TPHCM: Nỗ lực phân luồng học sinh

GD&TĐ - Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ ôn tập, các trường THCS trên địa bàn TPHCM còn tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.

Trường THCS An Lạc tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho phụ huynh và học sinh khối 9.
Trường THCS An Lạc tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho phụ huynh và học sinh khối 9.

Từ kết quả học tập, cũng như điều kiện gia đình đã giúp nhiều em chọn lựa được những hướng đi phù hợp. 

Triển khai mạnh mẽ

Năm học 2021-2022, tổng số học sinh xét tốt nghiệp của TPHCM là 108.291 em. Đợt tuyển sinh lớp 10 năm nay toàn thành phố có 86.192 thí sinh đăng ký thi vào lớp 10 thường, 6.484 thí sinh dự thi lớp 10 chuyên và 1.305 thí sinh dự thi lớp 10 tích hợp.

Trong khi đó năm học 2022-2023 các trường THPT công lập công bố tuyển sinh 72.784 chỉ tiêu. Theo Sở GD&ĐT TPHCM, có khoảng 10 nghìn học sinh lớp 9 không đăng ký thi vào lớp 10 mà lựa chọn nhiều con đường khác như học tại các trường THPT tư thục, trường nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc du học ở nước ngoài.

Như vậy, năm học 2022-2023, 70% học sinh TPHCM sau tốt nghiệp THCS theo học các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố thông qua kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vào ngày 11 và 12/6 tới.

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: “Công tác phân luồng hướng nghiệp học sinh sau THCS đã và đang được TPHCM triển khai rất mạnh mẽ. Với những học sinh năng lực học không đảm bảo hoặc các em thực sự có mong muốn, nguyện vọng theo học nghề thì nên mạnh dạn rẽ sang các hướng khác. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 không phải là con đường duy nhất sau THCS”.

Để làm tốt công tác phân luồng, các trường THCS trên địa bàn TPHCM đã thực hiện nhiều chương trình, hoạt động tư vấn trực tiếp cho học sinh hay gián tiếp thông qua tờ rơi, website, áp dụng phần mềm tư vấn hướng nghiệp… Đặc biệt, hằng năm, dựa trên kết quả học tập qua kiểm tra học kỳ I của  học sinh khối 9, các trường THCS tổ chức họp phụ huynh, lồng ghép tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng tại các cơ sở giáo dục phổ thông.

Tại Trường THCS Gò Vấp (quận Gò Vấp), năm học 2021-2022 có 303 học sinh tốt nghiệp lớp 9, trong đó có 30 em không đăng kí thi tuyển vào lớp 10 mà chọn các trường nghề và trường THPT ngoài công lập. Các hoạt động tư vấn hướng nghiệp do nhà trường tổ chức đã giúp học sinh và phụ huynh biết được những ưu điểm của từng trường, từ đó, nhìn nhận khả năng của bản thân để đăng ký phù hợp với năng lực của mình.

Tương tự, năm học này, Trường THCS An Lạc (quận Bình Tân) có 353 học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó 32 em không tham gia vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Theo chia sẻ của thầy Phùng Minh Vương, Hiệu trưởng nhà trường, số liệu các em không thi vào lớp mới mà lựa chọn các trường nghề mới chỉ là thống kê ban đầu. Sau khi có kết quả tuyển sinh lớp 10, những học sinh không trúng tuyển vào các trường THPT công lập, giáo viên chủ nhiệm tiếp tục tư vấn hướng nghiệp các em vào các trường Cao đẳng nghề, trường THPT tư thục, Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp-Giáo dục Thường xuyên.

Thầy Vương cũng cho biết, trong học kỳ II của năm học 2021-2022, nhà trường đã chủ động mời các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề, trường THPT tư thục,… trên địa bàn quận Bình Tân và các quận huyện lân cận để phối hợp thực hiện tư vấn hướng nghiệp cho học sinh như: Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TPHCM, Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM, Trường THPT Ngô Thời Nhiệm, Trường THPT Phú Lâm, Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật TPHCM,…

Sau khi tốt nghiệp THCS, nhiều học sinh đã lựa chọn vào các trường Cao đẳng, Trung cấp nghề.

Sau khi tốt nghiệp THCS, nhiều học sinh đã lựa chọn vào các trường Cao đẳng, Trung cấp nghề.

Giúp học sinh lựa chọn hướng đi phù hợp

Theo chia sẻ của ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân, việc đẩy mạnh tuyên truyền hướng nghiệp đến học sinh tốt nghiệp THCS và cả phụ huynh để xác định rõ con đường học tập phù hợp năng lực của con em mình và điều kiện gia đình là rất cần thiết.

Vì vậy thời gian qua phòng GD&ĐT quận Bình Tân đã giới thiệu nhiều trường Trung cấp, Cao đẳng nghề, doanh nghiệp,...trên địa bàn quận và các quận, huyện lân cận phối hợp các trường THCS thực hiện tham quan và hướng nghiệp cho học sinh.

“Năm học 2021-2022, quận Bình Tân có 7.206 học sinh tốt nghiệp THCS. Trong só có 6.535 em đăng ký tuyển sinh vào lớp 10, số học sinh còn lại đăng ký học tại các trường THPT tư thục, trường nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên. Thông qua các buổi tư vấn hướng nghiệp của các trường THCS trên địa bàn quận, học sinh đã nhìn rõ năng lực học tập của bản thân để có những hướng đi phù hợp sau tốt nghiệp.

Nhiều em lựa chọn vào các trường trung cấp, cao đẳng nghề. Bởi, hiện tại, các trường này đào tạo đa dạng ngành nghề, quá trình đào tạo gắn liền với thực tiễn, tiệm cận với nhu cầu của thị trường lao động”, ông Tuyên cho hay.

Thầy Phùng Minh Vương, Hiệu trưởng Trường THCS An Lạc chia sẻ: “Thầy cô trong trường luôn mong những em có năng lực học tập phù hợp sẽ đạt được nguyện vọng là tiếp tục theo học ở một trường THPT công lập. Nhưng cũng có trường hợp, các em say mê với một số nghề như sửa chữa điện, công nghệ thông tin,... song rất vất vả khi học các môn văn hóa ở trường.

Những trường hợp này giáo viên gợi mở với phụ huynh tìm hiểu, đăng ký cho học sinh theo học ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi học xong lớp 9”, thầy Vương chia sẻ.

Cô Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng Trường THCS Gò Vấp khẳng định: “Từ sự tư vấn của thầy cô giáo đến từ phòng tuyển sinh của các trường Cao đẳng, Trung cấp nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên và giáo viên chủ nhiệm trong trường đã giúp phụ huynh và học sinh cân nhắc, lựa chọn hướng đi phù hợp sau tốt nghiệp THCS”.

Tăng Gia Thúy lớp 9 Trường THCS An Lạc đã đăng ký vào học tại Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên quận Bình Tân chia sẻ: "Nhiều bạn suy nghĩ, vào học Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên là vì bản thân không đủ năng lực theo học tại các trường THPT công lập. Nhưng emchọn vào học tại đây vì có nhiều thời gian để đầu tư cho các hoạt động xã hội, được học thêm nghề và không bị dàn trải quá nhiều bộ môn".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.