Trách nhiệm với giáo dục

GD&TĐ - Một khảo sát gần đây của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho thấy, việc hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp để đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội còn chưa hiệu quả. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp có hoặc thỉnh thoảng hợp tác với trường mới chiếm 41,5%; Doanh nghiệp có hợp tác thường xuyên với trường nghề chiếm tỷ lệ khiêm tốn với 12,3%, trong khi có đến 46,2% doanh nghiệp không có bất kỳ hoạt động hợp tác nào với cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Để đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động có nhiều việc phải làm, trong đó, một trong những nhóm việc quan trọng là bắt tay với doanh nghiệp. Đây là cơ sở để nhà trường nắm bắt kịp thời những thay đổi của công nghệ, nhu cầu thị trường, đồng thời tranh thủ nguồn lực cơ sở vật chất, chất xám của đối tác nhằm đổi mới chương trình, giáo trình nâng cao chất lượng đào tạo, tạo cơ hội trải nghiệm cho sinh viên, nâng tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp ở mức cao nhất.

Hợp tác với doanh nghiệp tốt nghĩa là sự tồn tại, phát triển của nhà trường được đảm bảo. Nhận thức được điều này, thời gian qua, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường ĐH đã nỗ lực kết nối, nhiều trường mở hẳn trung tâm hợp tác với doanh nghiệp chứ không để ké “chức năng” này trong Phòng Đào tạo hay Phòng Công tác chính trị HSSV. Tuy nhiên, bên cạnh các trường làm tốt hoạt động này, còn rất nhiều trường đang loay hoay.

Tháng trước, trong dịp lễ khai giảng của một trường ĐH tự chủ tài chính, khi nghe trường báo cáo những con số hấp dẫn về quan hệ với doanh nghiệp, hiệu trưởng một cơ sở giáo dục nghề nghiệp thở dài: “Đúng là nhà giàu càng… giàu thêm. Trường có thương hiệu tốt, doanh nghiệp dễ dàng hợp tác, vì hợp tác với trường lớn thì cũng được “ăn ké” theo thương hiệu. Còn các cơ sở nhỏ, chưa có gì nổi bật lắm như chúng tôi, đúng là trầy da tróc vảy mới mời được một doanh nghiệp ký kết hợp tác. Trong câu chuyện với doanh nghiệp hiện vẫn dựa vào sự nỗ lực đi…xin của nhà trường là chính”.

Dĩ nhiên, để có thương hiệu, được doanh nghiệp dễ dàng hợp tác, không phải “bỗng nhiên mà họ có”. Đó cũng là một quá trình nỗ lực lâu dài của những trường đã khẳng định được chất lượng. Tuy nhiên, lời của vị hiệu trưởng kia không phải không có lí. Bởi thực tế, doanh nghiệp khi đầu tư hợp tác với giáo dục, không được câu chuyện săn tìm chất xám thì cũng phải được câu chuyện PR, quảng bá thương hiệu.

Một số doanh nghiệp không có điều kiện cho sinh viên thực tập, nhưng có nhã ý cử người có tay nghề cao tham gia giảng dạy tại trường lại bị vướng những tiêu chuẩn Nhà nước quy định dành cho giáo viên. Vì thế, để doanh nghiệp cho sinh viên thực tập, hỗ trợ tài chính, phòng thí nghiệm, tham gia viết giáo trình, xây dựng chuẩn đầu ra, hay tham gia giảng dạy… với nhiều cơ sở đào tạo, đó là một hành trình cam go.

Các luật liên quan đến GD-ĐT như Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng khẳng định quyền lợi, trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, về phía Luật Doanh nghiệp, vấn đề này đang còn bỏ ngỏ. Theo các chuyên gia, các nhà quản lí giáo dục, cần chỉnh sửa, bổ sung Luật Doanh nghiệp, đưa vào nội dung có tính chất bắt buộc doanh nghiệp phải tham gia vào quá trình giáo dục nghề nghiệp cùng các trường. Quốc hội chỉnh sửa bổ sung một số luật có tính chất động viên doanh nghiệp tham gia vào giáo dục như miễn giảm một mức độ thuế nào đó…

Một khi Nhà nước có chính sách và hướng dẫn cụ thể về quyền, trách nhiệm, phương thức hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, có cơ chế hỗ trợ nhà trường và doanh nghiệp thành lập các quỹ đầu tư phát triển chung để gia tăng sự ràng buộc, nâng cao tính năng động cũng như trách nhiệm của các chủ thể liên kết, hoạt động hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp sẽ đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.