Bạo lực học đường: Hiểu đúng mới có thể đồng hành cùng học sinh

GD&TĐ - Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường là sự hạn chế trong việc nắm bắt tâm lý, diễn biến tình cảm và tư tưởng học sinh của những người làm công tác giáo dục...

Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương trò chuyện với HS Đà Nẵng trong một chương trình ngoại khóa. Ảnh: TG
Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương trò chuyện với HS Đà Nẵng trong một chương trình ngoại khóa. Ảnh: TG

Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Ngọc Hoàng Vương – Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD&ĐT Đà Nẵng về vấn đề này.

Ranh giới giữa vô cảm với bạo lực rất gần 

- Thưa ông, các yếu tố bên ngoài môi trường xã hội có tác động như thế nào đến ứng xử văn hóa trong môi trường học đường?

- Tự xưa cho đến nay, không có một ngôi trường, một người thầy nào dạy học trò mình ứng xử thiếu văn hóa. Vì thế, những người làm công tác giáo dục cần lắm một môi trường xã hội bên ngoài nhà trường thực sự lành mạnh, sự quản lý xã hội một cách chặt chẽ, đặc biệt là sự gương mẫu của ông bà, cha mẹ, những người xung quanh.

Nói một cách công bằng thì những câu chuyện buồn về văn hóa ứng xử trong môi trường học đường những năm gần đây, không thể phủ nhận nguyên nhân chủ quan xuất phát từ phía nhà trường, từ phía người dạy.

Thế nhưng, cũng phải kể đến nguyên nhân khách quan bởi tác động của mặt trái quá trình hội nhập quốc tế, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, đặc biệt là sự tác động quá mạnh mẽ của các yếu tố bên ngoài nhà trường đến quá trình hình thành nhân cách của học sinh.

- Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng bạo lực học đường? 

- Theo tôi, có thể kể đến một số nguyên nhân như: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa mang lại hiệu quả cao, công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, về ý thức chấp hành pháp luật, chấp hành quy chế, nội quy cho HS chưa được duy trì thường xuyên và đầy đủ cả về thời lượng lẫn chất lượng, chưa tạo ra được sức đề kháng đủ mạnh để học sinh phòng ngừa và tự bảo vệ mình trước những tác động tiêu cực bên ngoài nhà trường.

Một số trường học chưa tạo ra được nhiều sân chơi văn hóa, thể thao hấp dẫn để thu hút HS tham gia. Mặt khác, không thể chỉ đổ lỗi giới trẻ bị tiêm nhiễm, lây truyền cái xấu từ truyền thông, từ thế giới mạng. Vẫn còn những hành động xấu, lối cư xử không đúng chuẩn mực của người lớn, ít nhiều tác động vào thế giới quan của các em, dần dà hình thành lối hành xử thô bạo, thiếu tình thương. 

Nếu xét ở góc độ sâu xa của bạo lực ở giới trẻ ngày nay còn do một bộ phận phụ huynh quá nuông chiều, bao che cho khuyết điểm của con cái. Phụ huynh thường giữ con trong nhà hoặc “lập trình” theo ý của mình.

Chính vì vậy, trẻ dễ trở thành “thế hệ gối ôm”, “gấu bông” hay “gà công nghiệp” như cách gọi của xã hội hiện nay. Nhiều em lớn lên không biết làm việc nhà, không có kĩ năng chăm sóc bản thân mình, thiếu tự tin, thiếu kĩ năng sống, không nhận thức được những giá trị sống cần thiết... Nhiều đứa trẻ dễ ích kỉ và vô cảm, mà ranh giới giữa vô cảm với bạo lực lại rất gần.

Cần phối hợp chặt chẽ

- Vậy những giải pháp nào có thể ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường, thưa ông? 

- Theo tôi, những biện pháp sau đây sẽ góp phần ngăn ngừa tình trạng bạo lực ở giới trẻ: Tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường để kịp thời trang bị cho HS những kiến thức nhất định về pháp luật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của HS.

Tăng cường công tác quản lý đối với những HS chây lười, thường hay trốn học. Gia đình cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường giáo dục con em trong việc thực hiện pháp luật, có biện pháp giúp đỡ những em có biểu hiện sai trái để kịp thời uốn nắn.

Cần có sự ý thức một cách thấu đáo về tầm quan trọng của công tác tham vấn tâm lí học đường. Nhà trường và gia đình cần phải phối hợp hết sức chặt chẽ trong việc nắm bắt, theo dõi, phát hiện những biểu hiện khác thường về mặt tâm lí, tình cảm, hành vi… của con em để kịp thời tư vấn, hỗ trợ tâm lí, “trị liệu” khi cần thiết để giúp các em vượt qua những khó khăn về tâm lí, định hướng hình thành những kĩ năng sống, giá trị sống đúng đắn.

Đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, tinh thần tương thân tương ái, tình cảm nhân đạo, lòng vị tha cho HS. Đặc biệt, một yếu tố hết sức quan trọng để một đứa trẻ có lòng nhân ái, vị tha, biết sống đẹp, sống tốt, sống có ích là người lớn phải bảo đảm cho các em được sống và lớn lên trong một gia đình yên vui, hạnh phúc. Đã đến lúc phụ huynh nên tham khảo cách dạy con thời hiện đại. 

- Những năm gần đây, Phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện với HS các trường học trong toàn thành phố. Từ những buổi nói chuyện này, ông có nhắn gửi điều gì đến HS cũng như GV và phụ huynh?

- Chúng tôi rất hạnh phúc là những câu chuyện xoay quanh tình cảm gia đình, tình thầy trò, tình bạn như Gọi yêu thương trở về, Xây dựng tình bạn đẹp – nói không với bạo lực học đường; Con cảm ơn, con xin lỗi cha mẹ; Sống có trách nhiệm; Bữa cơm gia đình… đã ít nhiều tác động đến các em HS. Chúng tôi nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cả GV và phụ huynh, HS về những thay đổi của HS theo chiều hướng tiến bộ. 

Tâm lí, tình cảm và tư tưởng học sinh mỗi thời kỳ đều có sự chuyển biến khác nhau. Thế hệ học sinh hôm nay có sở thích, xu hướng tâm lý khác với thế hệ chúng ta.

Sai lầm của một số không ít người lớn (cha mẹ, thầy cô, các nhà quản lý) là vẫn nghĩ về các em như thời chúng ta còn thơ trẻ. Cả tin và nghi ngại đều là hai hướng không phù hợp với các em hôm nay. Đã không hiểu đúng, không “đồng hành” cùng các em thì làm sao giáo dục.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ