Tính chất sấm kí trong bài thơ Quốc tộ

GD&TĐ - Tuy có nhiều kiến giải khác nhau nhưng xem ra cho đến nay Quốc tộ vẫn là bài thơ nhận được sự đồng thuận cao trong giới nghiên cứu xem là tác phẩm tiên phong cho nền văn học viết thời trung đại ở Việt Nam.

Thiền sư Pháp Thuận
Thiền sư Pháp Thuận

Đây không phải là một bài thơ được sáng tác độc lập mà là nội dung trả lời của sư Pháp Thuận (1) khi vua Lê Đại Hành hỏi về vận nước (…” đế thường vấn sư dĩ quốc tộ đoản trường, sư vấn: Quốc tộ như đằng lạc - Nam thiên lí thái bình - Vô vi cư điện các - Xứ xứ tức đao binh”) được trích trong Thiền Uyển tập anh (2). Đầu đề do các soạn giả đặt, căn cứ vào hai chữ đầu của bài thơ. Vậy nên khi tiếp cận bài thơ này ta nên chú ý thêm đến tính chất “sấm kí” (3) có trong bài thơ, vốn là tính chất thường thấy trong lời của các thiền sư trong giai đoạn này.

Phiên âm:

Quốc tộ như đằng lạc

Nam thiên lí thái bình

Vô vi cư điện các,

Xứ xứ tức đao binh

Dịch nghĩa

Vận nước như dây mây leo quấn quýt

Ở cõi trời Nam [mở ra] cảnh thái bình

Vô vi ở nơi cung điện,

[Thì ] khắp mọi nơi đều tắt hết binh đao.

Dịch thơ:

Vận nước như mây quấn,

Trời Nam mở thái bình.

Vô vi cư điện các,

Chốn chốn dứt đao binh.

Theo bản dịch của Đoàn Thăng (Thơ văn Lí - Trần, tập I, NXB khoa học xã hội, Hà Nội, 1977)

Hai câu thơ đầu:

Quốc tộ như đằng lạc

Nam thiên lí thái bình

Mở đầu bài thơ tác giả dùng chữ Quốc tộ. Quốc tộ vừa có nghĩa là vận nước, phúc của nước vừa có nghĩa là đế vị (4). Như vậy ngay từ đầu tác giả đã xác lập mối quan hệ giữa “Quốc” và đế vị. Nếu nhìn chữ “quốc” từ cái nhìn lịch đại chúng ta sẽ thấy những ẩn ý sâu xa của một trí tuệ mẫn tiệp (5). Câu thơ đầu được tạo dựng trong cái nhìn đối sánh: vận nước như dây mây leo quấn quýt. Như vậy câu thơ cho hai cách hiểu:

- Vận nước còn bề bộn, rối ren như bó dây mây đan dệt vào nhau. Bài thơ Vận Nước ra đời vào khoảng những năm 979 – 981. Trong khoảng thời gian này, về mặt đối nội, chiến tranh kết thúc chưa lâu, việc chuyển ngôi từ nhà Đinh sang nhà Lê chưa hẳn đã hết người phản đối. Hơn thế nữa về mặt đối ngoại, đất nước đang trải qua những giờ phút nghiêm trọng, nhà Tống vẫn lăm le mưu đồ xâm chiếm, nguy cơ đánh mất chủ quyền quốc gia ngày đêm vẫn rình rập. Nếu hiểu theo nghĩa này mạch lập luận của văn bản sẽ là: “Vận nước còn bề bộn rối ren [bởi thế cho nên] để trời Nam mở nền thái bình [thì] ở chốn triều đình nhà vua phải thực thi chính sách “vu vi” [đây là kế sách] giúp khắp nơi dứt cảnh binh đao”. Từ tình hình thực tế của đất nước, nhà sư đưa ra giải pháp cụ thể.

- Dây mây là loại dây leo ở rừng, thân mềm dẻo nhưng rất chắc và dai. Dây mây tuy nhỏ nhưng một khi quấn quýt thành bó to không dễ gì chặt đứt. Vậy nên câu thơ có hàm nghĩa: Vận nước bền chặt, vững chắc. Nếu hiểu theo nghĩa này mạch lập luận của văn bản sẽ là: “Vận nước [sẽ ] vững bền, trời Nam mở nền thịnh trị thái bình [nếu] chốn triều đình nhà vua phải thực thi chính sách “vu vi” [đây là kế sách] giúp khắp nơi dứt cảnh binh đao”. Nhà sư đưa ra lời tiên đoán vận mệnh đất nước dựa vào giải pháp cụ thể.

Khi bình luận về hiện tượng các Thiền sư trong giai đoạn này hay nói những lời có dáng vẻ sấm truyền, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Thục có nhận xét xác đáng: “Tiên tri sấm kí là khuynh hướng rất thực tiễn, có hoài vọng chiếm đoạt huyền năng tạo hóa để phụng sự cho nền thịnh vượng của quốc gia” (6). Như vậy, với bài thơ mang đậm yếu tố “sấm kí” như bài thơ này, chúng tôi tán đồng cách hiểu thứ hai. Câu thơ thể hiện cái nhìn đầy lạc quan về vận nước, một tiên đoán về tương lai của đất nước (tính chất của một “sấm kí”- TTT nhấn mạnh). Tuy nhiên tiên đoán này lại hoàn toàn không mang màu sắc huyền bí mà dựa trên những lập luận và sách lược hoàn toàn đúng đắn.

 

Câu tiếp theo là sự hô ứng với câu thơ trên: “Nam thiên lí thái bình”. “Quốc tộ” – “Nam thiên”, hai đơn vị từ tương tác với nhau ở hai câu thơ tạo nên trường nghĩa đặc biệt: củng cố một cách sâu sắc về sự xác định cương vực trong cái nhìn bình đẳng với Bắc quốc. Thời điểm này, nhà Tống chưa xem nước ta là một nước độc lập. Chúng chỉ công nhận Lê Đại Hành là Giao Chỉ quận vương. Trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục - Chính Biên - Quyển I (NXB GD - Hà Nội 1998) đã viết về điều này: “Quý Tị, năm thứ 5 (993). (Tống, năm Thuần Hóa thứ 4). Mồng 1 tháng 2, mùa xuân. Nhật thực. Sứ nhà Tống sang. Bấy giờ nhà vua sai sứ sang cống và dâng tờ biểu Đinh Toàn nhường ngôi. Vì sờn về nỗi Tôn Toàn Hưng đã bại trận, vua Tống cũng ưng thuận, mới sai Vương Thế Tắc và Lý Cư Giản đem bài chế văn sang phong nhà vua làm Tĩnh Hải quân tiết độ sứ, Giao Chỉ quận vương (TTT nhấn mạnh)” [tr 95]. Nghĩa là nhà Tống vẫn xem lãnh thổ của Đại Việt là “Thiên hạ” của chúng. Nhưng ở đây với từ Nam thiên, trời Nam, Pháp Thuận đã bác bỏ những luận điệu ấy một cách kín đáo và hết sức thâm thúy: Bắc triều và Nam triều đều có một vòm trời riêng và lẽ dĩ nhiên Bắc triều không thể xâm phạm Nam triều được.

Trong câu thơ trên ta cũng cần xem xét nghĩa của từ . Từ trong bài có bộ "y" dùng thông với có bộ "ngọc" nghĩa là sửa sang, mở mang. Cả câu thơ vang lên như một tiên đoán: Trời Nam sẽ mở mang nền thái bình thịnh trị. Tuy nhiên lời tiên đoán này không phải là một lời nói suông để vừa ý vua. Ở hai câu thơ cuối tác giả đã chỉ ra con đường đi để có thể đến với sự ứng nghiệm:

Vô vi cư điện các,

Xứ xứ tức đao binh

Câu thơ thứ ba mở đầu bằng từ “vô vi”. “Vô vi” là một khái niệm xuất hiện ở trong cả ba trường phái triết học Nho-Phật- Lão. Trong Đạo đức kinh, Lão Tử viết: “Đạo thường vô vi nhi vô bất vi” (Đạo vĩnh hằng không làm mà làm tất cả) nhằm chỉ một thái độ sống thuận theo tự nhiên, không bị trói buộc trong khuôn phép. Lão Tử chủ trương người cầm quyền trong nước nếu thực hiện được đạo Vô vi thì đất nước sẽ thịnh trị.

Sau này “Vô vi” được dùng rất rộng rãi nhằm chỉ một đường lối cai trị của một vua sáng, biết tuân theo những quy luật cuộc sống, nhân tình mà đất nước được thịnh trị. Thiên Vệ Linh công sách Luận ngữ của Khổng Tử có câu: “Vô vi nhi trị giả, kỳ Thuấn dã dư?” (Vô vi mà thịnh trị, đó là vua Thuấn chăng?). Chu Hy đời Tống giải ý này như sau: “Vô vi mà thịnh trị vì bậc thánh nhân có đức thịnh nên cảm hóa được nhân dân, không phải làm gì hơn”. Chữ “Vô vi” trong đạo Phật là dịch từ chữ Phạn “Asamskrita”, có nghĩa là không tạo tác, không do nhân duyên tương hợp, vượt lên trên hiện tượng sinh diệt biến hoá (khác với pháp hữu vi là pháp do nhân duyên tạo tác, có sanh diệt biến hoại), nên pháp vô vi chính là một tên khác của Niết-bàn. Như vậy, chữ “vô vi” trong đạo Phật được hiểu khác với Đạo Lão là không làm gì hết, trái lại “vô vi” là làm tất cả những gì thuận với pháp tánh, Niết-bàn, chân như, theo đó không có chút ý tưởng chấp ngã, chấp nhân, chấp pháp... Ngồi ở ngôi cao cai trị muôn dân với một tinh thần vô vi, vị tha trị nước, không có tư dục, không có tư tâm, tất nhiên nước sẽ yên, dân sẽ bình, không có những sự rối rắm và không có giặc giã nổi lên. Vậy nên “vô vi” ở đây đã trở thành một khái niệm tổng hợp cả ba nền tư tưởng Nho-Phật-Lão. Thiền sư Pháp Thuận khuyên nhà vua “vô vi” tức là nên khoan dung giản dị không bày đặt những chính lệnh hà khắc, những khuôn mẫu đạo đức cứng nhắc bó buộc con người, làm theo “vô vi” (vi vô vi) là làm những điều thuận lẽ tự nhiên để dân được an lạc. Vô vi là không tham vọng, là phải quan tâm đến quyền lợi của dân, lấy dân làm gốc là cơ sở vững chắc của mọi nền thái bình. Chỉ khi nơi điện các, đấng quân vương từ bi, bác ái thì đất nước mới có được nền thái bình thịnh trị vững chắc. Tính chất triết lí và chiều sâu giá trị tư tưởng của bài thơ nằm ở đường lối trị nước rất tiến bộ này. Tóm lại câu thơ thứ ba đã vạch ra đường hướng “trị quốc” vô cùng minh triết cho bậc minh quân đang “cư điện các” và đích đến sẽ là thành quả “xứ xứ tức đao binh”, khắp nơi không còn đao binh, chung hưởng nền thái bình thịnh trị.

- - - - - - - -

1. Theo sách Thiền uyển tập anh, Pháp Thuận (915 -990) là một nhà sư có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp của nhà Tiền Lê, “ông học rộng, thơ hay, có tài giúp vua, hiểu rõ việc nước”. Nhà sư tham gia vào công việc triều chính của nhà Tiền Lê, có nhiều lời khuyên bổ ích về đường lối trị dân.

2. Thiền Uyển tập anh (Tập hợp tinh hoa vườn Thiền) còn có tên là Thiền uyển tập anh ngữ lục. Đây là một tác phẩm văn xuôi viết bằng chữ Hán ghi lại tương đối hệ thống các tông phái Thiền học và sự tích các vị Thiền sư nổi tiếng vào cuối thời Bắc thuộc cho đến thời Đinh, Lê, Lý và một số ít vị lớp sau còn sống đến đầu triều Trần; tức từ cuối thế kỷ 6 đến thế kỷ 13. Đây là tài liệu lịch sử cổ nhất của Phật giáo Việt Nam hiện có.

3. Sấm: là lời tiên đoán việc tương lai. Người xưa tin rằng có những nhà tiên tri có khả năng tiên đoán việc tương lai.

4. Trong Văn học Việt Nam thế kỉ X nửa đầu thế kỉ XVIII (tập I, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1978), các tác giả đã dịch: Phúc nước dài dằng dặc; Trong Thơ văn Lí Trần (Tập 1, NXB Khoa học xã hội, 1977), Đoàn Thăng dịch: Ngôi nước như mây quấn.

5. Quốc vốn là từ để dùng chỉ các vùng lãnh thổ phụ thuộc của các “vua chư hầu” thời Tây Chu gọi là “Chư hầu quốc”. Cuối thời Xuân Thu, nhà Chu mất dần địa vị bá chủ chư hầu, các nước (quốc) chư hầu đánh nhau tạo thành cục diện “thất quốc tranh hùng” (bảy nước lớn Tần, Nguỵ, Yên, Hàn, Tề , Sở, Triệu tranh nhau ngôi bá chủ nắm quyền cai quản Trung Hoa đương thời). Thế nên từ đó Quốc là lớn nhất, cả Trung Hoa từ sau cũng gọi là quốc – Trung Quốc. Như vậy Pháp Thuận gọi nước ta là Quốc là một cái nhìn đầy tự hào, đặt nước ta ngang hàng với Trung Quốc.

6. Thiền học Việt Nam, NXB Thuận Hóa, 1997

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ