‘Trăm điều phải có thần linh pháp quyền’

Ngày 24/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật để đánh giá tình hình 5 năm qua và đưa ra biện pháp nâng cao chất lượng công tác.

Hội nghị diễn ra sau khi Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV kết thúc cách đây 1 tuần với việc thông qua 7 luật, sẽ có hiệu lực vào giữa năm 2021 và đầu năm 2022.

Diễn ra theo hình thức truyền hình trực tuyến với 1 điểm cầu ở trụ sở Chính phủ và 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, Hội nghị sẽ bàn các biện pháp nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường hiệu quả thi hành. Công tác này càng có ý nghĩa quan trọng khi mà dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và chúng ta ký kết các hiệp định thương mại quan trọng (gần đây là Hiệp định RCEP), đòi hỏi phải cập nhật những vấn đề mới nảy sinh.

Chính phủ hành động dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật, xác định hoàn thiện thể chế là then chốt, là khâu đột phá, chiến lược, Thủ tướng từng nhiều lần nhấn mạnh quan điểm này và nhắc lại câu của Bác Hồ “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.

Thủ tướng cũng thường dẫn cuốn sách kinh tế kinh điển “Vì sao các quốc gia thất bại” của hai tác giả Daron Acemoglu và James A. Robinson để nói về vai trò quan trọng của “thể chế, thể chế và thể chế” và bày tỏ trăn trở phải làm sao thể chế thực sự trở thành động lực quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.

Và ngay từ đầu nhiệm kỳ này, Thủ tướng đã khẳng định quyết tâm "xây dựng Chính phủ kiến tạo”, một Chính phủ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển, chứ không phải bị động đối phó với những diễn biến trên thực tế.

Mỗi năm, Chính phủ tổ chức 2 đến 3 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Việc xem xét các dự án, luật, pháp lệnh tại các phiên họp của Chính phủ được cải tiến. Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc họp cho ý kiến về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nội dung cơ bản của nhiều dự án luật quan trọng, phức tạp, nhằm định hướng cho việc nghiên cứu soạn thảo bảo đảm chất lượng và tiến độ trình dự  án. Tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng, theo chỉ đạo của Thủ tướng, nội dung về xây dựng thể chế, chính sách thường được “đẩy” lên trước nội dung thảo luận kinh tế - xã hội. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cũng tăng cường kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng pháp luật.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong 5 năm qua, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 71 luật, 2 pháp lệnh. Chính phủ ban hành 745 nghị định, tăng 24 nghị định so với giai đoạn 2011-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành 232 quyết định; các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành 2.422 thông tư, 110 thông tư liên tịch; ở địa phương ban hành tổng số 92.799 văn bản.

Trong thời gian vừa qua, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật vẫn còn hạn chế, bất cập.

“Mỗi một vấn đề, khó khăn vướng mắc của người dân, doanh nghiệp đều có nguyên nhân, cũng có thể do thể chế, do thực thi, nhận thức, cách làm của cán bộ. Các đồng chí cần theo dõi sát tình hình đất nước, cảm nhận được hơi thở cuộc sống, có ngay các tham mưu, đề xuất để chúng ta có phản ứng chính sách kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu Chính phủ đặt ra là quyết liệt hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng từng nhắc nhở các cán bộ tư pháp. “Chúng ta không chấp nhận văn bản pháp luật ban hành có nội dung không vì lợi ích của toàn xã hội mà vì lợi ích riêng của một bộ, một ngành nào đó”.

Theo chương trình, tại hội nghị lần này, Chính phủ sẽ nghe lãnh đạo Bộ Tư pháp trình bày Báo cáo tổng quan về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật giai đoạn 2016-2020.

Đồng thời, Hội nghị sẽ nghe, thảo luận về các vấn đề: Công tác thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách pháp luật; công tác phối hợp trong xây dựng pháp luật; hoàn thiện và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN và yêu cầu đặt ra cho công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật của Chính phủ...

Theo Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ