Bí quyết học và làm tốt bài thi môn Lịch sử vào lớp 10

GD&TĐ - Năm nay, Lịch sử là một trong 4 môn thi bắt buộc trong kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội. Cô giáo Phạm Thị Phương Thảo – giáo viên Trường THCS- THPT Ban Mai – có những chia sẻ bổ ích cho thí sinh về môn học, từ đó giúp học sinh đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi quan trọng này.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Điểm chung cần lưu ý

Nhiều người vẫn có quan điểm cho rằng Lịch sử là một môn học về quá khứ, nhiều sự kiện, ít tính tư duy. Do đó, việc dạy và học hiện nay đối với bộ môn này cũng thiên về việc học thuộc lòng. Nhưng lịch sử loài người là quá trình vận động liên tục cho nên để hiểu và vận dụng được bài học từ quá khứ thì không chỉ đòi hỏi người học phải thuộc sự kiện mà còn phải biết xâu chuỗi sự kiện và tìm hiểu bản chất của sự việc.

Những sự kiện lịch sử diễn ra đều có thời gian, địa điểm, con người, nội dung, kết quả, ý nghĩa… Cho nên, để hiểu được bản chất của một sự kiện lịch sử đòi hỏi người học không chỉ ghi nhớ thời gian hoặc nội dung sự kiện mà còn phải đặt sự kiện lịch sử đó vào trong hoàn cảnh cụ thể để có hệ quy chiếu chuẩn xác nhất. Đó là một trong những nguyên nhân khiến cho việc học lịch sử trở nên nặng nề khi người học chỉ chú trọng vào việc ghi nhớ kiến thức mà chưa tìm hiểu bản chất của sự kiện.

Nội dung kiến thức môn Lịch sử khá nặng không chỉ đối với riêng lớp 9 mà là của cả chung các cấp học. Do đó, học sinh nên chủ động ghi nhớ kiến thức cơ bản, học xong bài nào nắm vững kiến thức bài đó, tránh trường hợp “để dành” dồn đến khi thi mới học dẫn đến tình trạng bị quá tải.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Học Lịch sử như thế nào để đạt điểm cao?

Nhiều học sinh khá hoang mang khi cho rằng rất khó học thuộc lòng từng ấy sự kiện, mốc thời gian, trong khi đó là một đặc thù của bộ môn này. Để đạt hiệu quả cao nhất trong việc làm bài thi môn Lịch sử, đặc biệt là bài thi trắc nghiệm, các em cần lưu ý những điểm chính sau:

Phải hiểu bài và nhớ những mốc thời gian chính, cốt lõi của từng sự kiện. tránh trường hợp học lan man dẫn đến tình trạng “loạn” kiến thức khi mà nội dung môn học nhiều. Theo đó cần phải hệ thống hóa các kiến thức cơ bản theo từng chuyên đề về nội dung hoặc tiến trình thời gian để tránh việc nhầm lẫn kiến thức. Mẹo đơn giản nhất để ghi nhớ các mốc sự kiện đó là học sinh có thể liên hệ các mốc thời gian trùng với những sự kiện gắn liền với đời sống của mình như sinh nhật của bản thân, bố, mẹ hay bạn bè, ngày tốt nghiệp tiểu học…Đồng thời bản thân các bạn học sinh cũng nên thường xuyên theo dõi báo đài để nắm được những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc cũng như thế giới.

Để nhớ nhanh và chắc nội dung các bài, học sinh nên vận dụng sơ đồ tư duy riêng cho mỗi bài. Khi học theo sơ đồ tư duy, học sinh sẽ sao chép hình ảnh vào trong não bộ và nhớ được kiến thức một cách chắc chắn nhất, tránh được tình trạng học vẹt, quên một chữ đầu là quên cả bài.

Sau khi đã nắm vững kiến thức cơ bản, học sinh cần tăng cường làm bài tập trắc nghiệm khách quan qua các tài liệu tham khảo để luyện trí nhớ. Có thực hành nhiều thì mới nhớ được lâu nội dung bài học.

Ghi nhớ và vận dụng ngay kiến thức trên lớp là cách học Lịch sử hiệu quả và tiết kiệm thời gian nhất. Việc vận dụng làm bài tập lịch sử ngay khi được dung cấp kiến thức thì sẽ dễ lôi cuốn học sinh đồng thời tạo ấn tượng khắc sâu vào trí nhớ cho các em về bài vừa học.

Về việc làm bài thi

Căn cứ vào đề thi minh họa mà Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố thời gian qua thì nội dung chủ yếu nằm trong phần lịch sử lớp 9 và những yêu cầu về kiến thức, kĩ năng hầu hết ở cấp độ nhận biết, thông hiểu, chỉ có số ít thuộc vận dụng cấp độ thấp; tức là đúng theo chuẩn kiến thức, kĩ năng trong sách giáo khoa bộ môn do bộ quy định. Cho nên việc học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa thì việc đạt được 5 – 6 điểm không là quá khó.

Nội dung các câu hỏi trong đề thi minh họa dàn trải bao gồm cả lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam và nội dung ôn tập. Điều này tránh được việc học tủ, học lệch của học sinh. Nhưng nếu muốn đạt được điểm cao thì yêu cầu học sinh không chỉ nhớ kiến thức mà còn có khả năng tư duy, vận dụng bài học để lựa chọn đáp án.

Lịch sử tuy là một môn mới trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay của Hà Nội nhưng học sinh cũng không nên quá lo lắng vì nội dung thi chỉ gói gọn trong chương trình lớp 9. Nếu các em chăm chỉ, học tập nghiêm túc thì vẫn có thể đạt kết quả cao. Đồng thời, với hình thức thi trắc nghiệm sẽ không quá gây áp lực cho học sinh nếu các em có kế hoạch học tập nghiêm túc và bài bản.

Nếu dựa trên đề thi minh họa do Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố thì thí sinh thi năm nay cũng không cần phải quá hoang mang vì toàn bộ đề thi có tổng tất cả 40 câu với thời lượng làm bài 60 phút.Tính ra mỗi câu học sinh có 1,5 phút để làm bài.

Với thời gian như vậy thì có lẽ không quá gấp gáp cho thí sinh. Nếu học sinh học kỹ, hiểu kỹ thì thời gian làm bài khoảng 45 - 50 phút là xong. Học sinh có thể dành một ít thời gian còn lại để dò bài trước khi nộp cho thầy cô thì với lượng thời gian 60 phút như đề minh họa là đủ. Số lượng 40 câu trắc nghiệm trong đề minh họa là vừa phải đối với học sinh lớp 9.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ