Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, với số ca nhiễm tăng cao, TP đã chuyển việc tầm soát diện rộng trong cộng đồng sang tầm soát trọng tâm, trọng điểm và tập trung lực lượng cấp cứu, điều trị để hạn chế các F0 diễn tiến nặng, khả năng tử vong cao.
Cùng với đó, để giảm tải áp lực cho hệ thống y tế, thành phố cũng đã có văn bản cập nhật để địa phương triển khai và hướng dẫn điều trị các F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ tại nhà.
Tính từ 6h00 đến 18h00 ngày 10/8, Bộ Y tế đã công bố thêm 1.466 trường hợp nhiễm mới tại TP. Như vậy tính từ 18h30 ngày 9/8 đến 18h00 ngày 10/8, TP ghi nhận 3.956 trường hợp nhiễm mới.
Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4, đến nay TP đã có 129.751 trường hợp nhiễm Covid-19 được công bố.
Hiện thành phố triển khai 5 tầng thu dung điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19. Mới đây, dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế, thành phố đã đưa ba Trung tâm Hồi sức Covid-19 vào hoạt động với quy mô 1.500 giường. Tất cả trung tâm này đều có oxy trung tâm, bồn lọc áp lực cao đáp ứng được nhu cầu sử dụng máy thở cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó, thành phố đã triển khai các Trung tâm Hồi sức như: Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đặt tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện 175.
Việc chăm sóc y tế tại nhà, tăng cường cấp cứu 115, có chiến lược bác sỹ tình nguyện hướng dẫn người mắc bệnh, thông qua tổng đài để được tư vấn. Song song đó, thành phố tăng cao năng lực tiêm vắc xin.
Tính đến 12g00 ngày 9/8, TP đã tổ chức tiêm được 3.430.990 mũi trong tổng số 4.111.040 liều vắc xin đã được nhận. 913.204 liều vắc xin còn lại đã cấp phát cho các đơn vị tiêm chủng và dự kiến sẽ sử dụng hết đến ngày 12/8. Theo đó, TP đã có văn bản đề xuất Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ khoảng 5,5 triệu liều vắc xin trong tháng 8 với để đạt mục tiêu bao phủ vắc xin cho trên 70% người dân thành phố.
Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, thành phố tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ đợt 3 với 900 tỷ cho 3 nhóm đối tượng. Cụ thể: hơn 365.000 lao động tự do không được ký kết hợp đồng lao động; 90.585 hộ nghèo, hộ cận nghèo; 174.000 hộ lao động gặp khó khăn đang ở nhà trọ, xóm nghèo, khu lưu trú, khu phong tỏa (không phân biệt thường trú hay tạm trú).
Bên cạnh nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân thành phố trong công tác phòng chống dịch bệnh, sự xuất hiện của những thông tin giả, sai lệch, xuyên tạc đã và đang gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến thành quả chống dịch.
Ngoài việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, thông điệp 5K và tham gia tiêm vắc xin khi đến lượt, mỗi người dân hãy chủ động đấu tranh, “nói không” với những thông tin giả, sai lệch. Giai đoạn khó khăn, mọi sự chia sẻ, đồng hành là rất quan trọng để thành phố sớm khống chế dịch bệnh, trở về trạng thái bình thường mới.