TPHCM: Hội thảo ‘Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong hoạt động dạy học’

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - UBND TPThủ Đức (TPHCM) phối hợp cùng KDI Education vừa tổ chức hội thảo ‘Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động dạy học’.

Các chuyên gia thảo luận cùng giáo viên và CBQL tại hội thảo.
Các chuyên gia thảo luận cùng giáo viên và CBQL tại hội thảo.

Trong khuôn khổ “Ngày hội giáo dục STEM Thành phố Thủ Đức” năm học 2023-2024, đã diễn ra hội thảo “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động dạy học”.
Hội thảo thu hút hơn 200 giáo viên và cán bộ quản lý từ các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố tham dự.

Hội thảo xoay quanh 3 nội dung tham luận: Tổng quan về trí tuệ nhân tạo và tiềm năng ứng dụng trong giáo dục của TS. Ngô Quốc Hưng, sáng lập và CEO Trung tâm đào tạo tài năng AI - CoTAI); Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nâng cao chất lượng giáo dục ở Singapore của TS. Glenn Low, đồng sáng lập và COO công ty HeyHi đến từ Singapore; Các nội dung giáo dục trí tuệ nhân tạo theo báo cáo của UNESCO và ứng dụng ở Việt Nam của ông Nguyễn Việt Trung, phó tổng giám đốc KDI Education.

TS. Glenn Low chia sẻ về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục tại Singapore.

TS. Glenn Low chia sẻ về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục tại Singapore.

Theo ông Ngô Quốc Hưng, sáng lập và CEO Trung tâm đào tạo tài năng AI - CoTAI, các công cụ AI trả lời tốt hầu hết mọi câu hỏi về các nội dung giảng dạy như: Tóm tắt ý chính, tổng hợp thông tin, báo cáo trình bày rõ đẹp, giảng từng bước cho người học, chấm điểm, sửa lỗi, thiết kế bài giảng… Vì vậy, cách tốt nhất, nhanh nhất để nhà trường và học sinh hiểu đúng về AI là sớm bắt đầu học và khai thác sử dụng thực tế, theo một lộ trình bài bản. Việc chần chừ, cấm cản và hạn chế sử dụng AI là giải pháp kém hiệu quả, đi ngược xu thế phát triển, gây thiệt thòi và bỏ lỡ cơ hội của học sinh.

Cùng quan điểm đó, ông Nguyễn Việt Trung, phó tổng giám đốc KDI Education, chia sẻ: “Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định đến lớp 12 sẽ dạy về AI cho học sinh. Nhưng tôi cho rằng nội dung giáo dục AI có thể triển khai từ sớm ngay ở cấp tiểu học chứ không cần chờ đến cấp THPT. Học sinh tiểu học có thể học về lập trình AI thông qua các câu lệnh đơn giản, khám phá về ứng dụng của AI trong học tập và đời sống”.

Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, trưởng Phòng GD&ĐT TP Thủ Đức phát biểu tại hội thảo.

Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, trưởng Phòng GD&ĐT TP Thủ Đức phát biểu tại hội thảo.

Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng Phòng GD&ĐT TP Thủ Đức cho biết thành phố rất trân trọng các ý kiến của chuyên gia cũng như những góp ý, thảo luận của các thầy cô tham gia. Trong thời gian tới, TP Thủ Đức sẽ phối hợp cùng đội ngũ chuyên gia để triển khai mạnh mẽ hơn việc thí điểm giáo dục trí tuệ nhân tạo trong nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ