Nhà trường chủ động
Từ giữa tháng 8, cơ sở vật chất Trường Tiểu học Thạnh An, xã Thạnh An (huyện Cần Giờ) đã sạch sẽ, khang trang, sẵn sàng cho năm học mới. Các thầy cô đều bày tỏ tâm trạng hân hoan, phấn khởi vì sắp được đón học trò trở lại trường. Thầy Lê Hữu Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An, cho biết, nhà trường đã huy động các thầy cô dọn dẹp 100% phòng học, bảo dưỡng trang thiết bị dạy học từ đầu tháng 8. Ngày 22/8, trường sẽ đón học sinh quay trở lại. Dự kiến, năm nay, toàn trường có hơn 300 học sinh, trong đó có 54 học sinh khối lớp 1.
“Ngoài địa điểm tại trung tâm xã, Trường Tiểu học Thạnh An có một điểm tại ấp đảo Thiềng Liềng (xã Thạnh An). Cơ sở vật chất trường lớp tại cả 2 địa điểm hiện đang sử dụng rất tốt. Năm nay, nhà trường không phải tu bổ, chỉnh sửa lại trường lớp, mà chỉ bổ sung những thiết bị theo Chương trình GDPT 2018. Cũng như trước đây, năm học mới này, 100% học sinh toàn trường được học 2 buổi/ngày”, thầy Bình chia sẻ.
Tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Gò Vấp) cùng với chuẩn bị về cơ sở vật chất, để năm học mới diễn ra thuận lợi, Ban giám hiệu nhà trường còn chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Các thầy cô trong trường đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, trao đổi, thảo luận Chương trình, sách giáo khoa mới. Theo chia sẻ của cô Nghiêm Thị Hồng Nhung, Phó Hiệu trưởng nhà trường, công tác chuẩn bị cho ngày tựu trường cơ bản đã sẵn sàng. Toàn bộ trường lớp học đều được dọn dẹp sạch sẽ, tạo cảnh quan khang trang cho học sinh trở lại sau thời gian nghỉ hè.
“Năm nay, nhà trường đã xây dựng và hoàn thiện thêm 1 dãy nhà mới gồm 11 phòng đưa vào sử dụng, qua đó góp phần giảm áp lực sĩ số trước thực trạng học sinh đầu cấp ngày một tăng. Tuy vậy, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày vẫn chưa đạt mức tuyệt đối. Năm học 2022 - 2023, trường có trên 90% học sinh học 2 buổi/ngày”, cô Nhung cho hay.
Cũng theo chia sẻ của cô Nhung, chuẩn bị cho năm học mới, nhà trường đã chủ động sửa chữa nhỏ một số hạng mục như: Nhà vệ sinh, sơn sửa trang trí lại các bức tường, thay hệ thống đèn điện trong phòng, lớp… Đặc biệt, ngoài chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhà trường chủ động vận động các nhà hảo tâm để có thêm phần quà hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn dịp năm học mới.
Nhờ xây mới thêm phòng học, nhiều cơ sở giảm tải áp lực trường, lớp. |
Đảm bảo các điều kiện dạy học
Trong những ngày vừa qua, ngành Giáo dục TPHCM đã và đang tích cực chuẩn bị các điều kiện như bổ sung cơ sở vật chất, kiện toàn đội ngũ giáo viên… Nhiều trường học sau khi học sinh nghỉ hè bắt tay vào việc chỉnh trang khuôn viên, sửa chữa, khắc phục và xử lý các hạng mục xuống cấp, gây mất an toàn; mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập.
Ngoài ra, trong dịp hè, ngành GD-ĐT TPHCM đã tổ chức nhiều đợt tập huấn sách giáo khoa và Chương trình GDPT 2018, bồi dưỡng giáo viên theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, đảm bảo giáo viên có đầy đủ năng lực tổ chức dạy học.
Theo chia sẻ của ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM, năm học 2022 - 2023, toàn TP tăng thêm 21.825 học sinh, tập trung nhiều ở 2 cấp THCS và THPT. Riêng cấp tiểu học, số lượng học sinh tăng nhiều ở địa phương như: TP Thủ Đức, Quận 12, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Hóc Môn… do đây là các khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, tình trạng tăng dân số cơ học cao. Trước thực tế sĩ số học sinh tăng theo từng năm, thời gian qua TPHCM luôn chú trọng, quan tâm đến việc xây mới, bổ sung các trường, lớp học.
“Năm học 2022 - 2023, TPHCM đưa vào sử dụng 35 dự án với 575 phòng học, tổng mức đầu tư 1.532 tỷ đồng. Đối với công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và đồ dùng dạy học, Sở GD&ĐT TPHCM đã hướng dẫn quận, huyện và TP Thủ Đức xây dựng kế hoạch đầu tư, mua sắm.
Đồng thời, Sở yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát thực trạng thiết bị dạy học hiện có để lập kế hoạch sửa chữa, thay thế, nâng cấp, mua sắm bổ sung những thiết bị cần thiết, đáp ứng yêu cầu tối thiểu phục vụ dạy và học trong năm học mới”, ông Minh cho hay.
Cũng theo chia sẻ của ông Minh, đến nay, cơ bản các trường đã có trang thiết bị theo quy định phục vụ dạy học ở các khối 1, 2, 3, 6, 7, 10 và tiếp tục đầu tư theo lộ trình. Đặc biệt, sau 2 năm học chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, để giúp học sinh nhanh chóng bắt nhịp với yêu cầu về chuẩn kỹ năng và kiến thức, các phòng chuyên môn đã chỉ đạo cơ sở giáo dục vừa triển khai hoạt động dạy học vừa củng cố, ôn luyện kiến thức cho học sinh.
“Đầu năm học 2022 - 2023, giáo viên các cơ sở giáo dục khi nhận lớp phải nhanh chóng nắm bắt năng lực học sinh, đánh giá nhanh và xây dựng kế hoạch phù hợp với từng nhóm, từ đó đưa ra giải pháp dạy học phù hợp để mang lại hiệu quả tốt nhất”, ông Minh nhấn mạnh.
Nhiều năm trở lại đây các trường tiểu học và THCS tại TPHCM đối mặt với tình trạng thiếu nguồn tuyển giáo viên Tiếng Anh và Tin học. Từ năm học 2022 - 2023, Tiếng Anh và Tin học trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3, nhu cầu giáo viên càng nhiều hơn. Từ thực tế đó, Sở GD&ĐT TPHCM đã phối hợp với Trường ĐH Sài Gòn và ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức các khóa đào tạo giáo viên, kết hợp đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để có thêm nguồn. Tuy nhiên, sớm nhất cũng phải 2 năm nữa, lứa sinh viên này mới ra trường, dần dần mới có thể ổn định nguồn tuyển.