Vào dịp Tết đến xuân về, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để học sinh hộ nghèo, cận nghèo, mồ côi có cái Tết đầm ấm và đầy đủ, nơi cơ quan tôi công tác - một trường cấp hai thuộc xã khó khăn - đã trao 40 suất quà với học sinh thuộc diện này.
Ngay vào đầu mùa xuân, Ban giám hiệu và các tổ chức Đoàn thể và các cá nhân có liên quan đã rất nỗ lực và cố gắng để huy động mọi sự ủng hộ cũng như luôn tổ chức các hoạt động “Mừng Đảng Mừng Xuân” như xổ số vui xuân hàng năm để trích một số nhỏ quỹ nhằm hướng tới ủng hộ các em. Ngoài ra, nhân các hoạt động này, một số thầy cô “dư ăn dư để” và những “mạnh thường quân” cũng nhân đó hỗ trợ các em học sinh khó khăn.
Trường tôi thống nhất không tặng các em tiền mặt mà tặng bằng hiện vật để phục vụ cuộc sống như gạo, dầu ăn, bột ngọt…
Ngày Sơ kết học kì 1 cũng là ngày phát quà cho học sinh khó khăn. Với 40 suất quà mà số học sinh lên nhận chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và các em “mạnh dạn, đủ tự tin lên nhận” rơi vào những học sinh của khối 6, 7. Còn những học sinh khối 8, 9 trong diện này khi biết mình có tên lên nhận quà các em đã nghỉ buổi Sơ kết vì theo các em suy nghĩ “rất ngại khi được nhận những suất quà như thế”.
Tết đã đi qua nhưng những phần quà nào gạo, dầu ăn, đường, bột ngọt… vẫn còn nằm lại ở một căn phòng nhỏ của ngôi trường nơi tôi công tác mà lòng những người giáo viên như chúng tôi vô cùng nuối tiếc và ngẫm nghĩ về câu “của tặng không bằng cách tặng”.
Đã qua rồi, cái thời học sinh ngây ngô, tươi vui, hồn nhiên và thậm chí là sung sướng khi tên mình có trong danh sách nhận quà dù đó là quà gì đi chăng nữa. Càng quý hơn nữa trong lúc khó khăn của những ngày Tết, món quà nhỏ sẽ làm ấm lòng bố mẹ học sinh hơn. Thế nhưng học sinh thời nay khác xưa quá, khác về suy nghĩ dẫn đến khác về hành động. Mấy mươi suất quà còn lại buộc giáo viên phải liên hệ với phụ huynh để các bậc cha mẹ này đến nhận. Mặc dù hơi muộn nhưng “có vẫn còn hơn không” nhưng trong những người làm nghề “gõ đầu trẻ” vẫn day dứt về những suy nghĩ của học sinh.
Từ đây, một cách tặng quà cho học sinh trong diện này được thay đổi và kết quả rất khả quan đã được cơ quan bạn tôi áp dụng.
Bạn bảo rằng: “Cái tuổi học sinh bậc THCS đang tập làm người lớn, tính “ương ương dở dở” rất nhiều, sĩ diện các em lên đến ngút trời, không muốn các bạn cùng trang lứa thương hại hay có ánh mắt dò xét mình. Các học sinh này trong diện này muốn được bằng bạn bằng bè, chính vì điều đó, xét về mặt học tập, những học sinh này luôn vươn lên. Đó là minh chứng cho việc các em không nhận quà trước tập thể trường như thế”.
Và bạn tôi không quên nói về cách “của tặng không bằng cách tặng” của trường bạn. Bạn bảo rằng: “Đừng bao giờ gọi các em trong diện này là hộ nghèo, cận nghèo hay mồ côi gì cả, mà phải thay bằng cách gọi khác là “Học sinh vượt khó học tốt”.
Đầu tiên hãy gửi đến những học sinh trong diện này những tờ giấy mời với thời gian và địa điểm cụ thể (tất nhiên phải không cho học sinh toàn trường biết).
Sau đó, chỉ có ban giám hiệu, các giáo viên liên quan cùng với các học sinh này.
Tiếp nữa, thầy cô giáo sẽ lần lượt trao quà cho các em và không quên nói lời động viên, khích lệ.
Và 100% phần quà sẽ đến tay các em một cách nhẹ nhàng và suôn sẻ.
Cách làm của trường bạn khiến tôi nhớ đến một nguyên tắc trong giáo dục: Đó là tôn trọng và tin tưởng người học.
Học sinh trong thời nào cũng cần tôn trọng. Tôn trọng để sẻ chia, tôn trọng để yêu thương.