Trăm năm tính cuộc vuông tròn: Nên để lại gì cho con cái?

Phần lớn các bậc cha mẹ đều cho rằng, trẻ con thời nay khác biệt và khó dạy hơn thế hệ mình trước đây. Họ thừa nhận không thể hiểu nổi, thậm chí "bất lực" đối với con cái mình. Việc hiểu đúng "diện mạo" của trẻ em thời đại sẽ giúp các nhà giáo dục và các bậc cha mẹ có phương pháp giáo dục tốt hơn và giúp trẻ sống hạnh phúc hơn.

Trăm năm tính cuộc vuông tròn: Nên để lại gì cho con cái?

Cho dù người lớn luôn có ý muốn đưa trẻ em vào một khuôn khổ nhất định theo ý chí của mình, nhưng trẻ em vẫn luôn thuộc về thời đại của nó. Khuôn mẫu của sự giáo dục trong gia đình và nhà trường hiện nay giống như một chiếc áo quá chật đối với đứa trẻ ở độ tuổi lớn nhanh như thổi. Trong khi thế hệ các bậc cha mẹ phần lớn đã bị “tụt hậu” về tri thức khoa học kỹ thuật và không theo kịp những trào lưu mới của xã hội, thì trẻ em lại tỏ ra cực kỳ nhanh nhạy trong việc tiếp cận với mọi tiến bộ của xã hội văn minh.

Mặc cho các bậc cha mẹ, các nhà giáo dục sợ hãi trước ảnh hưởng từ những mặt trái của nền công nghệ thông tin, mặc cho họ ra sức kiểm soát, ngăn cản việc tiếp xúc với mạng internet, với các trò chơi điện tử đang bùng nổ, nhưng vẫn không có một đứa trẻ nào “làm ngơ” với trào lưu tin học hóa toàn cầu này. Có thể thấy ở thành phố, bất cứ đứa trẻ 10 tuổi nào cũng thành thạo một vài trò chơi điện tử, trong khi bố mẹ chúng thậm chí chưa học cách sử dụng “con chuột”... Điều này cho thấy có một khoảng cách khá lớn giữa cha mẹ và con cái, đồng thời giải thích tại sao ngày nay trẻ em ít chịu nghe những lời giáo huấn theo kiểu “bao giờ cho đến ngày xưa” của phụ huynh...

Tram nam tinh cuoc vuong tron: Nen de lai gi cho con cai? - Anh 1

Cha mẹ và con cái trong gia đình hiện đại đang có những bất đồng (ảnh minh họa). Ảnh: Nguồn Internet.

Theo các nhà nghiên cứu, việc giáo dưỡng, học hành, vui chơi giải trí của trẻ em thời nay có quá nhiều chuyện phải bàn. Ngoài ăn và học, trẻ còn có nhu cầu hội nhập đời sống xã hội thông qua vui chơi cùng bạn bè và giao tiếp xã hội, qua đó tích lũy kinh nghiệm sống, tập dượt, trải nghiệm bài học làm người. Nhưng ngày nay dường như trẻ đang học nhiều mà chơi ít. Học thì bị áp lực nặng nề, học lệch, còn chơi thì bị xem nhẹ, buông lỏng. Đáng ngại hơn cả là tình trạng người lớn quá “bận rộn” không có thời gian quan tâm đến con nên trẻ bị “đói giao tiếp”.

Các mối quan hệ giữa trẻ với ông bà, cha mẹ, thầy cô và bè bạn đang bị giản lược, xơ cứng, hời hợt, vội vã, thiên về công việc, nhẹ về tâm tình. Hậu quả là trẻ thiếu hụt những hiểu biết về cuộc sống thực tế mà ở đó thẩm thấu những giá trị văn hóa - nhân văn. Trẻ giờ đây được đáp ứng mọi nhu cầu, nhưng lại không được giáo dục đầy đủ, cần thiết về bổn phận và nghĩa vụ để trở thành nhân cách tốt.

Trong cơn lốc của sự biến đổi xã hội, những đứa trẻ đang phải chịu chung một số phận là bị cuốn theo vòng xoáy của cuộc sống “siêu công nghiệp”, tuổi thơ của các em đang bị bào mòn một cách không thương tiếc. Ngay từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ trẻ em đã được “huấn luyện” để trở thành một công dân của thời đại mới, một thời đại mà sự vô tư, hồn nhiên bị đánh mất một cách thô bạo và nhanh chưa từng thấy.

Trong cơn bão táp của sự biến đổi đang diễn ra sự đổ vỡ những giá trị tốt đẹp đã từng tồn tại trong hàng thế kỷ. Con người đang chấp nhận một cuộc sống mà ở đó, mọi giá trị chỉ còn là tương đối, tất thảy đều trở nên hời hợt, tạm thời và chớp nhoáng. Sự bất an, lo lắng và rối loạn lúc nào cũng ám ảnh, đeo bám cuộc sống. Nền tảng của gia đình truyền thống đang bị lung lay, có thể vỡ vụn bất cứ lúc nào.

Đã đến lúc xã hội cần nhìn thẳng vào sự thật để chống lại những gì đang tác động và làm thay đổi, giết dần tuổi thơ của con em chúng ta. Cái mà các bậc cha mẹ ngày nay có thể giúp con cái nhiều nhất là hãy tạo ra một lối sống lành mạnh trong gia đình, những chuẩn mực về giá trị đạo đức để chúng noi theo và một môi trường sống tốt hơn để chúng có thể phát triển an toàn và biết tự đề kháng. Mọi biện pháp giáo dục không được cực đoan, cứng nhắc mà phải đặt trong mối tương quan với sự phát triển của xã hội và nhà trường.

Trách nhiệm của gia đình không phải là để lại cho thế hệ mai sau một đời sống tiện nghi hiện đại, thừa thãi mà là một thế giới khỏe mạnh cả về vật chất lẫn tinh thần. Cái mà trẻ em thực sự cần là hạnh phúc chứ không phải sự phát triển.

Theo Lao Động

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ