TP Hồ Chí Minh tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến cuối tháng 9

GD&TĐ - Chiều ngày 13/9, Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh.

TP Hồ Chí Minh tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến cuối tháng 9. Ảnh minh hoạ.
TP Hồ Chí Minh tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến cuối tháng 9. Ảnh minh hoạ.

Tại cuộc họp báo, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết thời gian qua thành phố đã nỗ lực phòng chống dịch, nhất là cao điểm từ 23/8 đến nay, thành phố cũng nhận được sự quan tâm sâu sắc, được tạo điều kiện bởi Trung ương, từng địa phương bạn, người dân của thành phố, cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ cao.

Sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của hệ thống chính trị cơ sở cũng giúp cho các "pháo đài", nhà máy xí nghiệp làm tốt hơn công tác phòng chống dịch.

Công tác giãn cách thực hiện nghiêm, tỷ lệ vùng đỏ, cam thu hẹp khá rõ, vùng xanh mở rộng hơn. Thành phố đang tiến hành vẽ lại bản đồ vùng xanh. Tỷ lệ ca dương tính giảm rõ rệt qua các đợt xét nghiệm, vùng xanh càng mở rộng.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, so sánh với mục tiêu Nghị quyết 86 đề ra và tiêu chí của Bộ Y tế thì TP Hồ Chí Minh còn một số nội dung chưa đạt tiêu chí.

Do vậy, để đảm bảo kết quả phòng chống dịch bền vững hơn và TP Hồ Chí Minh từng bước nới lỏng, phục hồi hoạt động kinh tế xã hội sao cho hài hòa giữa an toàn phòng chống dịch và mở lại các hoạt động kinh tế, TP Hồ Chí Minh quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn thành phố theo tinh thần Chỉ thị 16, dự kiến đến cuối tháng 9.

Ông Mãi thông tin tại buổi họp báo, một số địa bàn có kết quả kiểm soát dịch tốt như huyện Cần Giờ, Củ Chi, quận 7... thì có thể áp dụng Chỉ thị 16- hoặc Chỉ thị 15+ để đảm bảo kết quả phòng chống dịch bền vững và TP có thêm sự chuẩn bị cần thiết cho giai đoạn phục hồi, mở cửa sau dịch bệnh.

Về những việc cần thực hiện trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho hay thành phố đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin vì đây là điều kiện mở cửa an toàn.

Việc làm thứ 2 là tập trung củng cố năng lực y tế, nhất là tuyến cơ sở, các trạm y tế cố định, lưu động,… đầu tư quan tâm hơn y tế công cộng, tư nhân. Bên cạnh đó thành phố nâng cao khả năng điều trị tại các tầng để đủ sức giải quyết vấn đề dịch bệnh phát sinh.

Thứ ba, chuẩn bị kỹ kế hoạch phục hồi kinh tế từ tháng 9 trở đi. Thứ tư, thành phố sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, để kế hoạch vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế được hoàn thiện hơn, đáp ứng các điều kiện và tình hình có dịch.

Thứ năm, thành phố tiếp tục mở rộng thí điểm một số dịch vụ an toàn để phục vụ nhu cầu của nhân dân và doanh nghiệp, ví dụ sản xuất thực phẩm, thiết bị y tế, dược phẩm; các dịch vụ giao hàng, vận tải, tài chính, ngân hàng, dịch vụ công ích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.