Giám đốc Sở Thông tin truyền thông Dương Anh Đức cho biết, hội đồng bầu chọn của thành phố đã tổng hợp danh sách 27 sự kiện nổi bật do các cơ quan báo chí lựa chọn, từ đó chọn ra 10 sự kiện nổi bật nhất. Các sự kiện được bầu chọn không xếp hạng mà chỉ phân theo các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đô thị, văn hoá xã hội và đối ngoại.
Giải đáp băn khoăn về tình trạng kẹt xe hiện vẫn xảy ra, vậy sự kiện nổi bật “tập trung giải quyết kẹt xe tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và cửa ngõ thành phố” liệu có hợp lý, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho rằng trong vòng một năm mà thành phố tập trung giải cứu được hai “điểm nóng” về kẹt xe là rất đáng ghi nhận.
Liên quan đến việc năm 2017, TPHCM chỉ đạt 16/19 chỉ tiêu kinh tế, ông Hoan giải thích thêm: “Có 1 chỉ tiêu đang chờ đánh giá và 2 chỉ tiêu về tổng sản phẩm nội địa GRDP và phát triển số lượng doanh nghiệp của thành phố tuy không đạt như mục tiêu đặt ra nhưng vẫn vượt so với năm trước”.
Cụ thể 10 sự kiện gồm:
1. Quốc hội thông qua Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM
Ngày 24/11/2017, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, có hiệu lực từ ngày 15/1/2018.
Với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực (quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý tài chính - ngân sách, cơ chế phân cấp ủy quyền và chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức), Nghị quyết được kỳ vọng sẽ giúp thành phố vừa phát huy tốt hơn các lợi thế tự nhiên trong quá trình phát triển, vừa phát huy tốt nhất các nguồn lực trong nhân dân, trong hệ thống chính trị, các nhà đầu tư, đối tác quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển thành phố nhanh hơn, bền vững hơn, từng bước giải quyết có cơ sở khoa học và thực tiễn các thách thức lớn đối với sự phát triển của thành phố trong 30 - 50 năm tới.
2. TPHCM nỗ lực đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội
Tiếp nối thành quả năm 2016, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều thuận lợi, thời cơ và thách thức đan xen phức tạp, tình hình thành phố gặp một số khó khăn, song với sự nỗ lực phấn đấu, thành phố đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng.
Tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tăng trưởng 8,25%, tăng cao hơn so với cùng kỳ (8,05%). Xuất khẩu hàng hóa đạt 35,2 tỷ USD, tăng 15,1%; nhập khẩu đạt 43,1 tỷ USD, tăng 13,2%.
Đầu tư trong nước bao gồm vốn đăng ký và bổ sung đạt hơn 899.000 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 6,38 tỷ USD, tăng gấp 2 lần so cùng kỳ. Lượng kiều hối đạt 5,2 tỷ USD với 70% được đưa vào đầu tư được đánh giá là nguồn lực quan trọng thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Chỉ số phát triển công nghiệp tăng 7,9%, bốn ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí - chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, công nghiệp hóa chất - nhựa - cao su, chế biến tinh lương thực - thực phẩm) tăng bình quân 15,5%, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành. Khu công nghệ cao TPHCM đạt giá trị sản xuất 12 tỷ USD. Đặc biệt, thành phố đã thu ngân sách đạt 347.982 tỷ đồng, bằng 100,03% dự toán, tăng 12,94%.
3. TPHCM công bố đề án xây dựng thành phố thông minh
Ngày 23/11/2017, UBND TPHCM đã chính thức công bố Đề án “Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh”. Thành phố xác định tầm nhìn đến năm 2025 là lấy phát triển kinh tế cao, bền vững là mục tiêu, khai thác tốt nhất các nguồn lực là nền tảng, người dân của đô thị là trung tâm.
Đối với chính quyền thành phố, đô thị thông minh sẽ đáp ứng nhu cầu dự báo phát triển chính xác hơn, kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu giúp gia tăng hiệu quả điều hành trên các lĩnh vực hoạt động. Đối với người dân, đô thị thông minh giúp cung cấp các tiện ích hỗ trợ việc ra quyết định một cách tối ưu hơn, tăng cường sự tương tác với chính quyền để người dân tham gia vào quá trình giám sát, quản lý và xây dựng thành phố. Đối với doanh nghiệp, đô thị thông minh cung cấp thông tin, kiến tạo môi trường hoạt động minh bạch, đơn giản, thuận tiện để doanh nghiệp hoạt động, phát triển. Đối với các tổ chức xã hội, đô thị thông minh tạo ra kênh kết nối phản hồi thông tin nhanh, chính xác giúp các tổ chức tham gia hiệu quả vào quá trình cung cấp các dịch vụ cho đô thị.
Để thực hiện thành công đề án trên, thành phố sẽ tập trung đầu tư xây dựng 4 trung tâm lớn, đó là Trung tâm dữ liệu mở; Trung tâm mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; Trung tâm điều hành đô thị thông minh và Trung tâm An toàn an ninh thông tin thành phố.
4. TPHCM hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Thực hiện chủ trương Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động, đồng hành cùng doanh nghiệp, TPHCM đã ban hành Kế hoạch hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; ban hành kế hoạch hỗ trợ phát triển doanh nghiệp với các giải pháp toàn diện thúc đẩy các hộ cá thể chuyển lên doanh nghiệp bằng những chính sách thiết thực về hỗ trợ thủ tục chuyển đổi, công tác kê khai thuế, tài chính doanh nghiệp,…
Thành phố cũng thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp trong và ngoài nước để tháo gỡ khó khăn; mở các lớp đào tạo về khởi nghiệp; tổ chức Tuần lễ sáng tạo khởi nghiệp; điều chỉnh, mở rộng đối tượng tham gia chương trình kích cầu; xúc tiến thành lập Qũy Phát triển dự án (PDF) và nghiên cứu thành lập Qũy Bù đắp tài chính (VGF); Quỹ Phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp đạt gần 2.000 tỷ đồng. Đặc biệt, thành phố quyết định chủ trương đầu tư xây dựng Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, đây sẽ là nơi tập trung nghiên cứu, trao đổi, tạo ra những sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo hàng đầu, phục vụ có hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Thành phố được Tổ chức nghiên cứu dự báo kinh tế Oxford Economics của Anh xếp hạng thứ hai Châu Á về tăng trưởng nhanh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 365.710 tỷ đồng, tăng 18% so cùng kỳ. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới vượt ngưỡng 41.000 doanh nghiệp (trong đó có hơn 3.600 hộ kinh doanh cá thể chuyển sang doanh nghiệp).
5. TPHCM thu hút hơn 6 triệu lượt khách quốc tế
Cùng với du lịch cả nước, du lịch TPHCM đang ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch khu vực. Nhiều sản phẩm du lịch được đầu tư nghiên cứu, đưa vào khai thác phục vụ, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách, như: du lịch đường thủy; nâng cao chất lượng hoạt động của Phố đi bộ Bùi Viện; các chương trình nghệ thuật đường phố được tổ chức tại đường đi bộ Nguyễn Huệ; ra mắt các phố chuyên doanh phục vụ du lịch; thúc đẩy phát triển loại hình du lịch y tế, du lịch ẩm thực,...
Tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến du lịch góp phần thu hút lượng lớn du khách đến với thành phố, như: Lễ hội Áo dài, Liên hoan Ẩm thực Đất Phương Nam lần 7, Lễ hội Trái cây Nam bộ, Hội chợ Du lịch Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh... Tham gia sự kiện: Diễn đàn du lịch ASEAN; Chương trình giới thiệu quảng bá du lịch Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh đến thị trường Ấn Độ tại Thành phố Mumbai và New Delhi; Chương trình xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh tại Liên bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc,…
Tính đến ngày 16/12/2017, thành phố đã đón vị khách quốc tế thứ 6 triệu, dự kiến cả năm 2017 sẽ đón 6,4 triệu lượt khách quốc tế.
6. TPHCM nỗ lực lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè
Năm 2017, TPHCM đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè. Nhìn lại một năm triển khai, mặc dù tại nhiều địa phương, công tác triển khai còn chưa đồng bộ; quá trình xử lý tại hiện trường có lúc, có việc chưa chu đáo, thiếu thuyết phục; tình trạng buôn bán dưới lòng đường, tái lấn chiếm vỉa hè vẫn xảy ra,… Tuy nhiên, những nỗ lực của thành phố cũng đã đem lại nhiều kết quả.
Đó là sự đồng thuận của hầu hết người dân trên địa bàn vì mục tiêu xây dựng mỹ quan đô thị; trật tự lòng, vỉa hè có chuyển biến, nhiều tuyến đường thông thoáng, tình hình kinh doanh ở một số nơi được sắp xếp tương đối ổn định.
Kết quả đạt được bước đầu của năm 2017 sẽ là tiền đề quan trọng để thời gian tới, thành phố nỗ lực quyết tâm, kiên trì hơn với các giải pháp đồng bộ, mang tính bền vững.
7. Tập trung giải quyết kẹt xe tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và cửa ngõ thành phố
Tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn là mối quan tâm đặc biệt của thành phố trong những năm qua. Trong năm 2017, trước điều kiện nguồn lực còn nhiều khó khăn, thành phố tập trung giải quyết những điểm nóng ùn tắc, trong đó nổi bật là khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và Cảng Cát Lái, hai đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ ra vào thành phố.
UBND thành phố ban hành một loạt các quyết sách bao gồm các giải pháp công trình và phi công trình, chỉ đạo triển khai rất khẩn trương để đảm bảo việc giải vây ùn tắc một cách hiệu quả.
Năm qua, TPHCM đã hoàn thành và đưa vào khai thác một số công trình trọng điểm như: hai nhánh đường thuộc dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành Đai Ngoài, nhánh cầu vượt Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám; cầu Phú Hữu; mở rộng đường Võ Chí Công,… Hiện đang khởi công xây dựng cầu Bà Cua - Nhánh phải trên đường Vành đai phía Đông, cầu qua đảo Kim Cương,…
8. TPHCM bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng công chức, viên chức
Ngày 24/8/2017, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định bãi bỏ yêu cầu về hộ khẩu trong hồ sơ, điều kiện tuyển dụng công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc.
TPHCM cho rằng, trong công tác tuyển dụng, điều quan trọng nhất chính là trình độ chuyên môn, ngành nghề được đào tạo phù hợp với vị trí cần tuyển cùng và kiến thức hiểu biết về thành phố. Hộ khẩu không thể thay thế được năng lực. Do đó, việc ban hành quyết định bãi bỏ điều kiện về hộ khẩu là một quyết sách đúng đắn, cho thấy thành phố chấp hành tốt quy định pháp luật, đồng thời tạo điều kiện thu hút nhân lực chất lượng cao và bảo đảm tính công bằng cho các ứng viên dự tuyển, nhất là đối với các sinh viên mới ra trường có nguyện vọng được làm việc ở một thành phố năng động, sáng tạo.
9. TPHCM chung tay góp sức cùng cả nước khắc phục thiên tai
Năm 2017 vừa qua, có rất nhiều trận bão, lũ, gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại về người và của, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất đồng bào ta ở các địa phương. Mặc dù còn nhiều khó khăn về điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nhưng với truyền thống nghĩa tình sâu đậm, thành phố luôn thể hiện tinh thần cao cả chung tay, góp sức cùng cả nước khắc phục thiên tai.
Thành phố đã vận động với tinh thần đóng góp tự nguyện đạt gần 40 tỷ đồng, tổ chức 4 đợt với 13 đoàn công tác thăm hỏi, hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền Bắc, Trung bộ và Tây nguyên.
Bên cạnh đó, các phong trào hành động cách mạng thấm đậm nghĩa tình của thành phố vẫn duy trì hiệu quả; Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc” vận động gần 30 tỷ đồng để chăm lo cho các hoạt động vùng biển đảo; Quỹ “Vì người nghèo” vận động trên 159 tỷ đồng để xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa, tặng học bổng, hỗ trợ vốn, thẻ bảo hiểm y tế, trợ cấp khó khăn, phương tiện làm ăn cho các hộ gia đình nghèo, vượt khó vươn lên,... Công tác “Đền ơn đáp nghĩa” nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ đảm bảo chăm lo chu đáo các đối tượng gia đình chính sách, có công, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng,…
10. Tổ chức thành công lễ hội văn hoá thế giới TPHCM – Gyeongju 2017
Năm 2017, có hàng trăm đoàn khách quốc tế, trong đó có nhiều đoàn nguyên thủ quốc gia (Tổng thống Ba Lan, Tổng thống Israel, Thủ tướng Canada, Thủ tướng Singapore...) đã đến thăm và làm việc với TPHCM. Hoạt động hữu nghị được tăng cường, tiêu biểu như kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN, 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào, 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia,…
Thành phố cũng đã tổ chức thành công Hội nghị Quan chức Cao cấp APEC lần 3 và Hội nghị Bộ trưởng các Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa.
Đặc biệt, với chủ đề “Giao lưu văn hóa vì một Châu Á thịnh vượng”, Lễ hội Văn hóa Thế giới Thành phố Hồ Chí Minh - Gyeongju 2017 được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra trong 23 ngày là chương trình giao lưu văn hóa đặc sắc giữa Việt Nam, Hàn Quốc và các nước. Lễ hội hướng về những nét tương đồng trong nền văn hóa và lịch sử lâu đời của hai quốc gia Việt Nam và Hàn Quốc, đồng thời quy tụ nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đa dạng của các nước.