Trang bị kỹ năng cho luật sư trong quá trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài

GD&TĐ - Toạ đàm "Kết nối Luật sư 2024" thu hút sự tham gia của 150 luật sư tham dự trực tiếp và hơn 500 người tham dự trực tuyến.

Trường Đại học Luật TPHCM và VIAC đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác với các Đoàn Luật sư. (Ảnh: ULAW)
Trường Đại học Luật TPHCM và VIAC đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác với các Đoàn Luật sư. (Ảnh: ULAW)

Ngày 13/7, tọa đàm "Kết nối Luật sư 2024" do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Trường Đại học Luật TPHCM (ULAW), Đoàn Luật sư TPHCM phối hợp với đoàn Luật sư các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Cần Thơ tổ chức.

Luật sư Vũ Ánh Dương, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch thường trực VIAC cho biết tính đến năm 2023, tỷ lệ luật sư trong các vụ tranh chấp tại VIAC đạt tới 87,9%. Ông đánh giá đây là một con số vô cùng lớn, điều đó cho thấy sự cẩn thận của các bên và sự chuyên nghiệp hơn của luật sư.

Từ góc độ tổ chức điều phối hoạt động giải quyết tranh chấp, VIAC khuyến khích sự tham gia của luật sư trong quy trình tố tụng trọng tài. Bởi lẽ, việc các luật sư tham gia, trong hầu hết các vụ việc, đều giúp các bên và kể cả Hội đồng Trọng tài tiết kiệm hơn về thời gian giải quyết, thúc đẩy hiệu quả các giai đoạn trong tiến trình tố tụng.

Vì vậy, hoạt động bồi dưỡng và đào tạo luật sư, đặc biệt liên quan đến trang bị kỹ năng cho luật sư trong quá trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài là đặc biệt cần thiết và phù hợp với nhu cầu hiện nay.

1.jpg
PGS.TS. Trần Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM. (Ảnh: ULAW)

PGS.TS Trần Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM đánh giá cao sự phối hợp của các đơn vị trong hoạt động mang tính kết nối này. Ông Dũng cho rằng, mô hình kết hợp giữa hoạt động đào tạo bồi dưỡng về kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ luật sư và tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm giữa các luật sư trong nhiều tỉnh, thành phố để trao đổi và bàn luận về kỹ năng hành nghề luật sư.

Với vai trò là cơ sở đào tạo luật trọng điểm của đất nước, ông Dũng hoan nghênh sáng kiến về chương trình, góp phần nâng cao chất lượng và chuyên môn nghiệp vụ của Luật sư, cùng với đó, giúp luật sư có thêm thông tin hỗ trợ cho quá trình hành nghề

Cũng tại sự kiện, Trường Đại học Luật TPHCM và VIAC đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác với các đoàn Luật sư các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Cần Thơ nhằm định kỳ triển khai nhân rộng mô hình ý nghĩa này cũng như phối hợp cho nhiều hoạt động ý nghĩa khác trong tương lai.

Trong đó, Đại học Luật TPHCM sẽ cùng các đoàn Luật sư triển khai chương trình tham quan, thực tập, tập sự nghề nghiệp; Chương trình hướng nghiệp - Phát triển kỹ năng; Liên kết đào tạo; Hợp tác tổ chức Hội thảo chuyên đề, nghiên cứu đề tài khoa học cấp tỉnh, thành phố; Quỹ Học bổng, Tuyển dụng và các lĩnh vực khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ