8.500 tỷ đồng hàng bình ổn thị trường
Theo Sở Công Thương TPHCM, trong 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố ước đạt hơn 1,08 triệu tỷ đồng; tăng 9,2% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt hơn 634.636 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 58,7% và tăng 11,2% so với cùng kỳ.
Hiện, Sở Công Thương TPHCM đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, ngay từ đầu năm, thành phố đã xây dựng kế hoạch và giao Sở này chủ trì, triển khai thực hiện.
Có 45 doanh nghiệp tham gia cung ứng, phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, có nhiều hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh, Central Retail, MM Mega Market…; các doanh nghiệp sản xuất như Vissan, C.P Việt Nam, Sagri (thịt gia súc), Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt (trứng gia cầm)…
Về nguồn vốn chuẩn bị phục vụ 2 tháng Tết Giáp Thìn, doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó, hơn 8.500 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn. Các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25% - 43%.
Chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết. Khoảng 2 ngày cận Tết, các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm... sẽ giảm giá sâu.
Các doanh nghiệp sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ.
Về hệ thống chợ, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, tại 3 chợ đầu mối và 221 chợ truyền thống, vào thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000 - 15.000 tấn/ngày.
Để chuẩn bị Tết, Sở Công Thương phối hợp UBND quận, huyện, TP Thủ Đức triển khai các giải pháp đảm bảo hoạt động kinh doanh tại chợ thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá, hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm…
Trên địa bàn thành phố có 48 trung tâm thương mại, 267 siêu thị và hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động.
Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố đã ký kết hợp đồng thu mua với nhà cung cấp, chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết.
Những ngày cận Tết, các đơn vị này sẵn sàng phương án tăng lượng hàng gấp 2 - 3 lần so với ngày thường; có phương án kéo giãn thời gian hoạt động để đảm bảo nhu cầu tăng đột biến của người tiêu dùng.
Riêng mặt hàng gạo, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM thông tin, thời gian qua giá lương thực thế giới đã tăng mạnh, trong đó giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng khoảng 40%. Để tăng nguồn lực bình ổn thị trường gạo, Sở Công Thương đã vận động, mời gọi thêm nhiều doanh nghiệp tham gia, đồng hành tham gia bình ổn thị trường.
Khách hàng mua sắm tại hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh, TPHCM. (Ảnh: TGDĐ) |
Khuyến mãi mạnh, giảm giá sâu
Nhằm thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá cả thị trường trong giai đoạn cao điểm cuối năm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong 3 tháng trước, trong và sau Tết, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) triển khai công tác dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu ngay từ giữa năm 2023.
Tổng giá trị nguồn hàng thiết yếu phục vụ Tết của Saigon Co.op là 10.000 tỷ đồng, tăng từ 20 - 50% tùy theo nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường. Phần lớn ngân sách ưu tiên cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường gồm: Gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản… còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành hoạt động Co.opmart kiêm Giám đốc Marketing Saigon Co.op dự báo, người dân bắt đầu mua sắm trong khoảng từ 3 - 4 tuần trước Tết Nguyên đán.
Saigon Co.op kỳ vọng sức mua và lượt khách tăng khoảng 20 - 30% so với tháng kinh doanh bình thường, tăng 50% so với ngày thường. “Sức mua sẽ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết, bánh mứt kẹo, bánh chưng bánh tét, giò chả, dưa hành củ kiệu, trái cây trưng bày mâm ngũ quả…, các mặt hàng đồ dùng, may mặc dự đoán tăng nhẹ”.
Saigon Co.op đảm bảo phương án vận chuyển thông suốt, kịp thời thông qua hệ thống trung tâm phân phối, kho vệ tinh. Để đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm các mặt hàng phục vụ Tết, Saigon Co.op tăng cường tần suất kiểm tra hàng hóa kinh doanh tại hệ thống lên gấp 2 - 3 lần so với ngày thường.
Các mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là nhóm hàng phục vụ Tết như bánh mứt kẹo, giò chả, rau củ quả, trái cây… được kiểm tra chất lượng ngay tại trung tâm phân phối và test nhanh trước khi lên quầy kệ tại siêu thị.
Nói về chương trình khuyến mãi, kích cầu mua sắm, ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, hệ thống này giảm giá trực tiếp từ 50 - 100% cho hơn 10.000 sản phẩm Tết.
Trong 10 ngày cận Tết, các siêu thị tiếp tục giảm giá sâu, tung ra các chương trình khuyến mãi tặng quà, tặng điểm thưởng mức cao, tặng phiếu quà tặng... Đặc biệt, Saigon Co.op dành nhiều ưu đãi cho người lao động có thu nhập thấp, ưu tiên mua hàng giảm giá; tổ chức siêu thị 0 đồng và hơn 200 chuyến bán hàng lưu động đến các khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa.
Về công tác quản lý an toàn thực phẩm, ông Lê Minh Hải, Phó Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, Ban Chỉ đạo liên ngành TPHCM đã ban hành kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết. Ban sẽ lập 11 đoàn kiểm tra để triển khai 2 nội dung: Truyền thông từ người tiêu dùng đến người sản xuất kinh doanh và cơ quan quản lý Nhà nước về việc đảm bảo an toàn thực phẩm; kiểm tra hàng hóa trên địa bàn, tập trung kiểm tra giám sát chặt chẽ tại 3 chợ đầu mối. Ban sẽ phối hợp với cơ quan quản lý thị trường để kiểm tra, ngăn chặn hàng gian, hàng giả; các sản phẩm thực phẩm đưa ra thị trường phải được kiểm tra giám sát, đảm bảo an toàn thực phẩm.