Tạo môi trường phát triển nhân cách

GD&TĐ - Kinh nghiệm của một số quốc gia phát triển, trường mầm non hạnh phúc không chỉ môi trường về vật chất, gần gũi với thiên nhiên, với cuộc sống của trẻ mà còn là môi trường giàu tương tác giữa trẻ em với trẻ em, giữa trẻ em với cô giáo và mọi người trong trường, giữa trẻ em với thiên nhiên và xã hội bên ngoài. Tất cả những điều đó tạo nên những đứa trẻ giàu tình yêu thương, luôn tự lập, tích cực trong công việc, trong tư duy và có tinh thần hợp tác cao.

Trẻ cần không gian và môi trường học tập an toàn. Ảnh: Thế Đại
Trẻ cần không gian và môi trường học tập an toàn. Ảnh: Thế Đại

Tạo ra mối liên kết hạnh phúc

Thầy giáo Myong Hwan Moo Eiselstein, Hiệu trưởng Trường Quốc tế Mỹ St.Paul (St.Paul American School Hà Nội) cho rằng: Để khởi tạo hành trình xây dựng một ngôi trường hạnh phúc dành cho các con, mỗi người thầy, người cô hãy bắt đầu tìm ra câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao?”; “Tại sao tôi muốn xây dựng trường học?”; “Tại sao tôi cần xây dựng một ngôi trường hạnh phúc?”; “Tại sao tôi muốn làm điều này?”.

Thầy Myong Hwan Moo Eiselstein tâm sự, những năm tháng làm hiệu trưởng Trường St.Paul American School Hanoi khiến thầy vô cùng hạnh phúc. Với kinh nghiệm của mình, thầy Moo có 5 điều khiến học sinh của thầy luôn vui vẻ: HS được chọn môn học mà các con muốn học; Được lên ý tưởng, kế hoạch và tự tay chuẩn bị tất cả cho dự án mà các con muốn thực hiện; Được thoải mái tự do sáng tạo; Được thấu hiểu, làm việc, kết nối với các bạn xung quanh; Không có bất kì áp lực hay căng thẳng nào được tạo ra ở trường học.

Chính vì thế, trong quá trình học tập ở trường, GV chỉ đóng vai trò như một người hướng dẫn, HS sẽ tự khám phá học hỏi những điều các em cần.

Với thầy Moo, một ngôi trường tuyệt vời khi và chỉ khi chúng ta sở hữu một chương trình học tập chất lượng dành cho các con. Những đứa trẻ luôn cảm thấy thoải mái, vui vẻ và thích thú mỗi khi đến trường. Những người giáo viên, nhân viên tâm huyết với nghề, có sự kết nối thấu hiểu giữa phụ huynh và nhà trường. Tất cả sẽ tạo nên một môi trường thật sự hạnh phúc.

Gia đình, nhà trường cần tạo cơ hội để trẻ trải nghiệm. Ảnh: Thế Quang
  • Gia đình, nhà trường cần tạo cơ hội để trẻ trải nghiệm. Ảnh: Thế Quang

Trẻ cần có sự tôn trọng

Theo nhiều nghiên cứu, người Đan Mạch nằm trong số những người hạnh phúc nhất trên thế giới (nước có phúc lợi xã hội đầu tư vào con người và giáo dục).

Là chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo quản lý giáo dục, quản lý trường học và đào tạo giáo viên tiếng Anh ESL/EFL, TS Châu Thuỷ Tiên, Chủ tịch Tập đoàn Midwest Hoa Kỳ, Giám đốc điều hành Educatas LLC, Hoa Kỳ cho biết, Luật Mầm non, Bộ Trẻ em và Xã hội Đan Mạch quy định: Trường mầm non phải thúc đẩy hạnh phúc. Việc học, sự phát triển và giáo dục của trẻ thông qua môi trường giáo dục an toàn nơi việc chơi là điều cơ bản và là nơi mà ý tưởng của trẻ là khởi nguồn.

Trường mầm non phải đem đến cho trẻ sự đồng quyết, đồng trách nhiệm, sự thấu hiểu và trải nghiệm với nền dân chủ. Theo một phần của luật này, các trường mầm non phải đóng góp cho sự phát triển sự tự lập của trẻ, khả năng tham gia vào cộng đồng có những ràng buộc đồng thời liên kết và tích hợp vào xã hội Đan Mạch.

Chương trình học phải cho thấy được trường mầm non đã xây dựng được một môi trường giáo dục học tập trong cả ngày với việc chơi, hoạt động có chủ đích do người lớn hướng dẫn, hoạt động phát sinh, hoạt động do trẻ khởi xướng và các hoạt động hàng ngày, trao cho trẻ cơ hội phát triển, học tập, trưởng thành và rèn luyện.

Môi trường giáo dục phải được tổ chức sao cho quan điểm và sự tham gia của trẻ, cộng đồng của trẻ, thành phần của nhóm trẻ và sự khác biệt về điều kiện của mỗi trẻ đều được tính tới. Trẻ cần có sự tôn trọng, tin tưởng, tình yêu, sự động viên, sự kỳ vọng tích cực và sự thấu hiểu để lớn lên và phát triển.

Phương pháp 3K, 3+ để xây dựng trường học hạnh phúc

Là chuyên gia đến từ Nhật Bản, khi chia sẻ về xây dựng trường mầm non hạnh phúc, ông Aoki Daisuke – Tổng Giám đốc ShoPro Việt Nam cho rằng, tuổi mầm non là giai đoạn đầu đời, giai đoạn nền tảng của sự hình thành và phát triển nhân cách. Với quan điểm đó, GD mầm non Nhật Bản đã xác định triết lý GD “Giáo dục trẻ có nhân cách tốt”.

Với phương châm “Dạy học lấy trẻ làm trung tâm” và “Học từ sinh hoạt và vui chơi”, GV luôn là người quan sát và hỗ trợ kịp thời chứ không phải là người chỉ dẫn từng hoạt động của trẻ. GV luôn quan tâm, tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm nhiều lần, liên tục các hoạt động, tận dụng mọi lúc mọi nơi trong sinh hoạt, tạo cơ hội cho trẻ vui học và nuôi dưỡng tư tưởng học của trẻ.

Ông Aoki Daisuke đưa ra phương pháp 3K, 3+ để xây dựng trường học hạnh phúc. 3K là Khen ngợi - Khuyến khích - Khuếch trương, tạo nên động lực giúp trẻ nuôi dưỡng tư tưởng muốn được học, không ngừng tìm tòi và khám phá những điều mới. GV luôn công nhận sự cố gắng, sự tự lực, quá trình hoạt động của trẻ thay vì tập trung vào kết quả, vào thành tích trẻ đạt được. Sự vui thích và thú vị sẽ kích thích phát triển những khả năng của trẻ.

3+ là Quan sát - Chờ đợi - Lắng nghe. Để thực hiện tốt 3K, nhất thiết phải có 3+. Quan sát, chờ đợi, lắng nghe để thấu hiểu trẻ, để cho trẻ cơ hội thể hiện chính kiến của mình, để trẻ cảm nhận và học cách tôn trọng người khác, tạo cơ hội cho trẻ suy nghĩ và sáng kiến… Từ đó, trẻ sẽ tích cực, chủ động và tự lực (cả trong suy nghĩ và hành động). Điều đó rất quan trọng với sự phát triển của trẻ mầm non sau này, bởi trẻ mầm non rất cần một môi trường yêu thương để phát triển nhân cách và toàn diện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...