẻ sẽ bị đau họng lặp đi lặp lại, sốt, ngáy, thậm chí ngưng thở khi ngủ.
Nếu trẻ chỉ thỉnh thoảng bị nhiễm trùng, bác sĩ có thể cho dùng thuốc kháng sinh và giảm đau. Trong trường hợp tái phát nhiều lần, có thể cắt bỏ amiđan.
Hiện nay thủ thuật cắt amiđan bằng coblation được sử dụng phổ biến giúp giảm đau đáng kể. Lưu ý: Viêm amiđan có thể bị nhầm với đau họng do cảm lạnh thông thường và viêm họng nên cần phải được xem xét kỹ.