Trao yêu thương để nhận lại yêu thương

GD&TĐ - “Dạy học trò bằng tình yêu thương thì các con sẽ biết yêu thương. Tình thương mạnh hơn lời quát mắng. Lớp học sẽ hạnh phúc khi ở đó cả người dạy và người học đều cảm nhận được niềm vui, tình yêu thương, sự chia sẻ, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn”. Đó là những lời từ tận đáy lòng của cô giáo Nguyễn Thị Bích Hà, Tổ trưởng Tổ Văn, Trường PTDT Nội trú tỉnh Phú Thọ.

Trong giờ ôn tập của HS Trường PTDT nội trú tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Thế Đại
Trong giờ ôn tập của HS Trường PTDT nội trú tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Thế Đại

Dạy HS cá biệt bằng câu chuyện của chính mình

Theo cô giáo Nguyễn Thị Bích Hà, lứa tuổi học sinh có nhiều thay đổi tâm sinh lý. Các em có xu hướng thích thể hiện, chứng tỏ cá tính của mình. Muốn giáo dục các em hoàn thiện cả về kiến thức lẫn kỹ năng sống thì người thầy phải đảm nhiệm cả 3 vai trò lớn: vừa là người bạn, người thầy, người mẹ. Không nên lấy kỷ luật trường học làm trọng mà phải coi biện pháp giáo dục hàng đầu.

Nói về những đổi thay của trường, lớp cũng như từng bước cải thiện về chất lượng giáo dục toàn diện, cô Bích Hà kể lại câu chuyện của một giáo viên trẻ vừa mới ra trường nhận chủ nhiệm và dạy một lớp học đặc biệt của trường.

Mỗi ngày cô giáo trẻ bước chân đến lớp phải giải quyết không biết bao nhiêu trò “ma quỷ” của HS. Các em nam của lớp nhốt bạn trong nhà vệ sinh, trèo lên cây, giấu chìa khóa phòng của bạn, bất mãn với bảo vệ trường, có thái độ không đứng mực với GV bộ môn, xì lốp xe của GV… Nếu cô dùng phương pháp áp đặt HS bằng quyền của người thầy thì sẽ gặp sự phản ứng, sự đối phó của học trò.

HS cảm thấy yêu cô giáo hơn bởi khi khó khăn cô là chỗ dựa, là điểm tựa tinh thần để các em vượt qua. HS nội trú, sống xa nhà, xa bố mẹ, không có người thân bên cạnh; cảm giác thiếu thốn tình cảm không còn khi các em luôn có cô ở bên mỗi sáng, mỗi chiều và mỗi tối. Cô đã đem lại cho các em hứng thú, là nguồn cổ vũ lớn lao để các em vượt qua những khó khăn của cuộc sống.

Thay vì trách mắng, phạt hay kỷ luật HS, mỗi ngày đến lớp, bao giờ cô giáo cũng kể một câu chuyện của mình tới HS. Những câu chuyện của cô chứa đựng những tình huống, bài học ẩn ý sâu xa. Học trò dần thích nghe những câu chuyện đó, và thành thông lệ, trò cảm thấy trống vắng mỗi khi cô không đến lớp.

Hàng ngày đến lớp, cô giáo trẻ chia sẻ nhiều hơn những nỗi buồn của chính bản thân mình về gia đình, về người thân, cả những mong muốn, ước mơ mà mình ấp ủ. Và rồi một ngày, cô nhận lại được nhiều câu chuyện khác nhau của HS trong lớp. Qua những câu chuyện, dần dần cô hiểu được đặc điểm, hoàn cảnh, mong ước của từng HS.

HS cảm thấy những giờ học của cô trở nên thú vị hơn. Cô giáo trẻ đã biến những giờ học với những kiến thức hàn lâm, kinh viện trong sách vở trở thành những tình huống của đời sống. Các em được hóa thân vào những tình huống đó, nói lên những suy nghĩ, cảm nhận của bản thân mình.

Hạnh phúc của HS là được yêu thương

Ban đầu nhiều có kinh nghiệm nghi ngờ về cách quản lý của cô giáo trẻ. Họ cho rằng nếu không áp đặt và yêu cầu HS chấp hành kỷ luật thì liệu rằng nề nếp lớp học có bị phá vỡ? Thế nhưng khi mọi người nhận thấy nền nếp học tập của các em có sự thay đổi rõ rệt, từ đó rất tin tưởng. Ai cũng nhận ra rằng, bằng tình thương, bằng sự đồng cảm, chia sẻ, GV đặt mình vào tình huống và hoàn cảnh của học sinh. Trao đổi nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn, sẽ khiến HS trở nên tự giác và dần ý thức được việc hoàn thiện bản thân.

Năm học kết thúc, lớp học của cô từ một lớp cá biệt thành một lớp đứng đầu về nề nếp. Kết quả Kỳ thi THPTQG vừa qua, nhiều HS đạt điểm cao, đỗ vào các trường đại học top đầu. Mỗi tin nhắn điện thoại HS báo về là một cảm xúc vỡ òa, niềm hạnh phúc không gì có thể diễn tả nổi của cô.

Cô giáo Lương Thị Huyền, Trường Tiểu học Tiên Lãng, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) cho biết: Để có lớp học hạnh phúc, GV phải tạo được không khí thoải mái, môi trường thân thiện giữa cô và trò. Trong giờ học, GV có các hình thức dạy phong phú gây được hứng thú cho HS. Đầu năm học, GV chủ nhiệm hướng cho lớp xây dựng nội quy của lớp và tự các em đưa ra hình thức kỷ luật song phải tích cực phù hợp với các em.

Theo cô Bích Hà, cô giáo trẻ đã thành công ở một lớp học hạnh phúc. Với HS dân tộc nội trú, niềm hạnh phúc của các em là được yêu thương, được nuôi dưỡng tâm hồn, được trưởng thành và được khẳng định bản thân. Khi đến môi trường khác, các em không còn tự ti mặc cảm. Để có được niềm hạnh phúc đó, các em rất cần những người thầy đến với các em bằng trái tim và dạy các em bằng cả tấm lòng.

“Dẫu biết rằng nghề giáo - có niềm vui và cũng có những nỗi buồn có hạnh phúc và cũng có những phiền muộn, âu lo, có nụ cười và cũng có những giọt nước mắt... Nhưng tất cả sẽ cùng hòa quyện với nhau tạo nên một bản nhạc - bản nhạc ấy có lúc lên bổng, xuống trầm nhưng những giai điệu ấm áp, đầy tình thương yêu và hy vọng vào tương lai thế hệ trẻ vẫn luôn vang mãi, ngân xa và không bao giờ tắt trong trái tim người thầy”, cô Bích Hà chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ