Trách nhiệm và quyền lợi

GD&TĐ -  Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt SGK, Chương trình mới được tổ chức theo hình thức xã hội hóa.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định cụ thể 5 tiêu chuẩn về SGK, cụ thể hóa thành 13 tiêu chí và 40 chỉ báo mang tính khuôn thước để tác giả biên soạn các bản mẫu, ý tưởng thể hiện khác nhau, nhưng đều đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Bởi vậy, trên thực tế, các bộ sách sử dụng ngữ liệu khác nhau nhưng đều hướng tới việc học sinh sẽ thực hiện được các yêu cầu cần đạt trong chương trình. Đây chính là yếu tố quan trọng giúp giáo viên chủ động, linh hoạt khi sử dụng SGK, phát huy tính sáng tạo trong dạy học.

Chúng ta đều biết, đội ngũ giáo viên quyết định sự thành công của việc dạy học theo Chương trình, SGK mới. Có chuyên gia từng nhận định, quy trình xuất bản một cuốn SGK rất quan trọng; nhưng quan trọng không kém là thái độ của giáo viên và cách họ sử dụng SGK trong lớp học.

Vai trò này được thể hiện rõ nét trong giai đoạn triển khai Chương trình GDPT 2018, khi mỗi giáo viên đều được sớm tiếp cận với các bản mẫu SGK, được đóng góp trí tuệ, góp phần có được bộ SGK chất lượng trước khi chính thức xuất bản, phát hành. Giáo viên càng tiếp cận sớm với SGK, càng hiểu, càng thấm thì chắc chắn chất lượng sử dụng sách sẽ tăng lên.

Năm 2020, Bộ GD&ĐT có công văn đề nghị các sở GD&ĐT tổ chức cho giáo viên tham gia góp ý các bản mẫu SGK lớp 2 và lớp 6. Theo đó, đợt 1 mỗi sở GD&ĐT chọn 10 giáo viên/môn học để nghiên cứu, góp ý. Đợt 2, tổ chức cho giáo viên dạy lớp 2 và lớp 6 năm học 2021 - 2022 góp ý. Đợt 3, đối tượng mở rộng cho các giáo viên, cán bộ quản lý để tìm hiểu, góp ý các bản mẫu SGK đã được các nhà xuất bản hoàn thiện, đưa lên website trước khi in và phát hành.

Nội dung này được Bộ GD&ĐT tiếp tục nhấn mạnh trong Công văn số 733/BGDĐT-GDTrH ban hành năm 2021. Theo đó, Hội đồng thẩm định có thể đề nghị đơn vị tổ chức thẩm định SGK xin ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân về các bản mẫu SGK theo quy định tại Thông tư 33; bảo đảm thành viên tham gia đọc góp ý bản mẫu SGK không là tác giả của bất kỳ bộ SGK nào.

Cụ thể, mỗi sở GD&ĐT chọn cử 10 giáo viên/môn học để nghiên cứu, góp ý các bản mẫu SGK. Trong trường hợp cần thiết, Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT huy động giáo viên được phân công dạy SGK mới tham gia góp ý bản mẫu SGK đó. Trường ĐHSP Hà Nội, Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng được yêu cầu cử chuyên gia am hiểu về chương trình, SGK phổ thông tham gia góp ý bản mẫu SGK.

Hơn 2 năm triển khai, đội ngũ giáo viên đã có góp ý tâm huyết, góp phần hoàn thiện các bộ SGK. Ý kiến của thầy cô, từ góc nhìn người trực tiếp triển khai bộ sách, đã hạn chế lỗi về nội dung, chính tả, câu từ, ngôn ngữ, hình ảnh… trong bản mẫu; đồng thời giúp các bộ sách đáp ứng nhu cầu của từng địa phương với sự khác biệt đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hóa.

Tuy nhiên, việc yêu cầu thầy cô góp ý chỉ là một vế. Rất cần những yếu tố khác kèm theo như thời gian nghiên cứu bản mẫu SGK phải đủ dài; giáo viên được tiếp cận với bản mẫu sớm hơn. Cùng với đó, quy định rõ nhiệm vụ, kèm theo quyền lợi để thầy cô sẵn sàng đầu tư thời gian, tâm sức. Đặc biệt, việc cầu thị, tiếp thu các ý kiến đóng góp, có sự tương tác phản hồi trở lại của tác giả viết sách là vô cùng quan trọng, để thầy cô thấy những đóng góp của mình thực sự đem lại giá trị và được tôn trọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ