TPHCM: Kiến nghị mạnh tay xử lý lãng phí đất công

0:00 / 0:00
0:00

Từ thực trạng lãng phí đất công, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) có văn bản gửi đến Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư Đảng góp ý kiến về việc phát huy đầy đủ nguồn lực đất đai trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Khu đất tại địa chỉ 353 An Dương Vương nằm ngay mặt tiền nhưng đang được cho thuê với giá rẻ bèo.
Khu đất tại địa chỉ 353 An Dương Vương nằm ngay mặt tiền nhưng đang được cho thuê với giá rẻ bèo.

Ôm đất rồi để hoang

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nguồn lực đất đai thời gian qua chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Nguyên nhân là do cơ chế chính sách vẫn còn một số “bất cập”, quy hoạch không sát với thực tiễn, không vì sự nghiệp phát triển chung của một số cơ quan, đơn vị đang giữ đất.

Một trong những điển hình ôm và giữ đất nhưng không khai thác là trường hợp của Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM (có khu đất với diện tích 10.887m2).

Được biết, năm 1983, UBND TPHCM cấp phép cho đơn vị nghiên cứu SK5 (thuộc Bộ Y tế) khu đất có diện tích 10.887m2 ở địa chỉ 75/4 Phan Văn Hớn để trồng, nghiên cứu dược liệu quý, thời hạn cấp phép 10 năm.

Trong quyết định nêu rõ, sau 12 tháng nếu không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích sẽ thu hồi giấy phép. Sau đó, đơn vị nghiên cứu SK5 lần lượt đổi tên thành Trung tâm Sâm Việt Nam, Liên hiệp Khoa học sản xuất sâm và dược liệu, và nay là Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM.

Theo hồ sơ, quá trình sử dụng khu đất trên được sở chuyên ngành và chính quyền địa phương đánh giá không hiệu quả, bỏ hoang, thậm chí cho doanh nghiệp thuê lại.

Tháng 5/1999, Sở Địa chính - Nhà đất TPHCM (nay là Sở Tài nguyên - Môi trường), có Tờ trình 7210 đánh giá Trung tâm Sâm và Dược liệu không còn sử dụng đúng mục đích ban đầu, nhà đất bị bỏ hoang, sử dụng không hiệu quả, vi phạm quy định Luật Đất đai. Đến ngày 1/3/2002, UBND TPHCM ban hành quyết định thu hồi khu đất trên và tạm giao cho UBND Quận 12 xây dựng trường học.

Tuy vậy, Công văn 207/VDL ngày 14/6/2011 của Viện Dược liệu Trung ương về việc xác định chi phí đầu tư thực tế gửi Bộ Y tế, Viện Dược liệu kiến nghị Bộ Y tế có văn bản đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo các ban ngành không tiến hành các động thái liên quan đến vườn cây.

Trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài chính, ngày 23/6/2014, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ giao Bộ Y tế làm việc với UBND TPHCM để bố trí vị trí đất mới phù hợp với công tác duy trì, phát triển vườn dược liệu và thực hiện lộ trình di dời, bàn giao cơ sở nhà đất nêu trên cho TPHCM xây dựng trường học theo quy hoạch.

Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, dù các cơ quan chức năng TPHCM đã chủ động tìm các khu đất phù hợp để hoán đổi, song đến nay lãnh đạo UBND Quận 12 vẫn chưa biết khi nào mới có thể thực hiện quyết định thu hồi khu đất, trong khi nhu cầu mở rộng trường học rất cấp thiết.

Cũng lãng phí tương tự là khu đất diện tích 3.600m2 mặt tiền đường Trần Khắc Chân (thị trấn Hóc Môn), ngay trung tâm hành chính huyện Hóc Môn được TP giao Công ty CP Lương thực TPHCM theo hợp đồng thuê đất năm 2014 để làm chi nhánh và kho thực phẩm.

Thế nhưng, đơn vị thuê đất công đã xây thêm 8 ki-ốt với mỗi ki-ốt khoảng 30m2, diện tích còn lại thì cho thuê làm kho và bãi đậu xe tải.

Tương tự là khu đất diện tích hàng nghìn mét vuông của Công ty Phân bón miền Nam quản lý trên đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân). Theo giấy tờ đăng ký thì đây là khu đất làm cơ sở sản xuất, trụ sở làm việc nhưng thực tế hiện là bãi giữ xe của tư nhân.

Báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất TPHCM trong năm 2020 cho thấy rõ thực trạng ôm đất bỏ hoang của không ít doanh nghiệp, khi qua khảo sát hiện trạng của 987/1.176 khu đất do các tổng công ty, công ty vốn Nhà nước đang quản lý có đến 178 khu đất sử dụng sai mục đích như hợp tác kinh doanh, cho thuê, bố trí nhà ở và có 98 khu đất bỏ trống.

Cần có giải pháp mạnh tay hơn

Theo số liệu tổng hợp sơ bộ của Bộ Tài chính, giai đoạn 2016 - 2021 vẫn còn hơn 650 triệu m2 đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, có vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, số tiền xử phạt vi phạm thu được lại rất nhỏ khi cả giai đoạn chỉ có hơn 242 tỉ đồng.

Tính từ 2018 đến nay đã thu hồi hoặc hủy bỏ 336/575 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng với tổng diện tích hơn 99 nghìn ha; 22 tỉnh, thành phố có dự án thu hồi hoặc hủy bỏ.

Ngoài ra, các địa phương đã triển khai thu hồi quỹ đất đã giao, cho doanh nghiệp thuê nhưng bị giải thể, phá sản, không được gia hạn, do ô nhiễm môi trường cần di dời, chấm dứt hoạt động đầu tư, do thiên tai, người sử dụng tự nguyện trả lại để hạn chế về thất thoát, lãng phí đất đai với tổng diện tích hàng chục nghìn ha.

Riêng tại TPHCM, thống kê của Sở TN&MT TP cho biết; TP hiện còn khoảng 547 dự án “treo”, với tổng diện tích hơn 20.000 ha, trong đó không ít dự án đã “treo” nhiều thập kỷ như “siêu dự án” Bình Quới – Thanh Ða; dự án Công viên Sài Gòn Safari (H.Củ Chi) rộng 485 ha, với hơn 700 hộ dân bị ảnh hưởng “treo” từ năm 2004; dự án Khu đô thị Sing – Việt (H.Bình Chánh) rộng 331 ha, với 571 hộ dân bị ảnh hưởng, di dời “treo” từ năm 1997 đến nay; dự án Khu đô thị Tây Bắc rộng hơn 900 ha “treo” gần 20 năm, Khu đô thị Nam TP đến nay sau 30 năm cũng mới triển khai được một phần nhỏ…

“Siêu dự án treo” phải kể đến Khu đô thị mới Nam TP (gọi tắt là khu Nam) được Chính phủ phê duyệt quy hoạch năm 1994 có diện tích 2.975 ha trải dài trên địa bàn Quận 7, Quận 8 và huyện Bình Chánh được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, khoa học, công nghiệp sạch, văn hóa giáo dục, nghỉ ngơi, giải trí cho khoảng 500.000 người tuy nhiên đến giờ các dự án vẫn nằm im bất động.

Nhìn nhận thực trạng trên, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA - cho biết: Rất nhiều nhà đất công sản được giao cho các tổ chức thuê đất 50 năm. Tuy vậy, đơn vị lại bỏ không không khai thác hoặc cho đơn vị khác thuê đất này lại hợp tác với doanh nghiệp phát triển dự án… tất nhiên phần lớn lợi nhuận thu được rơi vào “túi” tư nhân khiến ngân sách Nhà nước không thu được tương xứng.

Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, quỹ đất để phát triển hạ tầng phúc lợi thì ngày càng eo hẹp, trong khi diện tích đất để hoang hóa lại lên đến hàng triệu mét vuông. Điều này đang cho thấy những bất cập rất lớn trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị, trực tiếp bóp nghẹt nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

“Luật Đất đai, Luật Đầu tư đều có quy định thời hạn thực hiện dự án, quá thời hạn, chậm tiến độ sẽ bị thu hồi. Tuy nhiên, cần thống nhất và đồng bộ các quy định pháp luật về thời hạn thu hồi đất đối với các dự án chậm triển khai, không triển khai hay triển khai sai quy hoạch.

Khi luật được thống nhất, cơ quan quản lý mới dễ dàng thực hiện các bước tiếp theo trong công tác thu hồi. Bên cạnh đó là việc giải quyết các dự án “treo” thì bài toán hậu thu hồi dự án và tính nghiêm minh trong thực thi của các cơ quan quản lý” - Luật sư Lê Bá Thường nói.

Để giải quyết vấn đề trên, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - yêu cầu: Trung tâm Phát triển quỹ đất TPHCM phải xây dựng phương án xử lý cho từng nhóm khu đất và nhu cầu vốn để đấu giá. Ðối với những mặt bằng dễ thực hiện thì lên kế hoạch đấu giá trước, những mặt bằng khó đấu giá ngay thì cho thuê 5 - 10 năm kèm theo cam kết bàn giao mặt bằng khi tổ chức đấu giá.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ