Như Báo GD&TĐ đã đưa tin, sáng 8/4/2020, Tổ công tác 304 của Tổng cục QLTT đã chỉ đạo Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP Hà Nội, tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thuộc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Y tế Đức Anh (Cty Đức Anh), có địa chỉ tại số 5, ngõ 178, phố Tây Sơn, quận Đống Đa, TP Hà Nội.
Thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện cơ sở đang đóng gói nhiều mặt hàng liên quan đến thiết bị y tế, như: Khẩu trang, quần áo phòng mổ, dung dịch sát khuẩn, hóa chất cùng nhiều thiết bị y tế chưa rõ chủng loại. Đặc biệt, tại cơ sở còn có một số máy móc và các loại vỏ hộp, bao bì để phục vụ việc đóng gói sản phẩm.
Ngoài ra, trong ngôi nhà 5 tầng, ngoại trừ phòng khách được trưng bày thiết bị, vật tư y tế để chào hàng, còn lại từ khu vực bếp cho đến nhà vệ sinh và các phòng khác của ngôi nhà đều được dùng để chứa các sản phẩm y tế.
Hàng vạn sản phẩm tại cơ sở kinh doanh
Theo thông tin Báo GD&TĐ có được, tổng số hàng hóa tại cơ sở kinh doanh của Cty Đức Anh gồm các mặt hàng quần áo bảo hộ y tế có nhãn Phúc Hà và nhãn QT, cụ thể:
Sản phẩm được đóng gói nhãn Phúc Hà (của Công ty CP Dược và thiết bị y tế Phúc Hà, địa chỉ tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) gồm hàng thành phẩm và hàng bán thành phẩm, trong đó: Hàng thành phẩm là 1.397 bộ trang phục áo liền quần SMS (một bộ gồm: 1 bộ áo liền quần; 1 kính bảo hộ; 1 khẩu trang y tế; 1 túi giấy thông dụng; 1 đôi găng tay phẫu thuật) và 927 chiếc áo phẫu thuật.
Ngoài ra, hàng bán thành phẩm gồm: 10,5kg tem giấy có nhãn Phúc Hà; 360 bộ quần áo không nhãn dùng để đóng cho bộ sản phẩm có nhãn Phúc Hà; 185 chiếc kính bảo hộ và 600 đôi găng tay đều dùng để đóng cho bộ sản phẩm có nhãn Phúc Hà; Khẩu trang dùng để đóng cho bộ sản phẩm có nhãn Phúc Hà là 28 hộp loại khẩu trang nhãn TANAPHA (50 cái/hộp) và 2 hộp khẩu trang nhãn Phúc Hà (50 cái/hộp); 1 máy hàn nhiệt miệng túi dùng để đóng sản phẩm nhãn Phúc Hà.
Sản phẩm được đóng gói nhãn QT (của Công ty TNHH In và dịch vụ thương mại Quang Trung, địa chỉ tại KĐT Pháp Vân, quận Hoàng Mai) gồm hàng thành phẩm và bán thành phẩm, trong đó: Hàng thành phẩm là 1.850 bộ trang phục bảo hộ (1 bộ có: 1 bộ quần liền áo; 1 đôi bọc giầy; 1 đôi găng tay; 1 khẩu trang; 1 kính bảo hộ) được đóng trong túi có nhãn QT – Bộ trang phục bảo hộ dùng trong y tế.
Hàng bán thành phẩm, gồm: 2.400 bộ quần liền áo không nhãn, 450 chiếc kính bảo hộ, 200 đôi găng tay, 9,4kg tem giấy, tất cả đều đùng để đóng cho bộ sản phẩm có nhãn QT; 1 máy hàn nhiệt miệng túi dùng để đóng bộ quần áo nhãn QT.
Ngoài các sản phẩm nêu trên, tại cơ sở kinh doanh của Cty Đức Anh còn có 9.419 sản phẩm là: vật tư, thiết bị y tế; các loại kít thử nhanh; máy đo nước tiểu; máy đo huyết áp… do nước ngoài sản xuất, cơ sở chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ. Do vậy, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) đã tiến hành tạm giữ để tiếp tục xác minh làm rõ.
Có thể thấy, việc cơ quan chức năng phát hiện số lượng lớn vật tư, thiết bị y tế tại cơ sở kinh doanh của Cty Đức Anh đã chặn đứng hành vi có dấu hiệu gian lận thương mại, đặc biệt là những mặt hàng liên quan đến thiết bị y tế trong thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát như hiện nay.
Cần xử lý kịp thời, nghiêm minh
Dư luận đặt câu hỏi, nếu số lượng vật tư, thiết bị y tế của Cty Đức Anh vừa bị phát hiện là hàng giả mà được những cán bộ, y bác sĩ và những người đang ngày đêm phòng, chống dịch Covid-19 sử dụng thì sức khỏe, tính mạng của họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào? Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm khắc Cty Đức Anh nếu số lượng vật tư, thiết bị y tế tại cơ sở kinh doanh của đơn vị này là hàng giả.
Trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi phạm tội liên quan đến dịch bệnh, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao đã ban hành văn bản hướng dẫn, cụ thể.
Ngày 30/3/2020, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành văn bản số 45/TANDTC-PC hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh.
Trong phần hướng dẫn xác định tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự, Hội đồng thẩm phán TANDTC nêu rõ: “Người có hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174”.
Ngay sau đó, ngày 3/4/2020, Viện KSND Tối cao cũng ban hành chỉ thị số 03/CT-VKSTC về tăng cường công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong xử lý tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, Viện KSND Tối cao yêu cầu các đơn vị trực thuộc và Viện KSND các cấp khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự thực hiện có hiệu quả các biện pháp cấp bách, trong đó: “Chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án cùng cấp để phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi phạm tội liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định của Bộ luật Hình sự, như: Lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi trái pháp luật nhằm trục lợi (như hành vi đầu cơ, buôn lậu; làm giả hàng hóa, lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tham nhũng hoặc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng;…
Đồng thời, chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án cùng cấp để xử lý nhanh chóng những hành vi phạm tội liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, như áp dụng ngay thủ tục rút gọn đối với các vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự; đối với những vụ án không áp dụng thủ tục rút gọn thì phải khẩn trương tiến hành các hoạt động tố tụng để xử lý tội phạm trong thời hạn ngắn nhất.
Như vậy, kể từ khi bùng phát dịch bệnh Covid-19 đến nay, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã bị phát hiện có dấu hiệu làm giả vật tư, thiết bị y tế, thế nhưng chưa có cá nhân, doanh nghiệp nào bị xử lý hình sự. Mới đây nhất là Công ty Quốc Bảo (ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) và một số cá nhân ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An…