Bà Hồng từng có ý định hiến những tác phẩm này cho Nhà nước. Bà cũng cân nhắc ý định lựa chọn tổ chức “có tâm, tầm”, tiềm lực tài chính để kết hợp thực hiện lưu trữ, trưng bày tranh, làm sách, cũng như thành lập quỹ nghệ thuật Trần Văn Cẩn theo nguyện vọng của người chồng quá cố...
Nhưng tất cả dự định ấy chưa thực hiện được thì bà bị bạo bệnh và qua đời.
Nhà điêu khắc Trần Thị Hồng quê gốc ở Đức Phổ, Quảng Ngãi. Mồ côi mẹ từ lúc 2 tuổi, nên năm 1954, khi tập kết ra Bắc, bố bà đã mang bà theo. Từ nhỏ, bà đã tỏ ra là có năng khiếu về hội họa nhưng gia đình không cho theo học.
Bà đã phải giấu gia đình, làm hồ sơ để đi học. Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội thời bấy giờ chính là danh họa Trần Văn Cẩn. Quyết tâm thi mỹ thuật bằng được dường như là định mệnh sắp đặt cho mối tình kỳ lạ giữa bà và danh họa Trần Văn Cẩn.
Dẫu không được thầy Trần Văn Cẩn trực tiếp dạy nhưng tài năng, đức độ của ông đã khiến bà cảm phục ngay từ khi mới vào trường. Sau 7 năm học tập, khi được giao bài tốt nghiệp chuyên ngành điêu khắc, bà đã xin được đến nặn tượng ông.
Được ông đồng ý, hàng ngày cứ đầu giờ sáng bà đến phòng họa sĩ quét dọn, pha trà và nhặt nhạnh các tác phẩm ông vẽ vương vãi trong phòng làm việc rồi chờ khi ông rỗi lại nhờ ông làm mẫu để nặn tượng. Cảm kích trước tình cảm của cô học trò, thầy hiệu trưởng cũng tranh thủ ký họa một số bức tranh về bà.
Sự đồng điệu của hai tâm hồn yêu nghệ thuật, sự chân thành của tình cảm thầy trò như một sợi dây vô hình buộc chặt hai người lại. Để rồi, khi không thể kìm nén, cô học trò 23 tuổi đã không ngần ngại nói lời yêu với người thầy hơn mình đến 36 tuổi, sau bao đêm trằn trọc nghĩ suy.
Hơi bất ngờ trước lời tỏ tình đầy chủ động của cô học trò nhưng ông thầy cũng chỉ dám xem đó là một cách thể hiện tình cảm theo kiểu “mỹ thuật” chứ không dám nhận lời. Dần dần, sự chân tình, những việc làm thầm lặng của bà đã cảm mến được ông khiến ông can đảm bước qua dư luận để gắn kết cuộc đời với bà.
Thế nhưng, cũng phải đến năm 1971, bà Hồng mới quyết vượt qua tất cả dư luận về sống chung với ông, với danh nghĩa là cháu ruột. Đây chính là giai đoạn họa sĩ Trần Văn Cẩn sáng tạo sung sức nhất.
Đến những di nguyện dang dở
Ngày 26/10/1990, 4 năm trước khi lìa xa cõi tạm, họa sĩ Trần Văn Cẩn di chúc lại cho người bạn đời là nhà điêu khắc Trần Thị Hồng toàn bộ tài sản gồm tranh do ông sáng tác, đồ sinh hoạt cá nhân và các tài sản khác.
Bà Hồng từng có ý định hiến những tác phẩm tranh của Trần Văn Cẩn tại tư gia cho Nhà nước, nhưng chưa thực hiện được bởi nhiều lý do.
Bà cũng cân nhắc ý định lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp “có tâm, có tầm”, có tiềm lực tài chính để kết hợp thực hiện lưu trữ và trưng bày tranh của họa sĩ, làm sách, cũng như thành lập quỹ nghệ thuật Trần Văn Cẩn để góp phần phát triển sự nghiệp mỹ thuật và nghệ thuật, theo nguyện vọng của người chồng quá cố... Nhưng tất cả dự định ấy chưa thực hiện được thì bà bị bạo bệnh.
Nhà điêu khắc Trần Thị Hồng qua đời ngày 12/2/2017, do không có di chúc cũng như ủy quyền, khối tài sản chung của hai người, đặc biệt là khối lượng tranh giá trị lớn, là mục tiêu của những cuộc tranh giành giữa các bên liên quan, nguy cơ bị chia năm xẻ bảy.
Với lòng kính trọng nhân cách, trí tuệ, tài năng của thầy Trần Văn Cẩn và tình bạn với nhà điêu khắc Trần Thị Hồng, nhóm bạn học Lớp Sơ trung 7 năm thứ nhất, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, đã vào cuộc chủ động liên hệ với cơ quan công an, văn hóa và động viên các em bà Hồng ở Đồng Tháp ra, cùng đấu tranh, bảo vệ, gìn giữ gần như toàn vẹn di sản tranh của danh họa và tài sản của hai người.
Trong biên bản kiểm kê di sản tranh, tài sản của danh họa Trần Văn Cẩn và bà Trần Thị Hồng tại nhà ở Lạc Long Quân và Nguyễn Thượng Hiền, ngày 25/2/2017, số lượng tranh là: 51 tranh sơn dầu, 2 tranh sơn mài, 1.570 tranh giấy kích thước khác nhau cùng tài sản lên tới hàng chục tỷ đồng...
Theo quy định của luật pháp, 8 người em cùng cha khác mẹ của bà Hồng tại Đồng Tháp, do ông Trần Việt Hồng đại diện, là người thừa kế hợp pháp toàn bộ di sản tranh và tài sản trên.
Tuy nhiên, họa sĩ Nguyễn Lê Vinh, bạn học với nhà điêu khắc, nhà giáo Trần Thị Hồng cho biết: Vào giữa năm 2018, ông Trần Việt Hồng đã bán toàn bộ số tranh và kỷ vật của danh họa Trần Văn Cẩn cho một nhà sưu tập trong nước với giá trị cả trăm tỷ đồng.
Kế hoạch bảo quản và trưng bày một cách tốt nhất ngôi nhà và số tranh của danh họa, việc làm sách và lập Quỹ Mỹ thuật Trần Văn Cẩn vẫn chưa được thực hiện.
Các họa sĩ Nguyễn Lê Vinh, Lê Đức Biết chia sẻ: “Chúng ta không nên nhìn nhận di sản tranh và tài sản của họa sĩ Trần Văn Cẩn và chị Hồng chỉ để thụ hưởng. Đây là di sản vừa có giá trị lớn về vật chất, vừa có ý nghĩa lớn về văn hóa - nghệ thuật và xã hội.
Di sản này cần được ứng xử trong tiếp nhận và sử dụng sao cho phù hợp với pháp lý, đạo lý cũng như về cả tâm linh đối với những người để lại di sản. Người thụ hưởng di sản có trách nhiệm và nghĩa cử đền đáp công ơn lớn lao của họa sĩ Trần Văn Cẩn và chị Hồng, bằng việc trân trọng và quan tâm thực hiện tốt di nguyện của hai người”.
Người yêu nghệ thuật đến giờ vẫn chờ đợi một cuốn sách về thân thế, sự nghiệp, cũng như có quỹ nghệ thuật riêng mang tên ông.