TPHCM: Đầu tư ảo mất tiền thật

GD&TĐ - Chỉ cần đầu tư vài trăm đến vài nghìn USD là có thể ngồi rung đùi đợi tài khoản của mình tăng lên từng ngày với lãi suất từ 40 - 50%, thậm chí 1.000% mỗi năm.

TPHCM: Đầu tư ảo mất tiền thật

Nghe lời chiêu dụ trên, không ít người đã dốc túi đổ tiền vào các kênh đầu tư ảo trên mạng.

Mất tiền tỷ vì muốn giàu mà không phải lao động

Thời gian gần đây, rất nhiều người dân trên địa bàn Quận 9, Thủ Đức, Tân Phú, Củ Chi… nhận được điện thoại, tin nhắn mời gọi tham gia đầu tư ngoại hối thông qua sàn Forex (giao dịch vàng, bạc, ngoại hối) với mức lãi khủng. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn đầu tư lãi đâu không thấy chỉ thấy vàng và ngoại tệ biến mất.

Ông Nguyễn Sơn T (xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TPHCM) vừa có đơn trình báo cơ quan CSĐT, Công an TPHCM việc mình bị lừa mất số tiền gần 1,4 tỉ đồng do đầu tư Forex trên mạng.

Ông kể, hồi tháng 9/2020, lên mạng thì thấy có quảng cáo về dạy cách làm giàu bằng đầu tư chứng khoán, cổ phiếu, ngoại tệ. Thấy vậy nên ông để lại số điện thoại để được tư vấn. Sau đó, một phụ nữ gọi điện thoại tới. “Dù rất cảnh giác nhưng người này gọi tư vấn quá nhiều lần, cho biết mức lãi từ 8 - 16%/tháng tùy theo gói nên cuối cùng tôi đồng ý đầu tư”, ông T nói.

Theo lời ông T, sau khi mở tài khoản ông đã nạp tiền nhiều lần để đầu tư vì bị thúc ép. Nếu không nộp tiền thêm thì tài khoản sẽ bị cháy. Tiếc số tiền bỏ ra ban đầu hơn 200 triệu đồng nên ông đành phải đu theo để hy vọng lấy lại tiền. Sau hơn 3 tháng theo đuổi mô hình đầu tư chứng khoán và ngoại tệ trên mạng nhưng không thấy khoản lợi nhuận nào ông T quyết định rút.

“Tôi viện cớ hết tiền và phải trả nợ để rút tiền ra nhưng cũng không được. Đến cuối tháng 10/2020 thì tài khoản của tôi bỗng nhiên hết sạch tiền. Tôi liên hệ với mấy người đã hướng dẫn tôi chơi thì họ đổ cho tôi là ham đánh nhiều. Tuy nhiên, thực tế là họ nói tôi làm gì thì tôi làm vậy. Tổng số tiền tôi bị lừa là hơn 60.000 USD. Giờ tôi không biết phải làm thế nào để lấy lại tiền của mình” - ông T nói.

Trường hợp anh Nguyễn Thanh Trường, ngụ tại Quận 9, TPHCM cũng tương tự. Anh Trường cho biết, sau khi được môi giới mời gọi, tư vấn, anh đồng ý đầu tư ủy thác cho một cá nhân tên Phương Huyền (có công ty tài chính riêng) để kiếm tiền từ đầu tư ngoại hối. Sau khi nạp 2.500 USD, anh giao toàn bộ số tài khoản và mật khẩu cho Huyền và chờ đợi lợi nhuận như cam kết là lên đến 30%/tháng.

“Dù tôi đầu tư qua một kênh ủy thác và được bảo chứng bởi một công ty tài chính nhưng chỉ sau 5 ngày, khi tôi kiểm tra thì thấy số dư tài khoản chỉ còn lại hơn 100 USD. Tôi chất vấn người được ủy thác thì cô ta nói số tiền hao hụt do lỗ trong quá trình đầu tư và hứa sẽ trả lại tôi 25% số tiền trong 5 ngày. Tuy nhiên, đến giờ đã gần 2 tháng trôi qua tiền lãi không thấy mà tiền gốc đầu tư cũng có nguy cơ mất trắng khi mọi hình thức liên lạc với cô ta đều bị chặn” – anh Trường nói. 

Những lời quảng cáo có cánh cùng các gói đầu tư vào Forex.
Những lời quảng cáo có cánh cùng các gói đầu tư vào Forex.

Lãi suất không tưởng hút người… hám lợi

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT-BVNTD), Bộ Công Thương, thời gian qua xuất hiện nhiều mô hình, dự án kinh doanh theo kiểu đa cấp như: “Kinh doanh hệ thống”, “kinh doanh mạng”, “kinh doanh thời đại 4.0”. Những mô hình, dự án này được lan truyền rất nhanh trên các trang thông tin điện tử, YouTube, Facebook, Zalo, Viber, Tik Tok… với lời quảng cáo có cánh: “Sân chơi của các bạn trẻ khởi nghiệp”, “những doanh nhân muốn kết nối toàn cầu”, “chia sẻ cơ hội đầu tư các loại tiền điện tử”.

Điểm chung của các dự án đa cấp này là thường nhắm vào đối tượng trẻ, nhất là sinh viên đang có nhu cầu tìm việc làm thêm, mong muốn khởi nghiệp. Theo Cục

CT-BVNTD sự rủi ro của các mô hình trên ở chỗ, khoản tiền đầu tư của người tham gia các dự án đa cấp này không hề được ghi nhận trên bất kỳ tài liệu chính thức nào, chỉ ghi nhận thông qua tài khoản của người tham gia, hiển thị trên giao diện website ảo, không có đăng ký. Trong khi hệ thống máy chủ lưu giữ dữ liệu thường được đặt tại nước ngoài. Chủ đầu tư không hiện diện tại Việt Nam nên khi website sụp, nhà đầu tư không biết bám víu vào đâu.

Thủ đoạn quen thuộc là những kẻ lừa đảo luôn là tổ chức những buổi hội thảo, hội nghị khách hàng, đại hội hoa hồng… và dùng phương pháp “truyền khẩu” để lôi kéo đông người đến tham dự. Tại sự kiện, đánh vào lòng tham, tâm lý hám lợi, muốn thành triệu phú, tỷ phú một cách nhanh nhất của người dân, thông điệp các nhóm tội phạm đưa ra luôn là những lời quảng cáo bịp bợm, tô vẽ về khả năng sinh lợi khi tham gia vào mạng lưới…

Theo ông Nguyễn Khánh Trình – chuyên gia tài chính, Trường ĐH Tài chính - Marketing, bất cứ hình thức đầu tư nào mà có mức lãi suất cao gấp ba lần so với lãi suất ngân hàng thì có thể nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo.

“Những chiêu thu hút nhà đầu tư bằng lợi nhuận lên tới 25% - 30%/tháng của các sàn đầu tư ngoại hối ảo với mức lãi suất lên tới 300% - 360%/năm, kèm theo cam kết duy trì thu lãi ổn định trong dài hạn là điều không tưởng. Chỉ có thể là lừa đảo chứ không thể có nguyên tắc tài chính nào cho ra mức lãi siêu khủng như thế” - ông Trình nói.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần khẳng định giao dịch trên sàn Forex là bất hợp pháp. Ngoài rủi ro pháp lý có thể bị xử phạt, tổ chức và cá nhân còn phải đối mặt với rủi ro khi phải trả phí giao dịch cho chủ sàn. Nhưng chủ sàn có thể can thiệp vào quá trình giao dịch theo hướng có lợi cho họ và bất lợi cho người tham gia.

Vì vậy, ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến các loại tiền ảo, tiền mã hóa, tài sản ảo. Cấm phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp.

“Việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không chấp nhận các loại tiền ảo là tiền tệ, cũng như là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam” - ông Sơn khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mỹ cần chặng đường dài để tạo nguồn nguyên liệu cho nhà máy hạt nhân, thoát phụ thuộc uranium Nga.

Mỹ bắt đầu thoát uranium Nga

GD&TĐ - Mỹ còn một chặng đường dài để thoát khỏi sự phụ thuộc nguồn cung cấp uranium Nga, tiến tới đảm bảo an ninh năng lượng Mỹ.