TP Hồ Chí Minh: 12 chốt cửa ngõ không còn kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính Covid-19

GD&TĐ - Thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh cho biết, tại 12 chốt cửa ngõ thành phố không còn kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính Covid-19, chỉ kiểm tra khai báo y tế và chứng nhận tiêm chủng vắc xin.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chiều ngày 20/10, theo thông tin từ lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại 12 chốt cửa ngõ Thành phố không còn kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính Covid-19, mà chỉ kiểm tra khai báo y tế trên phần mềm VNEID, chứng nhận tiêm chủng 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 hoặc 1 mũi sau 14 ngày hoặc F0 khỏi bệnh dưới 180 ngày đối với người vào Thành phố.

Việc dừng kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 tại 12 chốt cửa ngõ, nhằm tạo thuận lợi cho người dân đi lại.

Theo hướng dẫn chung trên toàn quốc hiện nay, việc xét nghiệm chỉ thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ. Các trường hợp khác phải xét nghiệm khi có các triệu chứng: Sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở. Việc xét nghiệm cũng tiến hành trong trường hợp khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; người đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 (nguy cơ rất cao) hoặc vùng phong tỏa.

Với người đã tiêm đủ liều vaccine và người đã khỏi bệnh, chỉ xét nghiệm một trong các trường hợp: Khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc vùng phong tỏa. Hành khách phải tuân thủ 5K, khai báo y tế...

Từ ngày 1/10, thực hiện Chỉ thị 18, TP Hồ Chí Minh đã gỡ tất cả chốt kiểm soát trong nội thành và duy trì 51 chốt kiểm soát bao gồm 12 chốt chính và 39 chốt phụ ở các quận, huyện giáp ranh các tỉnh để kiểm soát người và phương tiện ra vào.

Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ 3 tháng cuối năm chiều ngày 19/10, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết thành phố đang tính toán phương án để không còn chốt kiểm soát ở các địa bàn giáp ranh, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và cung ứng lao động.

Việc này sẽ được cân nhắc thực hiện trên tinh thần "kiểm soát được dịch nhưng không gây cản trở, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân”.

Về hoạt động xe buýt, sau 4 tuyến xe buýt hoạt động ở huyện Cần Giờ, Trung tâm quản lý Giao thông công cộng đề xuất mở lại 8 tuyến chạy trên các trục đường chính, lộ trình qua các bến xe, bệnh viện, ... tại thành phố từ ngày 25/10 để phục vụ người dân đi lại.

Trong đó có 5 tuyến sẽ chạy 60 chuyến/ngày/tuyến gồm số 14 (Bến xe Miền Đông - Ba Tháng Hai - Bến xe Miền Tây), số 20 (Bến Thành - Nhà Bè), số 27 (bến xe buýt Sài Gòn - Âu Cơ - Bến xe An Sương), số 29 (phà Cát Lái - Chợ Thủ Đức), số 141 (Khu du lịch BCR - Long Trường - Khu chế xuất Linh Trung 2).

3 tuyến còn lại, mỗi tuyến sẽ chạy 54 chuyến/ngày, gồm số 65 (Bến Thành - Cách Mạng Tháng Tám - Bến xe An Sương), số 74 (Bến xe An Sương - Bến xe Củ Chi), số 79 (Bến xe Củ Chi - Đền Bến Dược).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.