Tránh tiếp xúc với nước thải, phòng lây nhiễm Covid-19

Tránh tiếp xúc với nước thải, phòng lây nhiễm Covid-19

Theo GS.TS Nguyễn Việt Anh: Khoảng 10% người mắc viêm phổi cấp do Covid-19 ở các bệnh viện tại Vũ Hán (Trung Quốc) có triệu chứng tiêu chảy, nôn. Nước thải là đường lây nhiễm thứ cấp của virus Covid-19. Phân và nước tiểu là nguồn lây lan mầm bệnh, tương tự như SARS.

Các nhà khoa học Anh vừa công bố kết quả nghiên cứu mới nhất và cảnh báo về một phương thức nguy cơ lây nhiễm của Covid-19. Nhiều bằng chứng đã cho thấy dịch bệnh về viêm phổi cấp SARS ở Hồng Kông (Trung Quốc) năm 2003 có thể đã lây lan qua hệ thống kỹ thuật trong các chung cư cao tầng (đường ống thoát nước, thông gió, các hộp kỹ thuật…).

GS.TS Nguyễn Việt Anh cũng cho biết: Trong khi cộng đồng đang tập trung vào các biện pháp phòng tránh dịch bệnh lây lan qua không khí, qua tiếp xúc, những bằng chứng trên cho thấy tầm quan trọng và sự cần thiết phải quan tâm cả đến con đường lây lan mầm bệnh của virus Covid-19 cũng như các mầm bệnh khác qua đường phân – miệng, qua môi trường nước, đất, thức ăn, côn trùng...

Trong khi tỷ lệ nhà tiêu không hợp vệ sinh hay phóng uế bừa bãi và tỷ lệ nước thải chưa được thu gom và xử lý ở các đô thị Việt Nam còn cao, nguy cơ xâm nhập của mầm bệnh từ các chất bài tiết của người nhiễm bệnh ra môi trường, vào chuỗi thức ăn, là rất cao.

Do đó, bên cạnh các biện pháp đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và thực hành vệ sinh cá nhân tốt, người dân cần triệt để thực hiện việc ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống, gỏi cá… nhất là ở các vùng có tái sử dụng nước thải trong tưới rau, nuôi cá. Ở những khu vực có tái sử dụng nước thải trong tưới rau, nuôi cá, người nông dân có biện pháp bảo hộ lao động và vệ sinh cá nhân tốt; Không bón rau bằng phân tươi; Không tưới trực tiếp vào lá, quả ăn trực tiếp; Không tưới rau bằng nước thải trước khi thu hoạch ít nhất 2 tuần… để tránh lây nhiễm Covid-19.

Ở các đô thị có xảy ra mưa lớn, ngập úng, cần tăng cường tuyên truyền cho người dân các biện pháp vệ sinh cá nhân, tránh tiếp xúc với nước thải, vệ sinh và tẩy trùng kỹ nhà cửa sau khi nước rút. Thời điểm diễn ra dịch bệnh, cần tăng cường các biện pháp quản lý vận hành và tăng liều lượng Clo hay các biện pháp khử trùng khác tại các trạm xử lý nước thải; Có biện pháp bảo hộ lao động, tuyên truyền thực hành vệ sinh cá nhân tốt cho cán bộ, công nhân vận hành, có nguy cơ phơi nhiễm khi tiếp xúc với nước thải và với aerosol khi làm việc trên mạng lưới thoát nước, các trạm bơm, các nhà máy xử lý nước thải…

Cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ các xe hút phân bùn bể tự hoại, nhất là bùn bể tự hoại từ các bệnh viện, bệnh viện dã chiến, nhà ga, bến tàu xe… phải chở phân bùn đến nơi xử lý đúng quy định, tránh tình trạng thải trộm bừa bãi phân bùn. Trong giai đoạn này, nếu chưa cần thiết thì không tiến hành hút phân bùn bể tự hoại.

Sau đợt dịch, nhất thiết phải có biện pháp xử lý an toàn đối với loại chất thải này. Đơn vị cấp nước cần tăng cường liều lượng Clo khử trùng trước khi cấp nước vào mạng lưới. Tăng cường kiểm soát mạng lưới đường ống truyền dẫn và phân phối, khắc phục các điểm rò rỉ, vỡ ống để hạn chế tối đa sự thâm nhập của nước thải vào đường ống cấp nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ