Các nhà khoa học thuộc Đai học Harvard, Mỹ đã tiến hành dự án đưa voi ma mút trở lại đầy tham vọng từ năm 2015. Tham vọng này có thể thành hiện thực với sự giúp sức của công nghệ chỉnh sửa gene để “chỉnh” các gene khớp nối giữa DNA của ma mút với DNA của một chú voi châu Á.
Giáo sư George Church, người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Đại học Harvard cho biết: “Chúng tôi đang đánh giá ảnh hưởng của những chỉnh sửa này và cố gắng tạo ra một gene phôi trong phòng thí nghiệm. Mục tiêu là tạo ra một phôi ma mút lai với voi. Thực tế là đây có thể là một con voi có nhiều đặc điểm của voi ma mút” (lông dài, mỡ dày, máu có thể thích nghi với điều kiện sống ở môi trường lạnh dưới 0 độ C).
Voi ma mút. Ảnh minh họa.
Để tạo được phôi thai họ sử dụng công nghệ nhân bản vô tính để nhân bản tế bào da. Nuclei từ các tế bào được lập trình lại có thể được đưa vào trong các tế bào trứng voi (những tế bào trứng voi này đã bị rút hết vật chất di truyền). Sau đó, quả trứng này có thể được kích thích để phát triển thành phôi và nuôi dưỡng trong một ổ bụng nhân tạo.
“Không có lý do gì để chúng ta đưa quá trình sinh đẻ của con voi mẹ đang có nguy cơ tuyệt chủng vào nguy hiểm. Chúng tôi đang thử nghiệm việc mang thai ngoài của chuột. Thực tế thì những thí nghiệm dạng này có từ những năm 80 nhưng không được mâýngười quan tâm” - ông Church nói.
Voi ma mút từng rất phổ biến ở châu Âu, châu Á, châu Phi và Bắc Mỹ trong kỷ Băng Hà. Nó biến mất vào khoảng 4.500 năm trước đây, có thể là do thời tiết thay đổi cộng với bị con người săn bắn. Họ hàng gần gũi nhất của loài này là voi châu Á.