Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, nhiều công trình có tính cấp bách đang phải chờ vốn.
Theo báo cáo của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, gần 10 năm qua, thành phố đã làm mới và đưa vào sử dụng 384km đường bộ. Xây dựng mới 72 cây cầu. Tỉ lệ đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị đến cuối năm ước đạt 12,2%; mật độ đường giao thông trên diện tích đất toàn thành phố ước đạt 2,2km/km².
So với chỉ tiêu của TP đến năm 2025, tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 15%, mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn TP đạt 2,5km/km2, thành tựu trên rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nhìn chung hệ thống hạ tầng giao thông TP vẫn đang quá tải.
Bên cạnh việc thiếu hụt nguồn vốn, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến TP Hồ Chí Minh trong suốt 4 tháng qua khiến cho nguồn thu ngân sách TP trong thời gian tới dự báo sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Trong khi đó, nguồn vốn cân đối ngân sách của TP Hồ Chí Minh được Quốc hội thông qua 142.557 tỉ đồng rất khó đảm bảo để cân đối bố trí đủ cho các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như: Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4, các dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành... và các dự án giao thông trọng điểm khác thuộc Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã được UBND TP phê duyệt.
Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, cấp bách giai đoạn 2021 - 2030, UBND TP vừa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì, phối họp với các sở, ngành và đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách và kế hoạch huy động các nguồn lực, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư.
Trong đó, ưu tiên mời gọi, lựa chọn các nhà đầu tư tham gia theo phương thức đối tác công tư (PPP), các nguồn lực phù hợp khác theo quy định.
Đặc biệt, việc bố trí vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư dự án như: Lập, đề xuất dự án; lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi và thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan, làm cơ sở triển khai thực hiện mời gọi, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định được TP yêu cầu các sở, ngành ưu tiên thực hiện.
Sở Quy hoạch & Kiến trúc TP sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung để quản lý, tạo quỹ đất, kết hợp chỉnh trang và phát triển đô thị dọc các tuyến giao thông mới, tạo nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.