Đưa lịch sử đến gần học sinh

GD&TĐ - Biến mỗi tiết học lịch sử thành một gameshow hay cuộc du ngoạn đặc biệt là cách cô Nguyễn Thu Quyên khiến môn học của mình trở nên hấp dẫn. Cùng với phương pháp dạy học sáng tạo, bằng cách ứng dụng công nghệ hiện đại, cô Quyên tạo không khí hứng khởi cho HS ngay từ phút đầu tiên của buổi học.

Học sinh hứng thú với bảo tàng ảo. 	Ảnh: T.G
Học sinh hứng thú với bảo tàng ảo. Ảnh: T.G

Tái hiện lịch sử bằng click chuột

Từ nhiều năm nay, những giờ học lịch sử của cô giáo Nguyễn Thu Quyên, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) luôn cuốn hút và mang lại cảm xúc tích cực cho học sinh. Ở trên lớp, các em được tìm hiểu về những sự kiện lịch sử qua tham quan các bảo tàng 3D rộng lớn, tham gia trò chơi lịch sử để bổ sung kiến thức của mình. Việc sử dụng công nghệ vào giờ dạy khiến sự kiện lịch sử trở nên sống động, gần gũi.

Tham quan một giờ học lịch sử của cô Quyên, có thể nhận thấy các em HS rất háo hức và đều chuẩn bị tốt cho bài học. Bằng những cú click chuột, các em được thăm những bảo tàng 3D “ảo” do chính tay cô thiết kế, trong đó trưng bày nhiều bức tranh, hình ảnh theo chủ đề học tập. Phương pháp dạy học sáng tạo giúp HS trải nghiệm như đang được đi du lịch, qua đó lĩnh hội kiến thức chứ không còn là cách học truyền thống với những con số khô khan.

Việc kiểm tra bài cũ là một trò chơi với tên gọi Mảnh ghép lịch sử. Mật mã lịch sử xuất hiện sau khi 4 mảnh ghép của bức tranh được giải đáp. Đối với những câu hỏi dễ, HS hăng hái xung phong để giành điểm trong thời gian sớm nhất. Còn câu khó sẽ có những gợi mở. Thay vì cho đáp án, cô Quyên đồng hành với học trò đến khi các em có câu trả lời. Kể cả với những khái niệm và bài học mới học trò cũng phải chủ động tư duy.

Em Phạm Minh Sơn - HS lớp 12 chuyên Lịch sử chia sẻ: “Em ấn tượng với cách học qua trò chơi vì nó giúp chúng em thể hiện kĩ năng làm việc trên máy tính cũng như việc tích hợp, khái quát kiến thức rất dài trong SGK thành những thứ cần thiết nhất. Cùng với đó, cô Quyên hướng dẫn các bạn trong lớp vẽ sơ đồ tư duy và gạch chân từ khóa trong mỗi bài học. Cách này giúp chúng em tóm tắt bài học một cách ngắn gọn và súc tích nhất”. 

Cách học lịch sử bằng bảo tàng 3D giúp HS có tư duy theo dòng sự kiện lịch sử một cách logic. Bên cạnh đó, bảo tàng ảo 3D còn giúp HS phát triển trí sáng tạo, tìm hiểu và đào sâu kiến thức trên lớp, tăng hứng thú, đam mê với môn Lịch sử. Được cô Quyên hướng dẫn, tất cả các bạn trong lớp đã tự xây dựng được bảo tàng của riêng mình.

Đổi mới cách dạy bằng công nghệ

Cô Quyên cho biết: Không phải HS không thích học lịch sử mà ngược lại, lịch sử với những câu chuyện từ quá khứ là những thứ các em rất thích. Với các môn khoa học tự nhiên, HS có thể học bằng phương pháp trực quan tại phòng thí nghiệm; còn lịch sử là những gì đã qua nên HS chỉ có thể cảm thụ nhờ bài giảng của GV, không thể nhìn thấy được.

Hơn nữa, tâm lý lứa tuổi của các em “nghe thì mau quên, nhìn thì dễ nhớ, nghịch mới thấu hiểu”. Bởi vậy, muốn HS dễ nhớ các dữ kiện lịch sử phải biết cách để các em đam mê với bộ môn này. Phải làm sao để học trò có hứng thú với môn Lịch sử luôn là câu hỏi lớn khiến các GV rất trăn trở.

“Để tạo một bảo tàng ảo 3D không khó, chỉ cần có một chút kiến thức về máy tính. Điều quan trọng là GV phải chịu khó tìm hiểu về các đề tài, tìm kiếm trên mạng, chuẩn bị sẵn file ảnh theo chủ đề học tập. Tùy vào bài học mới hay bài tổng hợp kiến thức, GV lựa chọn, sắp xếp thứ tự, đặt tên cho bức ảnh. Tiếp đó, GV phải linh hoạt sử dụng sao cho hiệu quả”, cô Quyên chia sẻ kinh nghiệm.

Năm 2013, lần đầu được xem bảo tàng 3D do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam xây dựng, cô Quyên ấn tượng với không gian rộng lớn đầy hấp dẫn mà công nghệ mang lại. Chợt thấy bảo tàng ảo này có thể phục vụ tốt cho việc dạy học, cô bắt đầu tìm hiểu về cách làm, học hỏi những kinh nghiệm của bạn bè, đồng nghiệp và sáng tạo thành những nét đặc trưng để phục vụ cho công việc của mình.

Đến nay, cô Quyên đã xây dựng được nhiều bảo tàng ảo trong chuyên đề lịch sử như bài học về các nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, chủ đề hướng về biển Đông, chủ đề sự kiện Gạc Ma 1988, hình ảnh Giàn khoan 981... Với sự hướng dẫn của cô giáo, các em HS cũng có thể tự tạo ra những bảo tàng ảo của riêng mình.

Theo cô Quyên, lịch sử là môn học hấp dẫn, nếu các giáo viên tích cực đổi mới, sáng tạo, có tâm huyết, chắc chắn HS sẽ tìm thấy sự thích thú trong môn học. Năm học 2018 - 2019 vừa qua, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi có rất nhiều HS đạt điểm cao môn lịch sử tại Kỳ thi THPT quốc gia, trong đó có cả những em học khối KHTN. Không khí học lịch sử tại nhà trường đã có nhiều thay đổi, và HS đều cảm thấy hạnh phúc trong mỗi giờ học của mình.

Việc tạo ra không gian bảo tàng ảo góp phần làm sống động các bài giảng lịch sử. Qua những bức ảnh, các em hiểu rõ hơn những kiến thức lịch sử, giai đoạn lịch sử. Trên lớp, thay vì học một cách thụ động như trước kia, HS trở thành hướng dẫn viên du lịch, khám phá và tự thuyết trình, từ đó hiểu sâu hơn về bài học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.