Kiến thức Lịch sử cho mọi người

GD&TĐ - Mặc dù đã có chuyển biến tốt hơn, nhưng năm nay Lịch sử vẫn là một trong hai môn có điểm trung bình thấp nhất trong các môn thi THPT quốc gia. Tìm giải pháp nâng cao chất lượng môn học này - nói như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ - là vấn đề không mới, nhưng bức thiết.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Điểm thi Lịch sử trong Kỳ thi THPT quốc gia chưa tương xứng với tầm quan trọng của môn học này” – cô Hà Thị Minh Trang (Trường THCS – THPT Ban Mai, Hà Nội) – chia sẻ như vậy sau khi phổ điểm các môn thi THPT quốc gia năm 2019 được công bố.

Cô Trang cho biết mình dành tình yêu lớn cho môn Lịch sử, bởi vậy cô thấy chạnh lòng khi đa số học sinh cho đây là môn phụ, ít chú ý nghe giảng và lơ là học tập; nhiều phụ huynh chỉ hướng con em học các môn Tự nhiên để dễ chọn ngành nghề... Một số giáo viên dạy Sử chưa thực sự có niềm yêu thích, đam mê nghề nghiệp, xem nhẹ trau dồi kiến thức, kĩ năng bộ môn; không thay đổi, cập nhật, đổi mới phương pháp dạy học; không truyền được cảm hứng, tình yêu Lịch sử đến với học sinh…

Nguyên nhân điểm Sử thấp đã được mổ xẻ tại rất nhiều diễn đàn, hội thảo. Nhiều ý kiến cho rằng, chương trình môn Lịch sử chưa được đổi mới; việc tổ chức dạy học Lịch sử ở trường phổ thông chưa phù hợp với xu hướng dạy học phát huy tính tích cực, định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; tâm lý học sinh không thích học một số môn Khoa học xã hội, trong đó có môn Lịch sử… Một nguyên nhân quan trọng khác: Thí sinh chọn Lịch sử có ít cơ hội hơn trong lựa chọn trường đại học; số vị trí việc làm dành cho những học sinh học các ngành có liên quan đến môn Lịch sử còn hạn chế...

Khắc phục những hạn chế trên, trong khả năng của mình, ngành Giáo dục đã có nhiều giải pháp: Tuyên truyền, giáo dục nhận thức đúng về vai trò, vị trí của môn Lịch sử; trao phần thưởng hàng năm cho học giỏi Sử; gắn đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá với định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học, định hướng nghề nghiệp của học sinh; tích cực mở các chuyên đề bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên Lịch sử; tăng cường ôn tập, ra đề thi đảm bảo những yêu cầu cơ bản của chuẩn kiến thức, kỹ năng, phân hóa đúng mức các đối tượng học sinh...

Đặc biệt, trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo dục Lịch sử theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, tập trung vào những nội dung Lịch sử cơ bản, cốt lõi của Lịch sử dân tộc, thế giới…

Thế nhưng, điểm thi Lịch sử, sau nhiều nỗ lực của ngành Giáo dục vẫn chưa được như mong muốn. Vì sao? Vì chỉ ngành Giáo dục không đủ và không thể giải quyết vấn đề này. Cho dù Bộ GD&ĐT tìm đủ mọi cách; giáo viên có thay đổi cách dạy để tạo hứng thú học tập cho học sinh, nhưng gia đình, bản thân học sinh không thay đổi tư duy; xã hội chưa rộng mở cơ hội với người học Lịch sử thì đây mãi là một bài toán khó.

Bởi vậy, trong hội thảo về môn Lịch sử, trực tiếp Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì, tổ chức chỉ sau vài ngày công bố phổ điểm thi THPT quốc gia, một chuyên gia Sử học cho rằng, đã đến lúc phải tính lại để làm sao kiến thức Lịch sử cần cho tất cả mọi người, nhất là với cán bộ lãnh đạo, trở thành một tiêu chí lựa chọn cán bộ lãnh đạo. Chuyên gia khác nêu ý kiến nên có sự thay đổi các môn trong tổ hợp tuyển sinh, môn Lịch sử cần được đưa vào trong nhiều tổ hợp xét tuyển hơn so với hiện nay…

Khi Lịch sử là một môn học quan trọng trong lựa chọn nghề nghiệp, ví trí của môn học sẽ nâng cao hơn. Làm cho học sinh “cần” học Lịch sử, đó có lẽ là giải pháp tốt nhất để nâng cao kết quả và chất lượng học tập bộ môn này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ