Chủ trì buổi họp báo có lãnh đạo của Sở Thông tin và Truyền thông, Sở GD&ĐT, Sở Y tế, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk).
Trẻ có hoàn cảnh khó khăn được uống sữa miễn phí
Mục tiêu chung của đề án thực hiện Chương trình sữa học đường là cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn TP, nhằm góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học (lớp 1) thông qua hoạt động cho uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em TP, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.
Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phát biểu mở đầu buổi họp báo |
Tham gia chủ trì buổi họp báo có lãnh đạo của Sở Thông tin và Truyền thông, Sở GD&ĐT, Sở Y tế, đại diện Công ty Vinamilk |
Mở đầu buổi họp báo, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM thông tin, từ ngày 1/11/2019 sẽ có hơn 300.000 trẻ em mầm non và học sinh khối lớp 1 trên địa bàn 10 quận, huyện gồm quận 9, 12, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh) sẽ được uống sữa học đường với dung tích 180ml/ lần/ ngày, uống với 5 lần/ tuần.
Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM, trực thuộc Sở Tư pháp được giao nhiệm vụ lựa chọn nhà cung cấp sữa có năng lực, có chất lượng sữa phù hợp với tiêu chuẩn của Đề án theo quy định của pháp luật về đấu thầu đảm bảo khách quan minh bạch, và chất lượng. Đơn vị được lựa chọn triển khai là Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk).
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM trả lời câu hỏi của báo chí |
“Chương trình Sữa học đường trên địa bàn TP.HCM được tiến hành theo hình thức xã hội hóa. Trong đó nhà nước hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp hỗ trợ 20%, phụ huynh chỉ phải đóng 50% chi phí. Riêng đối với các em có điều kiện khó khăn, Thành phố và Vinamilk sẽ hỗ trợ uống sữa miễn phí hoàn toàn”, ông Từ Lương cho biết.
Được biết, trên thế giới có 60 quốc gia triển khai chương trình Sữa học đường. Tại Việt Nam, chương trình này cũng đang được triển khai tại 17 tỉnh, thành như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bình Dương, Hà Nam, Ninh Thuận… thu được những kết quả đáng khích lệ trong việc cải thiện thể chất, điều kiện dinh dưỡng của trẻ em và nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của chính quyền địa phương, nhà trường và đông đảo phụ huynh.
Tham gia đề án, trẻ sẽ được uống sữa học đường với dung tích 180ml/ lần/ ngày, uống với 5 lần/ tuần. |
Tham gia buổi họp báo, đại diện các cơ quan báo đài đã có những câu đến với ban tổ chức như: chất lượng của sữa trong chương trình sữa học đường; quá trình đấu thầu có bao nhiêu đơn vị tham gia; tỷ lệ học sinh và số trường tham gia ở 10 quận, huyện; tại sao lại chọn 10 quận, huyện nói trên; với trẻ thừa cân, béo phì có cần tham gia chương trình này không?...
Theo đại diện của Công ty Vinamilk sản phẩm sữa cung cấp cho chương trình cung ứng tại TP.HCM là sữa tươi tiệt trùng được chế biến từ sữa tươi nguyên liệu, hoàn toàn đảm bảo chất lượng và đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Hơn nữa, trên bao bì hộp sữa có logo Sữa học đường của Bộ Y tế, giúp phụ huynh học sinh yên tâm về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm.
Đại diện cơ quan báo chí tham gia buổi họp báo đặt câu hỏi |
Trước đó, để đảm bảo chương trình này tiếp cận đến rộng rãi trẻ em - đối tượng được thụ hưởng chương trình, Sở GD&ĐT TP.HCM, các Phòng GD-ĐT quận, huyện đã phối hợp cùng Công ty Vinamilk tổ chức các buổi tập huấn liên tục trong 3 ngày cho gần 5.000 người là Ban Giám hiệu, cán bộ y tế, kế toán, các giáo viên, đại diện hội phụ huynh học sinh gần 2.000 trường mầm non và tiểu học của 10 quận, huyện nói trên.
Ngày 30/10, đoàn kiểm tra của Sở Y tế, Sở Tư pháp, Ban quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM đã làm việc với Công ty Cổ phần sữa Việt Nam để tiến hành kiểm tra quy trình sản xuất sữa, lấy mẫu sữa học đường. Đây là hoạt động cần thiết nhằm đảm bảo chất lượng cung ứng sữa học đường sẽ được thực hiện rộng rãi đến các trường học trên địa bàn thành phố.
Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP trao đổi thông tin tại buổi họp báo |
Theo Sở GD&ĐT, đối tượng tham gia thí điểm đề án sữa học đường gồm trẻ mầm non, học sinh lớp 1 các trường công lập, ngoài công lập; các lớp mẫu giáo độc lập tư thục; trẻ thuộc các cơ sở bảo trợ xã hội công lập, ngoài công lập đang học tại các trường ở 10 quận, huyện nói trên. Theo thống kê, tỷ lệ tổng số trường tham gia là hơn 80% và có hơn 53% em đăng kí.
Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM thông tin, chương trình sữa học trường triển khai trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh và đã tổ chức lấy ý kiến qua nhiều đợt tại các cơ sở GD.
Việc Sở lựa chọn, ưu tiên thực hiện ở 10 quận, huyện nói trên do đây là những địa bàn vùng ven, có các khu công nghiệp, có đông dân lao động, nhập cư với nhiều nhóm trẻ tư thục, độc lập. Sau khi thực hiện thí điểm, ban thực hiện đề án sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm để trình lên UBND TP.HCM xem xét về việc tổ chức nhân rộng ở thời gian tiếp theo.