TPHCM: Sở GD&ĐT họp rút kinh nghiệm nhưng không kiểm điểm

GD&TĐ - Liên quan đến những thiếu sót tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2021 - 2022, sở GD&ĐT TPHCM đã họp rút kinh nghiệm và không kiểm điểm tổ chức, cá nhân.

Thí sinh TPHCM tham dự một kỳ thi. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh: Công Chương
Thí sinh TPHCM tham dự một kỳ thi. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh: Công Chương

3 đơn vị dự thi độc lập cùng thi tại một địa điểm

Theo đại diện Sở GD&ĐT TPHCM, Kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia THPT năm học 2021 - 2022 do Bộ GD&ĐT tổ chức. Để tạo thuận lợi cho các thí sinh dự thi, Hội đồng coi thi được thành lập tại từng địa phương. Hội đồng tại TPHCM có 3 đơn vị cùng tham gia thi tại một địa điểm gồm: Sở GD&ĐT TPHCM, Trường Phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia TPHCM và Trường Trung học Thực hành - Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Do vậy, Hội đồng thi TPHCM có 3 đơn vị dự thi độc lập cùng thi tại một địa điểm là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.

“Với trách nhiệm là đơn vị được phân công phụ trách một số khâu của quá trình tổ chức coi thi, Sở GD&ĐT TPHCM đã thực hiện đủ trách nhiệm theo quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Với trách nhiệm là đơn vị dự thi, sở cũng thực hiện đúng quy chế, hướng dẫn và được Cục Quản lý chất lượng duyệt cho từng bước trong các quy trình: Đăng ký, duyệt số lượng và cấp số báo danh dự thi. Sở GD&ĐT TP đã tổ chức họp rút kinh nghiệm vào ngày 25/5 và không tổ chức kiểm điểm tổ chức, cá nhân, do bộ phận tham mưu thực hiện đúng theo hướng dẫn tổ chức cuộc thi”. - Đại diện Sở GD&ĐT TPHCM 

Sở GD&ĐT TPHCM triển khai đầy đủ các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT trong công tác chuẩn bị và tổ chức thi. Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT đã thực hiện các khâu đăng ký, cấp số báo danh, sắp xếp phòng thi để các địa phương gửi dữ liệu và tổ chức thực hiện trên phần mềm do Cục Quản lý chất lượng quản lý.

Mỗi đơn vị dự thi được cấp một mã số riêng: Sở GD&ĐT TPHCM là 58, Trường Phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia TPHCM là 66, Trường Trung học Thực hành, Trường Đại học Sư phạm TPHCM là 70. Sở GD&ĐT TPHCM là đơn vị đại diện thực hiện khai báo dữ liệu cho cả 3 đơn vị trên phần mềm của Cục Quản lý chất lượng. Số báo danh của thí sinh được cấp theo cấu trúc: Mã đơn vị - Mã môn thi – Mã thứ tự.

Công tác coi thi do các cán bộ từ các địa phương khác được Bộ GD&ĐT phân công đến TPHCM thực hiện nhiệm vụ. Việc phân công cán bộ coi thi khác địa phương nhằm đảm bảo tính công bằng, khách quan cho kỳ thi. Hội đồng thi tại TPHCM được Bộ GD&ĐT phân công 3 đơn vị tham gia coi thi gồm: Sở GD&ĐT Vĩnh Long (Chủ tịch Hội đồng coi thi), Sở GD&ĐT Tiền Giang và Đại học Quốc gia Hà Nội.

Sở GD&ĐT TPHCM là đơn vị bố trí địa điểm và đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất cho Kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia THPT năm học 2021 - 2022.

Số lượng thí sinh vượt quá quy định

Liên quan các nội dung trong Thông báo số 528/BC-BGDĐT của Thanh tra Bộ GD&ĐT, vị cán bộ Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, việc tham mưu thành lập một số đội tuyển dự thi của sở có số lượng vượt quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 16 Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia.

“Căn cứ Điều 16, Chương 2 của Thông tư 22 về ban hành Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, theo đó số lượng các đội tuyển một số môn thi của TPHCM và Trường Phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia TPHCM vượt 6 thí sinh do 2 năm liên tiếp môn đó có kết quả trên 80% thí sinh đoạt giải.

Do vậy, Sở GD&ĐT và Trường Phổ thông Năng khiếu đã gửi các văn bản đến Cục Quản lý chất lượng để có ý kiến xác định số lượng tăng thêm thí sinh và được cho phép (Công văn số 1177/QLCL-QLT ngày 14/10/2019 đồng ý tăng số lượng đội tuyển dự thi kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia của Sở GD&ĐT TPHCM: Môn Toán lên 8 thí sinh, môn Tin học lên 10 thí sinh từ kỳ thi năm 2020 và các văn bản đồng ý tăng trước đây).

Các đơn vị thực hiện công tác tuyển chọn và thành lập số lượng dự thi ở đội tuyển cử đi dự thi. Danh sách và số lượng đội tuyển được Cục Quản lý chất lượng rà soát điều kiện và cấp số báo danh dự thi cho các thí sinh” - cán bộ Sở GD&ĐT TPHCM thông tin.

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM - địa điểm diễn ra Kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia THPT năm học 2021 - 2022 của Hội đồng thi TPHCM. Ảnh chỉ mang tính minh họa.
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM - địa điểm diễn ra Kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia THPT năm học 2021 - 2022 của Hội đồng thi TPHCM. Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Xếp số báo danh không đúng quy định

Liên quan việc tham mưu xếp số báo danh không đúng quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 25 Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, đại diện Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng: Sở là đơn vị đại diện nhập dữ liệu thí sinh cho 3 đơn vị dự thi trên phần mềm do Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT triển khai. Quá trình nhập dữ liệu được sự hướng dẫn, giám sát, kiểm tra của Cục Quản lý chất lượng. Ba đơn vị dự thi tại TPHCM được cấp 3 mã đơn vị độc lập, đăng ký theo 3 danh sách riêng, thực hiện các báo cáo giải trình và được công bố kết quả thi riêng.

Do mã số của các đơn vị khác nhau nên trên phần mềm do Cục Quản lý chất lượng triển khai sắp xếp theo thứ tự A, B, C... của tất cả thí sinh dự thi ở mỗi môn thi theo từng đơn vị dự thi (theo danh sách đăng ký dự thi). Phần mềm của Cục Quản lý chất lượng không phối trộn danh sách cả 3 đơn vị trong cùng một môn thi rồi mới xếp thứ tự A, B, C... Danh sách thí sinh dự thi các bộ môn được xuất ra từ phần mềm đều là danh sách độc lập của 3 đơn vị dự thi tại Hội đồng thi.

Tuy nhiên để thuận lợi cho công tác coi thí, bố trí giám thị coi thi, Sở GD&ĐT TPHCM xin đăng ký số phòng thi: Toán: 1, Vật lý: 1, Hóa học: 1, Sinh học: 1, Tin học: 2, Ngữ văn: 1, Lịch sử: 1, Địa lý: 1, Tiếng Anh: 3, Tiếng Pháp: 1, Tiếng Trung: 1 (Riêng môn Ngoại ngữ và Tin học vẫn thực hiện riêng từng phòng thi cho từng đơn vị dự thi độc lập). 

Bố trí phòng thi không đúng quy định

Liên quan việc tham mưu bố trí phòng thi của từng đội tuyển Tiếng Anh, Tin học không đúng quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 25 Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, vị cán bộ này cho biết: Đối với môn Tiếng Anh, tổng số thí sinh dự thi của ba đơn vị là 26 và phân chia thành 3 phòng thi vì môn Ngoại ngữ có phần thi Viết và Nói. Danh sách phòng thi Viết và Nói phải trùng nhau (theo danh sách từng đơn vị), phải đảm bảo thời gian thi Nói kết thúc cùng lúc với các hội đồng trên toàn quốc, do đó Hội đồng coi thi thực hiện chia thành 3 phòng với số lượng là 10, 10 và 6 cho 3 đơn vị tương ứng. Thời lượng phần thi Nói của mỗi thí sinh là 20 phút (không tính đến các sự cố bất thường có thể xảy ra).

Đối với môn Tin học, giám thị phải thực hiện việc in bài và sao chép bài thi của thí sinh lên đĩa CD, nếu phòng thi có số lượng 20 thí sinh thì công tác thu bài, in bài và sao chép bài thi lên đĩa CD gặp khó khăn và mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ làm việc của cả Hội đồng. Do đó, Hội đồng coi thi phân chia thành 2 phòng Tin học, mỗi phòng 10 thí sinh. Theo đó, Hội đồng thi TPHCM có 3 đơn vị dự thi thì cách sắp xếp trên phù hợp với quy định.

Ngày 23/5, Văn phòng UBND TPHCM có văn bản khẩn truyền đạt ý kiến chỉ đạo  của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đề nghị Sở GD&ĐT TPHCM kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân (nếu có) liên quan đến những hạn chế, thiếu sót theo kết quả kiểm tra tại Thông báo của Bộ GD&ĐT; xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ thuộc quyền quản lý theo quy định. Đối với những trường hợp vượt quá thẩm quyền, Sở GD&ĐT TPHCM báo cáo UBND TPHCM xem xét, quyết định hình thức xử lý. Ngoài ra, sở này cũng được yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị của Bộ GD&ĐT gửi về UBND TPHCM và Bộ GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ