Hệ thống trường lớp đảm bảo nhu cầu học tập
Dân số toàn tỉnh Trà Vinh khoảng 1,009 triệu người, trong đó dân tộc Kinh chiếm khoảng 68%, dân tộc Khmer khoảng 31%, còn lại là dân tộc Hoa, Ấn…
Tỉnh có 427 đơn vị trường học, trong đó có 88 trường mẫu giáo, 32 trường mầm non, 160 trường tiểu học, 101 trường THCS, 35 trường THPT, 9 Trung tâm Giáo dục thường xuyên, 1 trường Trung cấp Pali Khmer, 1 trường Thực hành sư phạm (trực thuộc Trường ĐH Trà Vinh), có 505 điểm học phụ, với 214.416 học sinh. Toàn ngành có 14.328 cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Hệ thống mạng lưới trường, lớp học thường xuyên được rà soát, sắp xếp nhằm củng cố, phát triển phù hợp với quy hoạch theo hướng sáp nhập các trường có quy mô nhỏ, xóa dần những điểm lẻ, tập trung nâng cấp mở rộng điểm học chính về quy mô cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình.
Toàn tỉnh đã xóa hoàn toàn phòng học tạm vào cuối năm 2015; số trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng được nâng lên. Năm 2021 ngân sách của tỉnh chi cho giáo dục và đào tạo chiếm tỷ trọng khoảng 23,8% trên tổng số chi ngân sách toàn tỉnh.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục phần lớn yên tâm công tác, có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có ý thức và tinh thần trách nhiệm, gắn bó với sự nghiệp giáo dục và luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Về Giáo dục dân tộc, theo bà Nguyễn Thị Bạch Vân, Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh, năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 8 trường Phổ thông Dân tộc nội trú, 1 trường Trung cấp Pali-Khmer. Trong đó, có 5 trường THCS, 2 trường THCS và THPT, 1 trường THPT. Tỉnh có 4/8 trường phổ thông DTNT đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, gồm PTDTNT tỉnh, PTDTNT THCS-THPT Tiểu Cần, PTDTNT THCS-THPT Trà Cú, PTDTNT THCS huyện Châu Thành.
Trong năm học, các trường DTNT tuyển sinh đầu cấp thực hiện theo đúng chỉ tiêu của UBND tỉnh giao với 78 lớp, 2.761 học sinh, trong đó có 1.932 học sinh THCS, 829 học sinh THPT. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, năm học 2022 - 2023 số học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 THPT đạt tỷ lệ 99,8%, trong đó có khoảng 40% vào trường PTDTNT THPT. Hàng năm số học sinh tốt nghiệp THPT vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đạt tỷ lệ trên 70%.
Nhà trường, địa phương hỗ trợ học sinh dân tộc vui xuân, đón Tết tại huyện Trà Cú (Trà Vinh). Ảnh: Q. Ngữ. |
Quan tâm chế độ chính sách cho học sinh và giáo viên
Tỉnh Trà Vinh triển khai thực hiện Quyết định số 1719 ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, tỉnh có 6/8 trường Phổ thông Dân tộc nội trú được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Trà Vinh triển khai kế hoạch dạy học tiếng Khmer trong các cơ sở giáo dục phổ thông giai đoạn 2022 - 2030 trên địa bàn. Năm học 2022 - 2023 có 121 trường dạy học tiếng dân tộc Khmer với 28.553 học sinh tham gia; duy trì việc dạy và học tiếng Khmer thử nghiệm và thực nghiệm theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT tại Trường Tiểu học Đa Lộc A và Trường Tiểu học Lương Hòa C, huyện Châu Thành.
Sở GD&ĐT hướng dẫn và được Phòng GD&ĐT triển khai đến các cơ sở giáo dục thực hiện dạy và học bổ túc văn hóa tiếng Khmer tại các điểm chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh dịp hè năm 2022. Có 130/143 điểm chùa mở lớp dạy học tiếng Khmer; có 753 lớp; có 16.128 học viên theo học; người dạy tham gia dạy học gồm 692 vị sư; tổng kinh phí hỗ trợ người dạy hơn 3,4 tỷ đồng.
Tỉnh Trà Vinh đã biên soạn hoàn thiện sách giáo khoa quyển 8, 9, 10 sách tiếng Khmer cấp THPT, từ năm học 2020 - 2021 đã in ấn lưu hành nội bộ và phân phát cho các cơ sở giáo dục phổ thông và các điểm chùa có nhu cầu tổ chức dạy học thực nghiệm tiếng Khmer cấp trung học phổ thông áp dụng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập, nguyện vọng của học sinh ở vùng dân tộc thiểu số.
Tỉnh thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với học sinh (chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; chi trả học phí, học bổng, chi phí học tập cho học sinh, sinh viên cử tuyển theo Nghị định 49/NĐ-CP và Nghị định 134/NĐ-CP; chế độ, chính sách cho học sinh trường PTDTNT theo Thông tư số 109/2009/TTLT-BTC-BGDĐT và các chương trình hỗ trợ khác như học bổng, khen thưởng…).
Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách theo Nghị định số 61/2006/NĐ-CP, Nghị định số 19/2013/NĐ-CP và Nghị định số 116/2010/NĐ-CP...