TPHCM tìm giải pháp vượt bẫy thu nhập trung bình

GD&TĐ - TPHCM đặt mục tiêu vượt qua bẫy thu nhập trung bình trong 10 năm tới bằng cách tăng năng suất lao động và cải thiện hiệu quả đầu tư.

Công nhân làm việc tại một dự án xây dựng ở TP Thủ Đức, TPHCM, tháng 8/2024.
Công nhân làm việc tại một dự án xây dựng ở TP Thủ Đức, TPHCM, tháng 8/2024.

Các chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết phải tận dụng nguồn nhân lực trẻ và phát triển các ngành công nghệ cao để đạt được mục tiêu này.

Duy trì tăng trưởng 9%/năm

Tại Hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2026 - 2030 do UBND TPHCM tổ chức ngày 24/8, Chủ tịch UBND TPHCM - Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để đạt được mục tiêu này, TPHCM cần có những định lượng về mục tiêu, từ đó xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Dẫn ý kiến của các chuyên gia, ông Mãi cho rằng, Việt Nam chỉ còn 10 năm nữa để quyết định việc có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình hay không. Do đó, TPHCM cần tìm ra những điểm “nghẽn”, vấn đề then chốt để thay đổi.

“Thành phố cần kiên trì và quyết tâm vượt qua bẫy thu nhập trung bình trong giai đoạn này và góp phần cùng cả nước thoát bẫy thu nhập trung bình”, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.

Về định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2025 - 2030, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thành phố phải đạt tăng trưởng 9%/năm và phải tiến hành hàng loạt các nhiệm vụ, công việc. Để hoàn thành mục tiêu, thành phố phải có cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư và nâng cao năng lực hấp thụ vốn thông qua cải cách mạnh mẽ của bộ máy, đội ngũ.

TPHCM cũng cần tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, giá trị gia tăng cao; chọn trọng tâm, công việc, dự án cụ thể để tập trung thực hiện từ nay đến cuối nhiệm kỳ và cho nhiệm kỳ kế tiếp.

Chia sẻ tại hội thảo, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội (về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM) cũng cho rằng thành phố cần tận dụng nguồn nhân lực trẻ trước khi bước vào giai đoạn già hóa kinh tế.

TPHCM cần tận dụng cơ hội khi Việt Nam là một đất nước hòa bình trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất ổn.

“TPHCM có tiềm năng để phát triển các ngành công nghệ cao như phần mềm, chip bán dẫn... Đây sẽ là những ngành có khả năng tăng năng suất 30 - 40% mỗi năm, góp phần để thành phố chiếm vị trí quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu và đi đầu cả nước”, ông Lịch nói.

Ông Trần Du Lịch cũng cho rằng, TPHCM cũng cần tập trung chỉnh trang và phát triển đô thị. Trong đó, trọng tâm là triển khai xây dựng 183km đường sắt đô thị trong 10 năm 2026 - 2035. Thành phố cần tập trung xử lý toàn bộ nhà ở trên và ven kênh rạch, chỉnh trang các khu dân cư ở các con hẻm sâu thiếu an toàn và không gian sống.

Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM cho rằng, muốn vượt bẫy thu nhập trung bình thì phải tăng năng suất lao động, nhưng thực tế những năm gần đây, mức tăng trưởng năng suất lao động bình quân của TPHCM đang chậm lại và bước vào giai đoạn bão hòa.

“Việc chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các ngành với nhau không còn hiệu quả thậm chí làm kéo giảm năng suất lao động thành phố. Do đó, việc tăng năng suất lao động nên chú ý việc cải thiện năng suất trong chính từng ngành, không nên khuyến khích chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các ngành vì cơ cấu kinh tế thành phố đã đạt ngưỡng”, ông Hoàng nêu quan điểm.

TPHCM giai phap vuot bay thu nhap trung binh (2).JPG
TPHCM đặt mục tiêu vượt qua bẫy thu nhập trung bình trong 10 năm tới.

Đánh giá lại hiệu quả sử dụng vốn

Vốn đầu tư được xem là đòn bẩy tăng trưởng. Thực tế, thời gian qua dòng vốn đầu tư xã hội vào TPHCM đã giảm đáng kể, hiệu quả sử dụng vốn thấp. Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy TPHCM, tổng vốn đầu tư xã hội của thành phố giai đoạn 2011 - 2015 là 1,1 triệu tỷ đồng, bình quân mỗi năm đạt 238.000 tỷ đồng.

Đến giai đoạn 2016 - 2020, vốn đầu tư xã hội đạt 1,9 triệu tỷ đồng, tương đương 390.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, trong ba năm qua, nguồn vốn này chỉ đạt khoảng 335.000 tỷ đồng mỗi năm.

“Vốn đầu tư quyết định đến 40% tăng trưởng. Nếu vốn giảm nhưng GRDP vẫn tăng thì hiệu quả sử dụng vốn rất tốt. Nhưng vấn đề ở đây là giảm vốn nhưng tăng trưởng không bằng các năm thì phải xem xét lại tính hiệu quả”, ông Ngân nói.

Đồng tình với quan điểm này, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM - Nguyễn Khắc Hoàng cho rằng, hiệu quả sử dụng vốn của TPHCM còn khá thấp. Trong giai đoạn 2011 - 2015, để có 1 đồng giá trị thì cần 4,8 đồng vốn nhưng đến giai đoạn 2016 - 2019 cần tới 4,9 đồng, cho thấy hiệu quả sử dụng vốn không cải thiện.

“Cần đánh giá lại tính hiệu quả của vốn đầu tư vì đây là một trong những nguyên nhân kéo giảm thu nhập bình quân đầu người của thành phố”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Để giải bài toán về hiệu quả vốn đầu tư, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng thành phố cần tạo được thể chế, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, cộng với nguồn nhân lực chất lượng cao, chăm sóc y tế tốt, tình hình an ninh chính trị ổn định, trật tự xã hội an toàn.

Đặc biệt, TPHCM cần tập trung giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư kết cấu hạ tầng để làm bệ phóng phát triển kinh tế - xã hội.

Đóng góp ý kiến, ông Phạm Phú Trường, Phó Chủ tịch Công ty Tư vấn hội nhập toàn cầu dẫn số liệu khối doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp tại thành phố. Đây là nhóm tạo tới 60% lực lượng lao động và đóng góp hơn 23,34% GDP của TPHCM trong năm 2021. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thấp, là điểm nghẽn lớn trong phát triển kinh tế, xã hội của thành phố trong tương lai.

“Do đó, TPHCM cần xem xét đưa nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa thành một chủ thể quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới với chiến lược, kế hoạch triển khai cụ thể. Trong đó chú trọng đến chất lượng doanh nghiệp”, ông Trường đề xuất.

Theo “Báo cáo Kinh tế TPHCM: Phục hồi và Thách thức” - ấn phẩm nghiên cứu khoa học do Đại học Kinh tế TPHCM và Cục Thống kê TPHCM vừa phát hành, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (theo giá hiện hành) trong 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn TPHCM ước tính đạt 558.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, nếu cân nhắc thêm yếu tố lạm phát, con số 558.000 tỷ đồng không phải là cao so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm của các năm trong giai đoạn 2019 - 2021. Điều này cho thấy tiêu dùng trên địa bàn TPHCM vẫn đang phục hồi tương đối chậm so với xu hướng trước đại dịch Covid-19, phản ánh tâm lý tiết kiệm phòng ngừa của người dân khi đối mặt với môi trường kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều rủi ro và bất định. Hành vi tiêu dùng này thường xuất hiện khi người dân có những kỳ vọng bi quan về dòng thu nhập trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.