Trại lợn của C.P Việt Nam bị “tố” xả thải

Trại lợn của C.P Việt Nam bị “tố” xả thải

Đã nhiều năm nay, chất lượng sống của người dân tại xã Tiêu Động (Bình Lục - Hà Nam) được cho là ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguồn nước và không khí ở đây bị ô nhiễm, khiến cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp bị đảo lộn. Có người dân ở đây cho rằng, ô nhiễm phát xuất từ việc chăn nuôi lợn của Công ty TNHH Nông nghiệp và Xây dựng Đông Xuân (Cty Đông Xuân) và Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam (Cty CP chăn nuôi C.P).

Theo quan sát, tại xã Tiêu Động một số kênh mương bốc mùi phân lợn nồng nặc, đặc biệt vào những ngày trời nắng. Người dân cho rằng, nước thải và phân lợn từ trang trại của Cty Đông Xuân và Cty CP chăn nuôi C.P theo đường ống chảy thẳng ra kênh TH3. Theo kênh này, nước thải chảy vào đồng ruộng khiến cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nặng nề.

Người dân xã Tiêu Động cũng phản ánh, đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền đề nghị kiểm tra xử lý những trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm. Thế nhưng mọi việc không được giải quyết triệt để. Chất thải từ trang trại nuôi lợn của hai công ty nói trên vẫn vô tư xả ra môi trường. Nước trong kênh TH3 đen kịt và đặc quánh phân lợn. Dòng kênh này cũng chảy ra sông Đáy, rồi về phía nhà máy nước sạch.

Trại lợn của C.P Việt Nam bị “tố” xả thải ảnh 1
Chất thải nước thải sau khi được bơm từ trong khu chăn nuôi ra môi trường.

Mấy năm nay, khu vực hai thôn Viên Tu và Tiên Quán của xã La Sơn bên cạnh xã Tiêu Động luôn trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Mùi hôi thối từ con kênh bốc lên “tấn công” người dân bất kể đêm ngày, không khí vô cùng ngột ngạt. Nước từ kênh TH3 vì quá ô nhiễm nên người dân cũng không thể dùng vào việc tưới tiêu nông nghiệp.

Theo người dân, Cty Đông Xuân hoạt động chăn nuôi từ năm 2009 với hàng loạt các trại nuôi lợn quy mô lớn, có tổng diện tích hàng chục héc-ta đủ sức chứa khoảng 10.000 lợn nái và lợn thịt. Công ty này được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam cấp giấy phép kinh doanh từ năm 2006, do bà Nguyễn Thị Huệ làm Giám đốc.

Trao đổi với PV Báo GD&TĐ về những phản ánh của người dân, Chủ tịch UBND xã Tiêu Động – ông Bùi Hữu Liêm xác nhận việc phản ánh của người dân về việc xả thải gây ô nhiễm môi trường là có cơ sở.

“Người dân đã phản ánh lâu rồi. Cách đây 2 năm các đoàn kiểm tra liên ngành đã yêu cầu các công ty chăn nuôi phải có giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm. Cũng đã có đợt kiểm tra và xử phạt đến hàng trăm triệu đồng do hành vi xả thải trái phép”, ông Liêm cho hay.

Trại lợn của C.P Việt Nam bị “tố” xả thải ảnh 2
Phân và nước thải từ trại lợn của Cty Đông Xuân được xả ra ngoài cánh đồng qua ống bơm.

Cũng theo ông Liêm, do dịch tả châu Phi nên gần như các công ty chăn nuôi lợn không hoạt động. Cũng vì thế nước trong kênh TH3 tương đối đỡ ô nhiễm. Nhưng trong kênh nội bộ của công ty thì nước đen đặc và có mùi. Cơ quan chức năng cũng đã yêu cầu Cty Đông Xuân chỗ bà Huệ là Giám đốc phải bơm hút thau rửa cho sạch.

“Cách đây 5 năm, Cty Đông Xuân xả toàn bộ nước thải ra môi trường. Sau đó có dự án xử lý, rồi hầm bioga, kênh nội bộ, máy ép phân khô… Và vừa rồi khi họ hút Bioga thì kênh nội bộ của họ có màu đen. Địa phương đã yêu cầu Cty Đông Xuân hút bã và thau rửa bắt đầu vào sáng 24/4”, ông Liêm cho biết.

Chủ tịch UBND xã Tiêu Động cho biết, Cty Đông Xuân và Cty CP chăn nuôi C.P cùng có hoạt động nuôi lợn trong trang trại tại địa phương. Mặt bằng là của Cty Đông Xuân, còn Cty CP chăn nuôi C.P Việt Nam thuê lại để nuôi lợn. Việc ô nhiễm môi trường là có. Cử tri cũng đã phản ánh rất nhiều.

Cty CP chăn nuôi C.P Việt Nam từng nhiều lần bị người dân và báo chí phản ánh. Đơn cử vào năm 2014, người dân xã Thủy Xuân Tiên (Chương Mỹ - Hà Nội) tố cáo bị hàng trăm chiếc quạt thông gió công suất đẩy không khí ô nhiễm với mùi hôi thối nồng nặc từ trại gà vào khu dân cư. Hàng tấn phân gà thải ra mỗi ngày từ trang trại của Cty CP chăn nuôi C.P Việt Nam đã sản sinh ra loài bọ cánh bay dày đặc vào nhà dân… 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.