TPHCM khánh thành nhà máy xử lý nước thải lớn nhất Việt Nam

GD&TĐ -Với công suất 469.000m³/ngày, Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng là nhà máy xử lý nước thải lớn nhất Việt Nam đến thời điểm hiện tại.

Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng là nhà máy xử lý nước thải lớn nhất Việt Nam.
Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng là nhà máy xử lý nước thải lớn nhất Việt Nam.

Ngày 30/8, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM tổ chức lễ khánh thành công trình mở rộng mạng lưới thu gom và nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM).

Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường thay mặt chính quyền và nhân dân TPHCM trân trọng cảm ơn Chính phủ và nhân dân Nhật Bản, cảm ơn JICA đã luôn hợp tác, đồng hành, hỗ trợ thành phố trong bố trí nguồn vốn vay ODA; cũng như trong công tác triển khai dự án, chuyển giao công nghệ, huấn luyện đào tạo nguồn nhân lực, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc và hình thành các dự án hợp tác mới giữa thành phố và JICA.

"TPHCM cảm ơn Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các sở ngành và các quận, huyện nơi triển khai dự án đã chung tay, góp sức tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đưa dự án về đích" - ông Cường nói.

Ảnh 1.jpg
Đại diện các sở, ngành nhấn nút khánh thành Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng. Ảnh: JICA

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường, thành phố phấn đấu đến năm 2030, thu gom và xử lý 100% lượng nước thải sinh hoạt tại 12 lưu vực thoát nước, với tổng khối lượng khoảng 3 triệu m3/ngày; thu gom xử lý bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế 100% khối lượng rác thải trên địa bàn thành phố.

"Việc đưa Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng vào vận hành sẽ nâng tỷ lệ thu gom và xử lý nước thải của thành phố từ 20,6% lên thành 40,8%, dự kiến đạt 71,3% vào năm 2025 sau khi đưa Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè với công suất 480.000m3/ngày vào hoạt động" - ông Cường nói thêm.

Ảnh 2.jpg
Các đại biểu tham quan Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng. Ảnh: JICA

Dự án cải thiện môi trường nước TPHCM giai đoạn 2, mở rộng mạng lưới thu gom và xử lý nước thải tại lưu vực kênh Tàu Hũ có tổng mức đầu tư là 11.300 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ODA của Nhật Bản là 9.850 tỷ (chiếm 87% tổng mức đầu tư). Dự án hoàn thành với công suất xử lý nước thải đạt 469.000m3/ngày đêm, tăng lên gấp 3 lần so với giai đoạn 1.

Ngoài ra, mạng lưới thu gom bao gồm 51 km cống thu gom truyền tải đã được xây dựng, trong đó có 26 km thi công bằng công nghệ khoan kích ngầm của Nhật Bản. Dự án còn xây dựng 3 trạm bơm thoát nước mưa và nạo vét xây kè kênh trong phạm vi dự án với tổng chiều dài 6,4 km.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.