Hơn 80 mô hình sinh kế được triển khai
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo, dự án thuộc chương trình, đặc biệt là dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo, hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Chỉ tính riêng năm 2023, địa phương này đã triển khai tổng số hơn 80 mô hình sinh kế cho trên 1.000 lượt hộ tham gia, chủ yếu là các mô hình sản xuất nông nghiệp như chăn nuôi, trồng màu, đan lát… Những mô hình đó không chỉ giúp tạo thu nhập, việc làm, tận dụng được diện tích đất trống hay bỏ hoang mà còn góp phần vào việc cải thiện bữa ăn, giảm và tiết kiệm chi phí cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo.
Thời gian qua, công tác chăm lo đời sống, phát triển kinh tế, nhất là các hộ có hoàn cảnh khó khăn luôn được cấp ủy đảng, chính quyền ở các địa phương có đông người Khmer quan tâm thực hiện. Nhờ đó, trình độ sản xuất được nâng lên rõ rệt, giúp người dân dần thay đổi thói quen về canh tác, trồng trọt, chăn nuôi, từng bước nâng cao đời sống.
Trong đó phải kể đến gia đình ông Danh Then, trú tại ấp Kos Thum, xã Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu).
Nhiều năm về trước, cả gia đình ông Danh Then có 4 người chỉ trông chờ vào thu nhập ít ỏi từ 2 công đất rẫy canh tác không hiệu quả và công việc phụ hồ của ông, nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo bám. Kinh tế gia đình quá khó khăn, có lúc ông định rời quê đi làm ăn xa.
Thấu hiểu hoàn cảnh của ông, năm 2022, Hội Nông dân tạo điều kiện giúp ông tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết 28 của Chính phủ. Có vốn ông lên kế hoạch, chọn mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện của gia đình.
Ông Danh Then cho biết: "Gia đình tôi có được cuộc sống ổn định như hôm nay chính là nhờ chính quyền xã và Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện hỗ trợ cho vay 40 triệu đồng để làm vốn sản xuất. Tôi sẽ nỗ lực hơn nữa, vươn lên thoát nghèo bền vững, hoàn trả vốn vay cho Nhà nước để những hộ khó khăn hơn tôi được nhận chính sách ưu đãi này”.
Tương tự, ông Diệp Đel trú tại ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu) trước đây kinh tế gia đình rất khó khăn. Tuy nhiên, từ khi được chính quyền tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn chính sách ưu đãi, tham gia các lớp tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật… ông đã biết cách sử dụng đồng vốn hợp lý trong sản xuất cũng như nắm bắt kịp các tiến bộ khoa học để áp dụng nên cuộc sống ngày một khấm khá hơn.
“Không chỉ tôi mà nhiều gia đình khác trong ấp cũng vậy, có hộ xây dựng được nhà cửa khang trang, con cái học hành đàng hoàng… Tất cả những thay đổi trên là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với bà con Khmer”, ông Diệp Đel phấn khởi nói.
Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm dưới 1%
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Bạc Liêu đã dành hơn 235 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 205 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 30,7 tỷ đồng.
Nếu như đầu năm 2023, tỉnh Bạc Liêu còn 7.233 hộ nghèo trong năm giảm được 3.347 hộ tuy nhiên đến cuối năm số hộ nghèo còn lại là 3.886 hộ. Đặc biệt, địa phương này giảm tỷ lệ hộ nghèo nhưng không tăng tỷ lệ hộ cận nghèo và gần như không tái nghèo.
Những thành quả đạt được đã đưa công cuộc giảm nghèo lên một tầm mới cao hơn, hướng tới bền vững, hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều mới.
Theo bà Lê Thanh Giang, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bạc Liêu, năm 2024, tỉnh Bạc Liêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 1%. Các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã và các ngân hàng, doanh nghiệp giúp đỡ 2.273 hộ nghèo.
70 Sở, Ngành cấp tỉnh và doanh nghiệp nhận đỡ đầu 227 hộ nghèo, còn lại là các huyện, thị xã, thành phố; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo mới thoát nghèo được hỗ trợ bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề, đa dạng hóa ngành nghề phù hợp với trình độ lao động nghèo được đẩy mạnh; giải quyết việc làm trong và ngoài tỉnh 18.500 lao động, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 500 lao động,…
“Bạc Liêu đề ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm còn dưới 1%; khu vực nông thôn hộ nghèo giảm còn dưới 2%; khu vực thành thị (gồm các phường, thị trấn) giảm còn dưới 1% hộ nghèo (trừ hộ nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội); hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm 1%; không có hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng", bà Giang nói.
Ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Để đạt được kết quả trên, các ngành, các cấp luôn quan tâm đẩy mạnh công tác truyền thông mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến người dân, nhất là người nghèo, bằng nhiều hình thức, đa dạng về nội dung nhằm khơi dậy ý chí chủ động, tự lực vươn lên của người nghèo. Đồng thời, tỉnh sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng để giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo bền vững. Từ các nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động có vốn làm ăn, tự tạo việc làm, góp phần tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống...”.