Tham dự cùng với Thủ tướng Phạm Minh Chính còn có các Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Lê Minh Khái, Lê Văn Thành.
Báo cáo với Thủ tướng và đoàn công tác, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết nhờ chủ động và quyết liệt trong công tác phòng chống dịch Covid-19 nên đến thời điểm này TP vẫn kiểm soát được dịch Covid -19, trên cơ sở đó tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chủ động phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội đạt.
“Kinh tế xã hội của TP đã đạt nhiều kết quả tích cực. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu 4 tháng đầu năm 2021 đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, tổng thu ngân sách 140.000 tỉ đồng, đạt 38,4% dự toán”- ông Phong nói.
Tuy đã đạt được nhiều thành tựu về tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm 2021 nhưng theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong vẫn còn nhiều vướng mắc và điểm nghẽn cần được Chính phủ, Thủ tướng cùng các bộ, ngành tháo gỡ để mục tiêu phát triển kinh tế của TP được tốt hơn.
Vì vậy, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét tháo gỡ 4 nhóm vấn đề cho TP gồm:
Thứ nhất, cho phép TP giữ lại tỉ lệ điều tiết ngân sách là 23% thay vì 18% như trong chu kỳ ngân sách 2017 - 2021. Chủ tịch UBND TP cho biết, hiện TP đã xây dựng đề án điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP giai đoạn 2022 - 2025, qua đó đề xuất phương án tỉ lệ điều tiết là 23% (bằng mức giai đoạn 2011 - 2016). Chủ tịch UBND TP mong Chính phủ chấp thuận thông qua đề án trong năm 2021 để TP có nguồn lực phát triển nhanh và bền vững.
Thứ 2, về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, TP kiến nghị Thủ tướng chấp thuận thông báo điều chỉnh lại mức vốn dự kiến đầu tư công kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ các nguồn vốn đầu tư TP có thể huy động được theo đúng khả năng cân đối và nhu cầu của TP là 261.967 tỉ đồng, trong đó đối với vốn đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương, trung ương bố trí đủ kế hoạch trung hạn cho các dự án sử dụng vốn ODA vay lại là 43.391 tỉ đồng.
Đối với vốn ngân sách TP, qua rà soát, tự cân đối, ông Phong cho biết TPHCM có thể bố trí vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 218.576 tỉ đồng, cao hơn 90.892 tỉ đồng so với kế hoạch dự kiến của Trung ương giao. Trên cơ sở đó, TP kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thông báo điều chỉnh lại mức vốn dự kiến đầu tư công kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ các nguồn vốn đầu tư TP có thể huy động được theo đúng khả năng cân đối và nhu cầu là 261.967 tỉ đồng.
Thứ 3, về quản lý tài sản của các doanh nghiệp nhà nước, các công ty liên doanh có giá trị lịch sử, kiến trúc, vị trí đảm bảo quốc phòng - an ninh theo Quyết định số 26/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ 2 phương án Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV (Saigontourist).
Phương án 1 là chấp thuận chủ trương thành lập một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc TP để tiếp nhận, quản lý đối với 4 khách sạn thuộc Saigontourist và các khoản góp vốn liên doanh nêu trên khi các doanh nghiệp nhà nước (bao gồm Saigontourist) thực hiện cổ phần hóa.
Phương án 2 là chấp thuận chủ trương không thực hiện cổ phần hóa Saigontourist khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2021-2025.
Thứ 4 về việc phát triển TP Thủ Đức giai đoạn tới, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp xây dựng Đề án về cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Thủ Đức trình Chính phủ trong quý II/2021.
Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh Dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam (theo chấp thuận trước đây của Thủ tướng Chính phủ) để bổ sung công trình xây dựng 4 cầu; nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới vào Dự án BT xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc (khu chức năng số 3 và số 4) và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam theo thẩm quyền quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.