Thông tin trên được UBND TP chia sẻ tại buổi báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2022.
Cụ thể, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 291 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 223,75 triệu USD (tăng 5,43% số dự án cấp mới, giảm 1,28% về vốn đầu tư so với cùng kỳ).
Có 68 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm 1,37 tỷ USD (bao gồm các dự án tăng và giảm vốn), giảm 2,86% về số dự án và tăng 205,19% về vốn điều chỉnh so với cùng kỳ.
TPHCM cũng chấp thuận cho 1.105 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 583,11 triệu USD, tăng 9,62% về số trường hợp so với cùng kỳ, giảm 15,12% về vốn so với cùng kỳ.
Về tình hình thu ngân sách Nhà nước (không kể số bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính) 6 tháng ước thực hiện 238.648,063 tỷ đồng, đạt 61,74% dự toán năm, tăng 17,49% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa: 169.937,884 tỷ đồng, đạt 62,92% dự toán, tăng 21,02% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 68.700 tỷ đồng, đạt 58,97% dự toán, tăng 9,62% so cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) ước thực hiện 25.111,251 tỷ đồng, đạt 25,19% dự toán, giảm 37,68% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư là 4.774,109 tỷ đồng, đạt 10,96% dự toán, giảm 23,11% so cùng kỳ; chi thường xuyên là 19.292,020 tỷ đồng, đạt 39,64% dự toán, tăng 9,84% so cùng kỳ.
Báo cáo từ UBND TP trong 6 tháng đầu năm 2022 về tình hình lập mới doanh nghiệp cho thấy: TPHCM có 20.523 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 253.888 tỷ đồng, tăng 12,04% về số lượng so với cùng kỳ và giảm 18,06% về vốn đăng ký so với cùng kỳ; vốn điều chỉnh bổ sung tăng 524.666 tỷ đồng, giảm 12,34% so với cùng kỳ.
Có 1.935 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 23,64% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp đã giải thể nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm 2022 là: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (774 doanh nghiệp, chiếm 40,10%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (189 doanh nghiệp, chiếm 9,79%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (171 doanh nghiệp, chiếm 8,86%); Kinh doanh bất động sản (142 doanh nghiệp, chiếm 7,36%); Thông tin và truyền thông (103 doanh nghiệp, chiếm 5,34%); Xây dựng (102 doanh nghiệp, chiếm 5,28%).