Trang bị cho giáo viên tiểu học kỹ năng dạy STEM trong nhà trường

GD&TĐ - Chiều 17/8, Phòng GD&ĐT Hoài Đức (Hà Nội) đã khai mạc đợt tập huấn giáo dục STEM cho hơn 800 CBQL, giáo viên cốt cán cấp Tiểu học trên địa bàn.

Ngành Giáo dục Hoài Đức tổ chức tập huấn giáo dục STEM cho giáo viên cấp Tiểu học.
Ngành Giáo dục Hoài Đức tổ chức tập huấn giáo dục STEM cho giáo viên cấp Tiểu học.

Tới dự và làm chủ giảng buổi tập huấn có TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT); TS Tưởng Duy Hải - Giảng viên Khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; ông Nguyễn Trung Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cùng lãnh đạo, chuyên viên Phòng GD&ĐT Hoài Đức.

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu hội trường UBND huyện Hoài Đức tới 30 điểm cầu tại các trường tiểu học trên địa bàn. Chương trình tập huấn kéo dài trong 2,5 ngày, từ chiều 17/8 cho đến hết ngày 19/8.

TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT.

TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT.

Ông Vương Văn Lâm - Trưởng Phòng GD&ĐT Hoài Đức nhấn mạnh, STEM là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kĩ năng liên quan đến các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học - theo cách tiếp cận liên môn và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày.

Thay vì dạy các môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế. Đặc biệt ở cấp tiểu học, giáo dục STEM có vai trò quan trọng trong việc thực hiện Chương trình GDPT 2018, góp phần phát triển các phẩm chất, năng lực chung và năng lực đặc thù cho học sinh.

Trong năm học 2022-2023, giáo dục STEM đã được triển khai thí điểm tại 6 quận/huyện của Thủ đô. Để tiếp nối những hiệu ứng tích cực của chương trình, với những giá trị cốt lõi của STEM chính là hiện thực hóa những kiến thức trong sách vở, khuyến khích việc tư duy để tìm cách giải quyết các vấn đề trong thực tiễn đời sống.

TS Thái Văn Tài đang phân tích các nội dung chính trong phương pháp giáo dục STEM cho các học viên tại buổi tập huấn.

TS Thái Văn Tài đang phân tích các nội dung chính trong phương pháp giáo dục STEM cho các học viên tại buổi tập huấn.

Mục tiêu cuối cùng là khơi gợi khả năng tìm tòi, chọn lọc và tư duy, giúp người học nhớ lâu, hiểu sâu, không học một cách thuộc lòng và sáo rỗng. Đây cũng là tạo cơ hội để học sinh tích hợp kiến thức, kĩ năng ở các môn học đặc thù như môn Tự nhiên và Xã hội (lớp 1 đến lớp 3) hay môn Khoa học (lớp 4, lớp 5) với các môn Toán, Mĩ thuật, Tin học, Công nghệ.

Nhờ vậy, học sinh có cơ hội trải nghiệm, khám phá thực tế cuộc sống, vận dụng kiến thức, kĩ năng có được để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong từng chủ đề giáo dục STEM.

Năm học 2023-2024 sắp tới là năm học thứ 4, ngành Giáo dục Thủ đô cùng với cùng với giáo dục cả nước tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 4. Thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội, từ năm học 2023-2024, ngành GD&ĐT Hoài Đức chính thức triển khai đại trà giáo dục STEM đối với cấp Tiểu học.

"Mục tiêu của đợt tập huấn là giúp đội ngũ CBQL và giáo viên cốt cán của các nhà trường hiểu rõ về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục STEM trong Chương trình GDPT 2018. Từ đó tạo thuận lợi cho giáo viên trong quá trình tổ chức thực hiện", ông Vương Văn Lâm nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ