Ngày 2/8, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã làm việc với Sở GD&ĐT TPHCM về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường; việc thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 84/2020/NĐ-CP; Nghị định số 143/2013/NĐ-CP và tình hình chuyển nhượng vốn đối với trường dân lập, tư thục.
Đề xuất nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Tại buổi làm việc, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, ngành GD&ĐT thành phố đã nghiêm túc thực hiện Luật phổ biến, giáo dục pháp luật số 14/2012/QH13. Triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch về phổ biến giáo dục pháp luật theo các văn bản chỉ đạo Bộ GD&ĐT và UBND TPHCM.
Cùng với đó, Phòng GD&ĐT TP Thủ Đức, quận, huyện, các cơ sở giáo dục trên địa bàn chủ động thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường. Trong đó chú trọng phổ biến tuyên truyền văn bản luật tại đơn vị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, nhân viên, người lao động, học sinh, sinh viên phù hợp với yêu cầu của từng ngành học, cấp học.
Tuy nhiên, theo Sở GD&ĐT TPHCM, trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật do chưa có biên chế chính thức, một số đơn vị là cán bộ là cán bộ kiêm nhiệm nên quá trình thực hiện gặp phải không ít khó khăn.
Trong khi đó, công tác này đòi hỏi người làm nhiệm vụ phải có kiến thức, chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, am hiểu lĩnh vực nên việc kiêm nhiệm sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, do kinh phí hạn chế nên phần lớn các cơ sở giáo dục thực hiện phổ biến trên cổng thông tin điện tử, bảng tin, trang thông tin của trường,…
Đối với việc thực hiện Nghị định số 84/2020, Sở GD&ĐT TPHCM đã thực hiện đầy đủ các chính sách học bổng khuyến khích học tập, học bổng chính sách theo quy định và luôn tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.
Đặc biệt, từ năm học 2022-2023 đến nay Sở GD&ĐT TPHCM đã phối hợp với các đơn vị tổ chức chăm lo cho 94 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi do Covid-19, tặng 620 suất học bổng cho học sinh nghèo trên địa bàn các huyện ngoại thành và học sinh nghèo vượt khó.
Đối Nghị định số 143/2013/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đảm bảo tính đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, khả thi, tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với người học được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi học tập ở nước ngoài hoặc người học được tham gia chương trình đào tạo ở trong nước theo các Đề án đặt hàng đào tạo do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có nguyện vọng công tác lâu dài tại các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập,…
Phát huy thế mạnh của địa phương
Phát biểu tại buổi làm việc, TS Mai Thị Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GD&ĐT đánh giá công tác phổ biến pháp luật được TPHCM rất quan tâm.
Tiến sĩ Mai Thị Anh lưu ý, quá trình Sở GD&ĐT TPHCM phổ biến văn bản liên quan trực tiếp đến ngành phải có văn bản chỉ đạo trực tiếp, không nên dừng ở các thông tin trên trang thông tin của ngành. Đồng thời, phải xác định là công tác phổ biến pháp luật là công tác chung.
Còn bà Tô Thị Thu Hà, Trưởng phòng Truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật (Cục Phổ biến, Giáo dục pháp luật-Bộ Tư pháp) nhìn nhận, công tác phổ biến pháp luật của TPHCM với ngành đã thực hiện bài bản, thống nhất, đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Trong đó nổi bật nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cách thức triển khai; Công tác phối kết hợp với các cơ quan liên ngành, chủ thể chính trị xã hội trên địa bàn; Các cuộc thi nhiều hình thức trong nhà trường, cũng như phối hợp với các sở ngành khác; Triển khai ngày pháp luật tích cực. Đặc biệt là kết hợp với công tác kiểm tra, công tác đào tạo tập huấn đội ngũ được quan tâm.
“Thời gian tới Sở GD&ĐT TPHCM tiếp tục ghi nhận thêm ý kiến đề xuất của các cơ sở giáo dục. Trong hoạt động hướng dẫn chỉ đạo cần thường xuyên liên tục hơn nhất là các văn bản mới ban hành. Cùng với đó là tiếp tục đổi mới nội dung tuyên truyền pháp luật, nhân rộng mô hình giáo dục pháp luật.
Ngoài ra, đơn vị cũng cần quan tâm hỗ trợ thầy cô có tài liệu tham khảo giáo dục pháp luật thông qua kho học liệu số ví dụ như video tiểu phẩm để nhà trường vận dụng đưa vào trong tiết học trở nên sinh động, hấp dẫn, hiệu quả”, bà Hà mong muốn.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng, trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường, Sở GD&ĐTPHCM đã thực hiện đầy đủ theo chỉ đạo Hội đồng phổ biến pháp luật Trung ương, Bộ GD&ĐT, với nhiều hình thức giáo dục đa dạng, phong phú. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục đã tận dụng thế mạnh công nghệ thông tin để tuyên truyền, phổ biến, tác động sâu rộng đến học sinh, giáo viên và phụ huynh, xã hội.
“Những khó khăn của TPHCM như đội ngũ chuyên trách về giáo dục pháp luật, nhận thức ở cơ sở giáo dục còn hạn chế là là những khó khăn chung của nhiều địa phương. Đoàn công tác sẽ ghi nhận để báo cáo với Hội đồng phổ biến pháp luật Trung ương”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.
Về việc thực hiện Nghị định 84 và Nghị định số 143, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá TPHCM cơ bản đã thực hiện tốt.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng qua thực tiễn địa phương khác, Nghị định số 84 có một số khó khăn, vướng mắc như: Việc quy định về đối tượng xét, cấp học bổng khuyến khích học tập tại Nghị định 84 và quy định đánh giá học sinh THCS và THPT tại Thông tư 22 chưa thống nhất. “Do đó TPHCM cần rà soát để đề xuất những kiến nghị. Thời gian tới Bộ GD&ĐT cũng sẽ rà soát lại nội dung này”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho hay.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng mong muốn: “TPHCM phải là địa phương đi đầu trong công tác phổ biến giáo dục kiến thức pháp luật. Để làm được điều này, Sở GD&ĐT TPHCM tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục phổ biến pháp luật triển khai đến tất cả các trường học, không bỏ sót đơn vị nào. TPHCM với đặc thù của một đô thị lớn nhất cả nước, vì thế cần xem các hình thức giáo dục pháp luật phù hợp với đặc thù đô thị, lại vừa thiết thực hiệu quả”.