Theo Sở GD&ĐT TPHCM, năm 2020, TPHCM không có hồ sơ đề nghị xét Nhà giáo nhân dân; có 17 hồ sơ trình Bộ GD&ĐT xét Nhà giáo Ưu tú và 15 nhà giáo được Chủ tịch nước ra quyết định phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Năm 2021, TPHCM có 50 nhà giáo đạt giải thưởng Võ Trường Toản. Như vậy, sau 23 năm, Giải thưởng Võ Trường Toản đã được trao tặng cho 814 thầy cô giáo. Mỗi thầy cô giáo được giải năm nay sẽ được nhận Bằng khen của UBND TPHCM, quà tặng và Kỷ niệm chương của Ban Tổ chức cùng số tiền thưởng 20 triệu đồng/1 người.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng danh hiệu Nhà giáo ưu tú là danh hiệu cao quý của ngành giáo dục và Giải thưởng Võ Trường Toản cũng là giải thưởng cao quý nhất đối với đội ngũ sư phạm của TPHCM.
Sở GD&ĐT TPHCM cùng với Báo Sài Gòn Giải Phóng đã nỗ lực tổ chức và duy trì giải thưởng Võ Trường Toản suốt 24 năm qua để tri ân các thầy cô giáo nhân dịp ngày lễ lớn trong tháng 11 của ngành giáo dục.
“Giải thưởng được trao tặng cho quý thầy cô luôn tâm huyết với nghề, lan tỏa, đóng góp đối với sự phát triển của ngành giáo dục và đào tạo thành phố, xứng đáng là những tấm gương sáng và được các đồng nghiệp, các bậc phụ huynh và các thế hệ học sinh yêu quý, kính trọng…” - ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ.
Năm nay, những người được xét chọn giải thưởng là cán bộ quản lý, giáo viên đang công tác tại các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, GDTX, trường chuyên biệt và đơn vị trực thuộc trên địa bàn TP HCM. Thành tích được xét chọn tính đến học kỳ I năm học 2021-2022.
Cán bộ quản lý, giáo viên được xét chọn dựa trên các tiêu chí: có tâm huyết với nghề sư phạm, nhiều cống hiến cho ngành GD-ĐT, thời gian công tác trong ngành tối thiểu 15 năm (trường hợp đặc biệt phải có thuyết minh kèm theo), có uy tín trong tập thể sư phạm nhà trường, được đồng nghiệp tín nhiệm, phụ huynh và học sinh kính trọng, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm trong từng hội đồng phải trên 80%.
Bên cạnh đó, cán bộ, giáo viên được xét chọn phải đáp ứng tiêu chí am hiểu về nghề nghiệp, nắm bắt và thực hiện tốt các chủ trương, định hướng của ngành, nhận thức sâu sắc về vai trò của ngành GD&ĐT trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời có sáng kiến, giải pháp cụ thể nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn, chất lượng chuyên môn được duy trì và giữ vững qua từng năm.
Kết quả đánh giá trong 5 năm học gần nhất của ứng viên được xét chọn phải đạt "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ", tổ chức và thực hiện tốt, có hiệu quả hoạt động giảng dạy trên môi trường Internet, kết hợp với dạy học qua truyền hình và các phương thức phù hợp trong tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TPHCM biểu dương sự đóng góp của các thầy cô giáo cho sự nghiệp trồng người. Đồng thời cho rằng lãnh đạo TPHCM đặt trọn niềm tin, tự hào với đội ngũ thầy giáo, cô giáo năng động, sáng tạo, tích cực đổi mới, say mê và hết lòng vì sự nghiệp giáo dục.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cũng mong mỏi các thầy cô được tôn vinh hôm nay sẽ là những "đầu tàu" của toàn ngành giáo dục thành phố, tiếp tục lan tỏa lòng yêu nghề, mến trẻ, động viên, dẫn dắt những thầy cô giáo trẻ tiếp tục vững vàng với sự nghiệp trồng người.
Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cũng đề nghị: “Ngành giáo dục tiếp tục phối hợp đề xuất với lãnh đạo thành phố những chế độ, chính sách đãi ngộ xứng đáng để thầy cô có đời sống vật chất và tinh thần thoải mái, yên tâm công tác.
Người thầy phải hạnh phúc mới có thể đem đến cho học sinh những giờ học vui tươi, sinh động, hấp dẫn. Người thầy phải hạnh phúc mới có thể dạy cho các em hướng đến xây dựng một gia đình, một cộng đồng, một xã hội hạnh phúc"