Giải pháp nào để thư viện trường học “hút” học sinh?

GD&TĐ - Đối với Giáo dục Tiểu học, xây dựng và phát triển văn hóa đọc chính là hình thành thói quen đọc sách nhằm giúp HS hình thành kĩ năng, phương pháp, và niềm đam mê đọc sách ngay từ nhỏ cho HS.

Cô và trò Trường Tiểu học Đồng Quang (TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) trong một tiết đọc thư viện
Cô và trò Trường Tiểu học Đồng Quang (TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) trong một tiết đọc thư viện
Căn cứ vào Nghị quyết số 29 của BCH T.Ư Đảng Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, Quyết định 329/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” một lần nữa đã khẳng định việc “Xây dựng và phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước là một trong những nhiệm vụ góp phần thực hiện mục tiêu chung của Ngành trong giai đoạn mới”.

Đa dạng hóa nguồn lực để “thay áo mới” cho thư viện

Để thực hiện được những mục tiêu trên, bà Trịnh Hoài Thu – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học – cho biết: Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các Sở GD&ĐT triển khai nhiệm vụ xây dựng văn hóa đọc và phát triển Thư viện thân thiện (TVTT) trong trường Tiểu học thông qua các hoạt động và hình thức tổ chức phong phú, đa dạng và mang lại hiệu quả thiết thực.

Dưới sự hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước, các chương trình thiện nguyện, chương trình hỗ trợ, chương trình “Tủ sách nhân ái”, Chương trình “sách hóa nông thôn”, chương trình “làm bạn với sách”…. đã tặng, tài trợ cho nhiều trường tiểu học thư viện, trang thiết bị, sách, tủ sách và học bổng cho HS; tập huấn nâng cao năng lực nghiệp vụ cho cán bộ thư viện (CBTV); hướng dẫn nhà trường xây dựng không gian thư viện xanh nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động đọc của HS.

Kết quả là nhiều thư viện truyền thống đã được thay đổi hình hài và phương thức hoạt động. Một số thư viện trong các trường tiểu học của các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Hà Tĩnh, Nghệ An, Huế, Cần Thơ, Quảng Bình, Gia Lai …đã được “thay áo mới”.

Bộ GD&ĐT khuyến khích các địa phương tùy vào điều kiện cụ thể về nguồn lực, không gian khuôn viên của mỗi nhà trường, xây dựng và phát triển các loại hình TVTT phù hợp dưới sự sáng tạo của CBQL, GV, HS và sự tham gia của phụ huynh HS. Đây là hình thức đổi mới thư viện nhằm tạo không gian mở tối đa, giúp HS tiếp cận và đọc sách nhẹ nhàng, tự nhiên, thú vị.

Nhân rộng mô hình thư viện thân thiện

Các chuyên gia của Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) trong một buổi hỗ trợ, nâng cao năng lực cho CBQL, giáo viên Phòng GD&ĐT huyện Việt Yên (Bắc Giang) về đổi mới tổ chức tiết đọc thư viện
 Các chuyên gia của Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) trong một buổi hỗ trợ, nâng cao năng lực cho CBQL, giáo viên Phòng GD&ĐT huyện Việt Yên (Bắc Giang) về đổi mới tổ chức tiết đọc thư viện

Bà Trịnh Hoài Thu khẳng định: Không chỉ dừng lại ở việc “ thay áo mới” cho các thư viện trường tiểu học, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với tổ chức Room to read (RTR) tại Việt Nam trong việc xây dựng mô hình TVTT, lấy HS làm trung tâm với mong muốn nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động thư viện trường Tiểu học; thông qua việc tổ chức hoạt động đọc ngay từ những ngày đầu đến trường cho HS nhằm hình thành thói quen đọc sách.

Thư viện theo mô hình RTR được tổ chức và vận hành thông qua các hoạt động của HS. Trong đó nhấn mạnh vai trò tổ chức vận hành của CBTV và sự chung tay của cộng đồng. Theo số liệu khảo sát, thống kê sau 2 năm thực hiện, kết quả cho thấy: 12 tỉnh tham gia thí điểm mô hình TVTT trường Tiều học RTR đều đánh giá hiệu quả của mô hình này đối với HS tiểu học trong 3 lĩnh vực, cụ thể: hình thành thói quen đọc sách (83,33% ); phát triển kĩ năng đọc, viết, hỗ trợ học các môn học khác (66,67%).

Một số Sở GD&ĐT đã có những văn bản hướng dẫn chỉ đạo hoạt động thư viện, xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng và hiệu quả của các hoạt động thư viện đối với HS như: Hà Tĩnh, Vĩnh Long, Tiền Giang…; nhiều Sở GD&ĐT đã xây dựng được đội ngũ giáo viên cốt cán để triển khai nhân rộng những thành quả của hoạt động thư viện trong toàn tỉnh như: Thái Nguyên, Cần Thơ, Bình Định, Vĩnh Long, Long An, Trà Vinh…;

Một số tỉnh đã làm tốt công tác xã hội hóa, nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc xây dựng văn hóa đọc tại địa phương: Bắc Giang, Lào Cai, ĐăkLăk, Lâm Đồng… Căn cứ vào kết quả cụ thể và những tác động tích cực đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với tổ chức RTR thực hiện triển khai chương trình ở giai đoạn 2 và triển khai hợp phần nhân rộng mô hình TVTT trường Tiểu học trong những năm học tiếp theo trên cơ sở tự nguyện tham gia của các địa phương.

Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện

Hoạt động kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động thư viện trường học của Phòng GD&ĐT huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang)
Hoạt động kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động thư viện trường học của Phòng GD&ĐT huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang)

Đề cập đến giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện, bà Thu cho rằng: để công tác thư viện phát triển hơn nữa trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu đặt ra của CTGDPT mới, cần thiết phải đề ra các giải pháp góp phần khắc phục những tồn tại và nhân rộng kết quả trong thời gian qua.

Về đội ngũ, Bộ GD&ĐT đã xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán cấp T.Ư, các Sở GD&ĐT xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán cấp tỉnh để triển khai, hỗ trợ, giám sát các hoạt động của TVTT; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thư viện chuyên trách, có trình độ nghiệp vụ, năng lực chuyên môn và tâm huyết với nghề. Đầu tư CSVC tối thiểu đáp ứng nhu cầu đọc của HS, mở rộng không gian đọc thông qua các hình thức thư viện khác nhau, phù hợp với thực tiễn ở từng địa phương.

Về truyền thông, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm đến các cấp quản lí, giáo viên, CBTV, PHHS và cộng đồng về mục tiêu, ý nghĩa của việc xây dựng văn hóa đọc thông qua hình thành thói quen đọc sách cho HS tiểu học; phối hợp với các đơn vị, tổ chức khác để tuyên truyền và xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường cũng như trong cộng đồng, lồng ghép các nội dung và tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm tích hợp các nội dung kiến thức theo định hướng đổi mới giáo dục trong giai đoạn mới.

Giải pháp để lôi cuốn học sinh đến thư viện, hình thành thói quen đọc sách là phải tổ chức linh hoạt, sáng tạo hoạt động thư viện.
Giải pháp để lôi cuốn học sinh đến thư viện, hình thành thói quen đọc sách là phải tổ chức linh hoạt, sáng tạo hoạt động thư viện.

Các hoạt động thư viện cần được tổ chức linh hoạt, sáng tạo thông qua các hình thức và nội dung hoạt động phong phú. Các hoạt động giới thiệu sách mới cần được duy trì thường xuyên, đưa tiết đọc thư viện và các hoạt động đọc vào trong chương trình học tạo thói quen và hứng thú đọc sách.

Hoạt động thư viện cần được đổi mới về cách thức tổ chức tạo điều kiện cho HS dễ dàng tiếp cận với sách, truyện thiếu nhi; Tổ chức các hoạt động giao lưu giáo viên, cán bộ thư viện để chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức ngày hội đọc sách có sự tham gia của phụ huynh và cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về việc cần thiết xây dựng văn hóa đọc cho HS.

Cuối cùng là cần có sự kiểm tra, hỗ trợ và đánh giá hiệu quả hoạt động của thư viện thông qua sự hứng thú của trẻ đối với hoạt động đọc cũng như các hoạt động viết, vẽ và các hoạt động khác. Kịp thời khích lệ đối với các cá nhân, đơn vị thực hiện hiệu quả, có đóng góp tích cực cho các hoạt động thư viện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ